Giữ gìn nghề truyền thống của quê hương

  • 07:50 | Thứ Sáu, 24/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với người dân xã Quảng Tiến (Quảng Trạch), việc bảo tồn nghề thủ công như nón lá, nghề mây xiên không chỉ là mục đích phát triển kinh tế mà còn là giữ gìn truyền thống của quê hương. Bởi đó là cái nghề đã di cư theo họ từ quê cũ xã Quảng Văn và Quảng Hải (nay thuộc TX. Ba Đồn) đi “kinh tế mới” ở xã Quảng Tiến.
 
Nhớ quê, giữ nghề
 
Gần nửa thế kỷ trước, thực hiện chủ trương “giãn dân” của huyện Quảng Trạch, người dân các xã Quảng Văn và Quảng Hải (nay thuộc TX. Ba Đồn) đã xung phong lên khai phá vùng đất mới Quảng Tiến. Trong hành trang mà người dân mang theo có 2 nghề thủ công truyền thống đó là nghề làm nón lá và nghề mây xiên.
 
Theo ông Trần Văn Song, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, tuy đất đai rộng rãi nhưng Quảng Tiến chủ yếu là đồi núi, chỉ có 40ha sản xuất được 1 vụ lúa nước. Chính vì vậy, để bảo đảm cuộc sống, người dân nơi đây vẫn duy trì và phát triển các nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là nghề mây xiên.
 
Còn theo các bậc cao niên ở đây, việc bảo tồn những nghề thủ công truyền thống không chỉ là mục đích phát triển kinh tế mà còn là giữ gìn truyền thống của quê hương. Đó cũng là cách mà họ “níu hồn” quê hương ở trong lòng. Cũng vì yêu, vì nhớ quê hương nên bao thế hệ người dân Quảng Tiến vẫn nối tiếp nhau giữ lấy nghề.
 
Bà Phạm Thị Thu, ở thôn Hà Tiến đã có hơn 20 năm làm nghề mây xiên. Bà cho biết, từ lúc 10 tuổi, khi đang ở quê cũ Quảng Văn, đã biết phụ với cha mẹ “xiên mây” kiếm tiền mua sách vở, áo quần đi học. Lớn lên, theo gia đình lên Quảng Tiến lập nghiệp, rồi lấy chồng sinh con, bà vẫn duy trì nghề này cho đến bây giờ.
Nghề mây xiên góp phần mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.
Nghề mây xiên góp phần mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.
“Khác với những nghề đan lát khác, nghề mây xiên ở đây không gia công thành các sản phẩm mà đan thành tấm dài khoảng 15m, rộng từ 0,4-0,9m theo đơn đặt hàng. Trung bình mỗi tấm dài 15x0,9m, tôi mất 6 ngày để đan xong với tiền công là 900.000 đồng. Tính ra, mỗi ngày tôi thu được trên dưới 100 nghìn đồng, không cao nhưng nhờ làm thường xuyên nên có “đồng ra đồng vào” đều đặn để nuôi 3 đứa con ăn học”, bà Thu chia sẻ.
 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Tiến cho biết thêm: Nghề mây xiên không nặng nhọc, dễ làm, chỉ cần chịu khó, chuyên cần, cẩn thận một chút là làm được. Chính vì vậy, nghề thu hút hầu hết lao động là phụ nữ, người già và cả trẻ em trên địa bàn xã. Tuy là nghề phụ, thu nhập không được cao nhưng đã giải quyết được việc làm thường xuyên, tạo an sinh xã hội bền vững cho địa phương.
 
Trăn trở tìm hướng đi mới
 
Bí thư Đảng ủy xã Quảng Tiến Mai Văn Đồng cho biết, cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã đang tập trung đầu tư phát triển các nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là nghề mây xiên, coi đây là một nghề “trụ cột” trong cơ cấu kinh tế của xã.
 
Để bảo tồn và phát triển nghề mây xiên, từ năm 2016, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Mây tre đan Quảng Tiến theo mô hình mới do ông Phạm Văn Minh làm giám đốc. HTX Mây tre đan Quảng Tiến hiện có 20 thành viên, là “cầu nối” thu mua và tiêu thụ sản phẩm cho người dân trong xã.
 
Giám đốc HTX Mây tre đan Quảng Tiến Phạm Văn Minh cho biết, hiện HTX đang sản xuất và thu mua tấm mây xiên “mắt cáo” để cung cấp cho các công ty chuyên xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ trên toàn quốc. Cùng nguồn nguyên liệu là sợi mây truyền thống, hiện HTX cũng đang nhập nguyên liệu là sợi nhựa cao cấp về cho thành viên và bà con sản xuất. Cùng với đó, HTX còn thu mua và tiêu thụ sản phẩm nón lá cho người dân trong xã.
 
“Hiện nay, sản phẩm của HTX đang được thị trường ưa chuộng, đánh giá cao. Tuy vậy, trong xu thế hiện nay, thị trường ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng cũng như tính thẩm mỹ, buộc chúng tôi phải không ngừng đổi mới. Thời gian qua, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương các cấp, HTX đã không ngừng nỗ lực tìm kiếm nguồn nguyên liệu chất lượng cao, mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường mới. Hy vọng trong tương lai không xa, sản phẩm của HTX Mây tre đan Quảng Tiến sẽ có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương", ông Minh chia sẻ.
 
Phan Phương
 

tin liên quan

Sớm bàn giao mặt bằng để thi công đường bộ cao tốc Bắc-Nam

(QBĐT) - Đó là yêu cầu của đồng chí Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và các đơn vị liên quan về công tác triển khai dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, diễn ra chiều nay, 23/2.

Linh hoạt triển khai các biện pháp thi công đường bộ cao tốc Bắc-Nam

(QBĐT) - Sáng 23/2, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ và đoàn công tác của Bộ GTVT đã đến kiểm tra hiện trường thi công Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Minh Hóa: Nông dân tích cực chăm sóc cây ăn quả

(QBĐT) - Thời điểm hiện tại, những vườn cây ăn quả trên địa bàn huyện Minh Hóa đã bắt đầu ra hoa rộ, chuẩn bị thời kỳ đậu quả. Đây chính là thời điểm, người trồng cây tập trung vào công việc chăm sóc nhằm nâng cao tỷ lệ ra hoa đậu quả, hướng tới những mùa vụ bội thu.