Thực hiện đồng bộ các giải pháp mới tạo ra được sản phẩm du lịch hấp dẫn

  • 13:52 | Thứ Sáu, 30/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2022, du lịch Quảng Bình đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau những khó khăn dồn dập bởi đại dịch Covid-19, từng bước khẳng định là “điểm đến thiên nhiên, an toàn và khác biệt”. Phong phú tài nguyên cùng những quyết sách kịp thời nhưng du lịch Quảng Bình vẫn chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế cạnh tranh cùng rất nhiều “điểm nghẽn” khác. 
 
Làm gì để khơi thông “điểm nghẽn” và đâu là định hướng phát triển của du lịch Quảng Bình trong những năm tiếp theo? Đó là nội dung cuộc trò chuyện của Báo Quảng Bình với ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch trước thềm năm mới 2023.
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch đón đoàn khách trên du thuyền du lịch quốc tế cao cấp của hãng Ponant (Pháp) cập cảng Hòn La, vào tháng 10/2022.
Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Ngọc Quý đón đoàn khách trên du thuyền du lịch quốc tế cao cấp của hãng Ponant (Pháp) cập cảng Hòn La, vào tháng 10/2022.
P.V: Sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, thời gian qua, du lịch Quảng Bình đã phục hồi như thế nào, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Ngọc Quý: Với sự chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và triển khai chủ động, kịp thời các giải pháp về tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch trong điều kiện mới, sự nỗ lực, sẵn sàng mở cửa phục vụ du khách của các đơn vị hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, du lịch Quảng Bình năm 2022 có sự phục hồi nhanh và đạt kết quả tích cực. 
 
Trong năm 2022, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt hơn 2,1 triệu lượt. Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 33,7 nghìn lượt. Doanh thu dịch vụ lưu trú dự ước đạt 450,6 tỷ đồng.
 
Hạ tầng du lịch được tập trung đầu tư và ngày càng đồng bộ hóa. Nhiều sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác thử nghiệm và chất lượng dịch vụ được cải thiện. Công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng nhân lực được chú trọng và có những dấu hiệu khả quan. Văn hóa du lịch được nâng cao. Ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong du lịch cũng được triển khai mạnh mẽ. 
Sản phẩm du lịch
Sản phẩm du lịch "Khám phá thiên nhiên Chà Rào-Chà Cùng" đưa vào khai thác tạm thời. Ảnh: Tráng Trường Sơn
Điều đáng mừng, năm 2022 du lịch Quảng Bình đã được các tổ chức, tạp chí trong nước và quốc tế tiếp tục đánh giá cao. Đặc biệt, hang Sơn Đoòng được giới thiệu trên trang chủ Google tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ ngày 14/4 với quy mô tiếp cận hơn 500 triệu lượt người.
 
P.V: Đó là những tín hiệu mừng, tuy nhiên, chúng ta vẫn phải thẳng thắn rằng, một trong những hạn chế lớn là đội ngũ nhân lực du lịch còn thiếu chuyên nghiệp. Vậy, ông cho biết ngành Du lịch Quảng Bình làm gì để khắc phục hạn chế đó?
 
Ông Nguyễn Ngọc Quý: Đúng, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong những năm qua, nhân lực du lịch Quảng Bình chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển. Chất lượng nhân lực du lịch là vấn đề, thách thức lớn đối với tất cả các địa phương-"điểm đến" du lịch trong và ngoài nước. Vì vậy, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch là vấn đề mang tính cấp thiết được tỉnh, ngành quan tâm, tập trung thực hiện.
 
Năm 2022, Sở Du lịch đã phối hợp với các đơn vị, huy động các nguồn lực xã hội để tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng công tác định hướng nghề nghiệp, tuyển dụng nhân lực du lịch; chỉ đạo các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng, tập huấn cho lao động địa phương tham gia phục vụ các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh. 
Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho nhân lực phục vụ du lịch tại một số địa phương.
Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho nhân lực phục vụ du lịch tại một số địa phương.
Sở đã phối hợp với các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh tổ chức 15 lớp đào tạo, tập huấn cho các đối tượng tham gia hoạt động du lịch với số lượng 611 học viên. Một số khóa đào tạo đã tạo ra hiệu quả tích cực trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là tại các địa phương phát triển du lịch cộng đồng, như: Lớp tiếng Anh giao tiếp trong du lịch cho người dân làm du lịch cộng đồng tại Cự Nẫm (Bố Trạch); tập huấn dịch vụ du lịch cộng đồng tại Cảnh Dương (Quảng Trạch) và tại Trường Xuân, Trường Sơn (Quảng Ninh)... 
 
P.V: Và nhân lực không phải là hạn chế duy nhất của du lịch Quảng Bình, đúng không ạ?
 
Ông Nguyễn Ngọc Quý: Đúng là như vậy! Một vấn đề lớn khiến những người làm du lịch chúng tôi luôn trăn trở là du lịch Quảng Bình phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, cần rất nhiều nỗ lực, sự chung tay của các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp. 
 
Sau đại dịch Covid-19, thị hiếu và nhu cầu của khách hàng có sự thay đổi lớn khi chủ động đặt các dịch vụ, xu hướng về các sản phẩm du lịch thiên nhiên, trải nghiệm. Điều đó, đặt ra yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, phương thức nội dung, cách tiếp cận trong quảng bá, xúc tiến du lịch của cơ quan quản lý điểm đến; chuyển đổi phương thức marketing, quảng cáo đối với doanh nghiệp. 
 
Tuy nhiên, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch còn yếu so với các tỉnh, thành phố phát triển du lịch trong cả nước. Trong khi đó, cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch tuy đã được chú trọng đầu tư nhưng thiếu đồng bộ, thiếu các khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, chợ đêm, trạm dừng chân trên các tuyến đường, bãi đỗ xe du lịch tại TP. Đồng Hới, các dịch vụ hỗ trợ phục vụ khách... 
 
Hoạt động trên lĩnh vực kinh doanh lữ hành còn yếu, kinh nghiệm chưa nhiều, chưa năng động. Việc đầu tư cho công tác kinh doanh lữ hành chưa chuyên sâu, bài bản, do vậy, hiệu quả mang lại chưa cao.
 
Công tác hướng dẫn, phục vụ, vệ sinh môi trường tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch chưa tốt. Tình trạng đeo bám, chèo kéo du khách vẫn diễn ra. Việc thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết chưa nghiêm túc, vẫn còn tình trạng gian lận trong buôn bán, nhất là tại các nhà hàng, quán ăn không đạt chuẩn phục vụ khách du lịch ở khu vực Phong Nha và TP. Đồng Hới.
 
Các loại hình sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn chưa đa dạng, phong phú, thiếu các khu, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, khu mua sắm lớn, có khả năng thu hút được số lượng lớn khách du lịch, các dịch vụ du lịch về đêm.
 
Các dự án đầu tư về cơ sở lưu trú cao cấp, khu nghỉ dưỡng, tổ hợp sân golf, vui chơi, giải trí bị chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chưa kể, công suất phục vụ của các đường bay, đường sắt bị hạn chế, ảnh hưởng đến sự lựa chọn của khách du lịch...
 
P.V: Thực tế cho thấy, bài toán luôn làm khó ngành Du lịch Quảng Bình là tính thời vụ. Vậy theo ông, các đơn vị kinh doanh du lịch cần làm gì để “gỡ” khó?
 
Ông Nguyễn Ngọc Quý: Thời vụ trong du lịch là quy luật có tính phổ biến ở tất cả các nước và các vùng có hoạt động du lịch. Một trong những nguyên nhân quyết định là điều kiện khí hậu.
 
Ở các các vùng du lịch phát triển, thời vụ du lịch kéo dài hơn và chênh lệch cường độ của mùa du lịch chính so với thời kỳ trước và sau mùa vụ chính thể hiện yếu hơn. Ngược lại, ở những nơi du lịch mới phát triển, mùa du lịch thường ngắn hơn và sự chênh lệch cường độ của mùa du lịch chính so với thời gian trước và sau mùa chính thể hiện rõ nét hơn.
 
Theo tôi, để kéo dài thời vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước hết, đó là huy động các nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ phát triển du lịch.
Lưu trú tại Tú Làn Logde, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm thêm văn hóa địa phương, tìm hiểu cuộc sống của người dân vùng rốn lũ Tân Hóa, góp phần xóa dần tính thời vụ du lịch. Ảnh: Oxalis Adventure
Du khách có cơ hội trải nghiệm và tìm hiểu cuộc sống người dân xã Tân Hóa (Minh Hóa) tại Tú Làn Logde, góp phần xóa dần tính thời vụ du lịch. Ảnh: Oxalis
Địa phương cũng cần tạo điều kiện, hỗ trợ và xúc tiến, huy động, thúc đẩy các nhà đầu tư, các đơn vị kinh doanh du lịch đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu và thích ứng với các điều kiện thời tiết khác nhau, như: Các sản phẩm du lịch trải nghiệm thích ứng với biến đổi khí hậu (các bungalow nổi, sản phẩm du lịch trải nghiệm mùa lụt, mùa mưa); các sản phẩm du lịch thể thao; du lịch nghỉ dưỡng mùa đông…
 
Các doanh nghiệp phải đa dạng hóa thị trường khách trong nước và quốc tế để duy trì số lượng khách ổn định trong cả năm phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết: Thời vụ khách quốc tế từ tháng 10 đến tháng 3, thời vụ khách nội địa từ tháng 4 đến tháng 9.
 
Tất nhiên, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp du lịch phải nhận thức đúng và đầy đủ về tính quy luật của tính thời vụ du lịch, từ đó, đẩy mạnh liên kết tạo chuỗi kết nối giữa doanh nghiệp, các điểm đến tạo nên nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, phục vụ được đa dạng thị trường khách du lịch để kéo dài thời gian lưu trú và nâng cao mức chi tiêu của khách du lịch.
 
P.V: Trong năm 2023, ngành Du lịch Quảng Bình đặt mục tiêu đón 3-3,5 triệu lượt khách. Vậy định hướng xa hơn, trong giai đoạn từ 2025-2030 thì sao, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Ngọc Quý: Dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, tập trung đầu tư để phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định được thương hiệu du lịch Quảng Bình trên bản đồ du lịch quốc tế và coi đây là khâu đột phá để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. 
 
Mục tiêu đến năm 2025, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình đạt 7-8 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế chiếm từ 10-20%. Khu Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia.
 
Đến năm 2030, tổng số khách du lịch khoảng 10 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế khoảng 3 triệu lượt khách; khu du lịch quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc gia, quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại. Sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao với sản phẩm đặc trưng là thám hiểm hang động; nghiên cứu, tìm hiểu đa dạng sinh học, văn hóa hóa bản địa và di tích khảo cổ.
 
P.V: Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này. Chúc ngành Du lịch Quảng Bình đạt được nhiều kết quả nổi bật trong năm 2023!
 
Diệu Hương (thực hiện)

tin liên quan

Ruốc ngon Đông Thành

(QBĐT) - Từ những con khuyếc tươi ngon được đánh bắt ở vùng biển Ngư Thủy (Lệ Thủy), dưới bàn tay cần mẫn, chịu khó của những người dân Đông Thành, xã Liên Thủy đã chế biến ra món đặc sản ruốc quết đậm vị. 

Họp báo công bố số liệu kinh tế-xã hội năm 2022

(QBĐT) - Sáng 29/12, Cục Thống kê tổ chức họp báo công bố số liệu kinh tế-xã hội năm 2022 của tỉnh. 

Lệ Thủy: Giải ngân hơn 84 tỷ đồng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP

(QBĐT) - Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong năm 2022, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện Lệ Thủy đã giải ngân số tiền 84,6 tỷ đồng đến các đối tượng vay.