Phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số:

Đầy đặn vốn liếng nhưng chưa thể… sinh lời

  • 14:25 | Thứ Bảy, 31/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khi có dịp đặt chân đến vùng đất cực Bắc Hà Giang, được trải nghiệm những sản phẩm du lịch mà đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây khai thác bằng chính vốn liếng văn hóa của mình, chúng tôi bất giác chạnh lòng. Quảng Bình cũng mang trong mình những giá trị về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa của bà con DTTS nhưng những tiềm năng, lợi thế ấy chưa thực sự được phát huy.
 
Khai mở tiềm năng du lịch, đánh thức những vùng đất phía biên cương heo hút cũng là cách để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và mang lại sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững cho bà con.  
Khai thác sản phẩm du lịch tại bản Còi Đá, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy.
Khai thác sản phẩm du lịch tại bản Còi Đá, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy).
 
Đầy đặn vốn liếng
 
Vùng đồng bào DTTS, biên giới và miền núi Quảng Bình có diện tích tự nhiên gần 3.850km2­, với hơn 222km đường biên giáp với nước CHDCND Lào. Dân số hơn 45 nghìn người (chiếm 4,98% dân số toàn tỉnh). Riêng đồng bào DTTS sinh sống tập trung theo cộng đồng ở 15 xã và 3 bản trên địa bàn các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy, với 27.004 người (chiếm 2,96% dân số toàn tỉnh). 
 
Thiên nhiên ban tặng cho những vùng đất xa ngái này hệ thống cảnh quan hùng vĩ với Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong dọc theo hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại. 
 
Các DTTS ở Quảng Bình, bao gồm: Dân tộc Bru-Vân Kiều với các nhóm Vân Kiều, Trì, Khùa, Ma Coong và dân tộc Chứt với các nhóm Sách, Mày, Rục, Arem, Mã Liềng. Ngoài ra, còn có một số DTTS khác ở phía Bắc mới di cư vào không lâu như: Mường, Thổ, Tày, Nùng…
 
Mỗi tộc người, dân tộc có giá trị văn hóa độc đáo riêng. Trong sự phát triển của lịch sử vùng đất, văn hóa các tộc người đã có sự đan xen, học hỏi lẫn nhau tạo nên những giá trị độc đáo, làm đậm đà thêm vốn liếng văn hóa bản địa lâu đời. 
Mỗi tộc người, mỗi dân tộc có giá trị văn hóa độc đáo riêng.
Mỗi tộc người, mỗi dân tộc có giá trị văn hóa độc đáo riêng.
Cùng với tài nguyên thiên nhiên, vùng đất dọc biên giới phía Tây Quảng Bình còn mang trong mình những giá trị văn hóa độc đáo gắn liền với đời sống của đồng bào DTTS. Một số lễ hội văn hóa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, Lễ hội đập trống của người Ma Coong, Lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều và Hội rằm tháng ba Minh Hóa… đã trở thành các sự kiện văn hóa, du lịch thu hút sự quan tâm nhân dân và khách du lịch.
 
Là người nhiều năm nghiên cứu văn hóa và đã từng đặt chân đến tất cả những bản làng của đồng bào DTTS Quảng Bình, Tiến sỹ Nguyễn Khắc Thái khẳng định, dù 2 cộng đồng Chứt và Bru-Vân Kiều có lịch sử tộc người khác nhau, cư trú trên những địa bản khác nhau, lại có khá nhiều điểm chung về cách tiếp cận thiên nhiên nhưng sắc thái văn hoá bộc lộ qua hệ thống tài nguyên văn hoá thì lại khác nhau. Đây là sự khu biệt văn hoá có thể khai thác để chuyển hoá từ tài nguyên văn hoá thành tài nguyên du lịch. 
 
“Đánh thức” những bản làng
 
Từ năm 2018, Netin Travel đã đưa vào khai thác sản phẩm “Khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru-Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy”. Cùng với việc trải nghiệm thiên nhiên hùng vĩ nơi núi rừng Trường Sơn, du khách còn được tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Bru-Vân Kiều nơi đây.
Tập huấn về du lịch cộng đồng cho đồng bào Bru-Vân Kiều xã Kim Thủy (Lệ Thủy).
Tập huấn về du lịch cộng đồng cho đồng bào Bru-Vân Kiều xã Kim Thủy (Lệ Thủy).
Bản Còi Đá, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) với những nếp nhà sàn bình dị nằm yên bình giữa thung lũng ngát xanh bỗng một ngày rộn ràng đón những bước chân lữ khách. Với con đường bê tông đi thẳng vào tận bản, cuộc sống của họ dần bước ra khỏi những tăm tối và có quyền hy vọng về những đổi thay đẹp đẽ. 
 
Sau 4 năm, hiện, một số bà con ở khu vực này cũng tham gia vào các hoạt động hỗ trợ du lịch, như: Tham gia nấu ăn, vận chuyển hàng hóa, dựng lều trại…  Đặc biệt, cũng có hộ dân ở bản Rum Ho, xã Kim Thủy (Lệ Thủy) dưới sự hỗ trợ của công ty đã cải tạo lại nhà để làm homestay đón khách.
 
Chị Dương Thị Hiếu, Phó Giám đốc Netin Travel cho biết: “Khi bắt tay vào làm du lịch ở những địa bàn này, Netin cũng gặp nhiều khó khăn. Buổi ban đầu, bà con không chịu hợp tác, có lúc còn chặn không cho khách của chúng tôi vào. Tuy nhiên, dần dần bà con thấy được quyền lợi nên họ hợp tác cùng chúng tôi để phát triển du lịch. Không chỉ làm việc chân tay, với vốn hiểu biết về văn hóa bản địa, nhiều bà con còn giới thiệu văn hóa của chính đồng bào mình đến với du khách”. 
Du khách hào hứng khám phá đời sống, văn hóa của đồng bào tại bản Còi Đá.
Du khách hào hứng khám phá đời sống, văn hóa của đồng bào tại bản Còi Đá.
Đó là một trong hơn 40 sản phẩm du lịch hiện đang được khai thác trên địa bàn tỉnh. Nhiều sản phẩm du lịch văn hóa tại khu vực đồng bào DTTS và miền núi đã bước đầu tạo được sức hút với khách du lịch trong nước và quốc tế. Tiểu biểu, như: Trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa tại xã Thượng Hóa (Minh Hóa); khám phá khe Nước Trong, suối Tiên và chinh phục thác Cổng Trời, Bãi Đạn (Lệ Thủy); khám phá thiên nhiên Hóa Sơn-hang Rục Mòn (Minh Hóa)...
 
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, việc phát triển du lịch tại những khu vực này vừa làm đa dạng hóa, bổ sung dịch vụ cho các sản phẩm du lịch hiện có của nhiều địa phương, đồng thời góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng các bà con DTTS  tham gia vào chuỗi du lịch, tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế-xã hội của người dân.
 
Vì sao chưa thể… sinh lời?
 
Tại hội nghị gần đây về phát triển các sản phẩm du lịch vùng đồng bào DTTS Quảng Bình, các đại biểu là những nhà nghiên cứu văn hóa, doanh nghiệp, Sở Du lịch… đã thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc phát triển du lịch tại các khu vực đồng bào DTTS và miền núi chưa tương xứng với tiềm năng. Các sản phẩm du lịch còn thiếu đa dạng. Sự tham gia và lợi ích của người dân địa phương còn hạn chế.
với vốn hiểu biết về văn hóa bản địa, nhiều bà con còn giới thiệu văn hóa của chính đồng bào mình đến với du khách
Với vốn hiểu biết về văn hóa bản địa, nhiều bà con còn giới thiệu văn hóa của chính đồng bào mình đến với du khách.
Sự chia sẻ lợi ích chưa công bằng giữa một số doanh nghiệp và cộng đồng dân cư địa phương dẫn tới việc chưa khuyến khích được người dân tham gia vào chuỗi hoạt động du lịch bền vững, chưa phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Mặt khác, xu hướng thương mại hóa và nhạt dần bản sắc văn hóa cũng đang là vấn đề cấp bách cần phải quan tâm, giải quyết kịp thời.
 
Theo Tiến sỹ Nguyễn Khắc Thái, tài nguyên văn hoá mới là điều kiện cần để từ đó phân lập lựa chọn các giá trị nào đủ sự hấp dẫn phát triển du lịch. Khi đã xác định được, đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ để hình thành chỉnh thể 3 thành tố cấu thành sản phẩm, đó là: Giá trị tài nguyên, hạ tầng và dịch vụ du lịch. Thiếu một trong 3 điều kiện đó không thành sản phẩm du lịch.
 
Thế nhưng, ngoài giá trị tài nguyên, thì điều kiện đời sống còn nhiều khó khăn tại những khu vực này chưa thể đáp ứng được yêu cầu của loại hình du lịch cộng đồng. Chưa kể, việc đồng bào chưa được tham gia vào bất kỳ hoạt động đào tạo nhân lực du lịch nào cũng là trở ngại rất lớn cho việc xây dựng điểm đến du lịch.
 
Phát triển du lịch là bài toán nâng cao thu nhập, thoát nghèo hiệu quả cho người dân vùng cao nhưng nhất thiết phải bảo tồn được cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa truyền thống. Đó là bài học được rút ra từ những mô hình du lịch thành công được khai thác từ vốn liếng văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên… Du lịch các vùng đồng bào DTTS Quảng Bình cũng phát triển không nằm ngoài quy luật này.
Phát triển du lịch cũng là góp phần bảo tồn văn hóa bản địa.
Phát triển du lịch cũng là góp phần bảo tồn văn hóa bản địa.
Nhưng thực tế cho thấy, văn hóa của bà con đồng bào DTTS ở Quảng Bình đã dần bị mai một theo thời gian. Trang phục, nhạc cụ truyền thống gần như không còn hoặc còn thì đã bị lai tạp.
 
“Điều cấp thiết là cần khôi phục và tập huấn về văn hóa truyền thống cho bà con để bảo tồn văn hóa và phục vụ du lịch. Nhiều địa phương có dự án hỗ trợ về khôi phục văn hóa truyền thống nhưng không phục vụ khách du lịch. Trong khi đó, có những nơi có hoạt động du lịch nhưng chưa được đầu tư để phục dựng. Rõ ràng, khi có quyền lợi, có thu nhập thì bà con sẽ hợp tác và có trách nhiệm để phát triển...”, Phó Giám đốc Netin Travel bày tỏ. 
 
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Du lịch đã triển khai chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch thuộc Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”. Nhiều chương trình quảng bá, khảo sát, đánh giá để xây dựng các sản phẩm phù hợp mang tới kỳ vọng sẽ khai mở những giá trị văn hóa vùng đồng bào DTTS, từ đó góp phần phát triển du lịch, “đánh thức” những bản làng còn nhiều khó nghèo phía Tây Quảng Bình. 
 
Diệu Hương

tin liên quan

Năm 2022, doanh số cho vay tăng 55,2 tỷ đồng

(QBĐT) - Ông Mai Ngọc Sơn, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện Bố Trạch cho biết, năm 2022, doanh số cho vay của đơn vị đạt 241,3 tỷ đồng, tăng 55,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, với hơn 4.900 lượt khách hàng được vay vốn.

Hàng hóa dồi dào phục vụ Tết

(QBĐT) - Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phương án cung ứng hàng hóa và xử lý các biến động bất thường của thị trường; đồng thời, tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Khởi động tháng cao điểm khuyến mại Tết Qúy Mão 2023

(QBĐT) - Ngày 31/12, Co.opmart Quảng Bình tổ chức lễ khởi động tháng cao điểm khuyến mại Tết Qúy Mão 2023 với chủ đề "Khai Tết xanh-Gieo lộc lành".