Nỗ lực vượt khó xây dựng nông thôn mới

  • 14:08 | Thứ Tư, 28/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Theo thống kê, tính đến hết năm 2022, toàn huyện Tuyên Hóa có 304 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), bình quân 16,8 tiêu chí/xã, trong đó có 9 xã đã được công nhận đạt chuẩn. Trước thực tế mức đạt chuẩn của bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 ngày càng nâng cao, huyện đã yêu cầu các địa phương tự rà soát, đánh giá thực trạng các tiêu chí, đưa ra kế hoạch, lộ trình phù hợp để giữ vững các tiêu chí đã đạt được, đồng thời triển khai xây dựng NTM nâng cao.
 
Ưu tiên nguồn lực phát triển sản xuất
 
Năm 2022, xã Cao Quảng đặt mục tiêu được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Đến thời điểm hiện tại, địa phương này đã cơ bản hoàn thành các hồ sơ thủ tục, trình cấp có thẩm quyền công nhận.
 
Chủ tịch UBND xã Cao Quảng Nguyễn Thị Phương cho biết: "Cao Quảng là xã miền núi khó khăn, điểm xuất phát kinh tế thấp, địa hình bị chia cắt, đời sống và thu nhập của nhân dân còn rất thấp, do đó, quá trình triển khai thực hiện các tiêu chí NTM địa phương gặp phải không ít khó khăn. Tuy vậy, chúng tôi không trông chờ, ỷ lại, mà trên cơ sở thực tế của địa phương để xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể, nỗ lực, khắc phục, tháo gỡ dần những khó khăn. Trong đó, chúng tôi ưu tiên công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức triển khai các tiêu chí dễ thực hiện để hoàn thành trước. Bên cạnh đó, xã cũng tranh thủ và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của Trung ương, tỉnh, huyện để xây dựng các cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Hàng năm ban chỉ đạo, ban quản lý chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của xã đều tiến hành rà soát, đánh giá lại các tiêu chí đã đăng ký, những nội dung đã đạt được và chưa đạt được để đôn đốc chỉ đạo thực hiện".
 
Nhờ công tác tuyên truyền, vận động được triển khai trước một bước, chỉ trong một thời gian ngắn, xã Cao Quảng đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong việc chung tay xây dựng NTM. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, cán bộ và nhân dân trên địa bàn xã đã tự nguyện hiến gần 24.000m2 đất các loại, hàng nghìn ngày công lao động tham gia xây dựng các công trình đường giao thông, cơ sở hạ tầng trên địa bàn, giá trị gần 3 tỷ đồng. Để nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân, xã Cao Quảng đã chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ. Chính quyền xã đã phối hợp với các phòng chuyên môn cấp huyện, cấp tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo nghề cho nông dân về kỹ thuật sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi.
Mô hình vườn mẫu của người dân xã Cao Quảng bước đầu mang lại thu nhập và hiệu quả kinh tế.
Mô hình vườn mẫu của người dân xã Cao Quảng bước đầu mang lại thu nhập và hiệu quả kinh tế.
Nhờ đó, từ một địa phương không có ngành nghề truyền thống, các mô hình sản xuất nhỏ lẻ, đến nay, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn xã Cao Quảng đã phát triển khá và phân bố rộng khắp. Các ngành nghề nông thôn phát triển khá đa dạng, như: Nghề rèn, mộc, nề, cơ khí, sửa chữa, sản xuất vật liệu xây dựng… tạo thu nhập ổn định, góp phần đáng kể trong việc giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Hiện, trên địa bàn xã Cao Quảng có 4 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã, 40 tổ nhóm hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Tính đến cuối năm 2022, thu nhập bình quần đầu người của Cao Quảng đã đạt gần 40 triệu đồng/năm.
 
Chủ tịch UBND xã Cao Quảng Nguyễn Thị Phương cho biết: "Thực tiễn cho thấy, sự đồng thuận của nhân dân chính là nguồn sức mạnh và là động lực để xã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Bởi chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân sẽ luôn được nhân dân hưởng ứng. Mặc dù diện mạo nông thôn và đời sống của nhân dân trên địa bàn thời gian gần đây đã có nhiều thay đổi đáng kể, thế nhưng, nhìn chung sự phát triển kinh tế của địa phương vẫn còn thiếu tính bền vững, một số tiêu chí NTM đạt được đang ở mức trung bình. Do vậy, thời gian tới, bên cạnh việc duy trì, củng cố và nâng cao các tiêu chí đã hoàn thành, xã sẽ dành nguồn lực ưu tiên đầu tư, khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập".
 
Nhiều địa phương vẫn gặp khó
 
Mai Hóa và Châu Hóa là 2 địa phương đạt chuẩn NTM khá sớm trên địa bàn huyện Tuyên Hóa. Năm 2022, các xã nói trên đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, tuy nhiên, mốc thời gian hoàn thành mục tiêu này phải lùi sang năm 2023.
 
Chủ tịch UBND xã Châu Hóa Phan Huy Hoàng cho biết: "Qua rà soát, xã Châu Hóa chỉ mới đạt 11/19 tiêu chí và 60/75 chỉ tiêu theo quy định. 8 tiêu chí chưa đạt chuẩn, gồm: Quy hoạch, giao thông, thủy lợi, lao động, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, y tế, môi trường, chất lượng môi trường sống. Trong đó, tiêu chí lao động, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn là những tiêu chí cần nguồn lực đầu tư khá lớn và thời gian dài để tổ chức thực hiện. Trong khi đó, các công trình xây dựng nhiều năm qua trên địa bàn hiện đã cũng xuống cấp, cần nguồn kinh phí đầu tư nâng cấp, làm mới".
 
Tương tự, xã Mai Hóa cũng chỉ mới đạt 15/19 tiêu chí và 69/75 chỉ tiêu. 4 tiêu chí chưa đạt chuẩn, gồm: Giáo dục, văn hóa, thông tin và truyền thông, y tế. Chủ tịch UBND xã Mai Hóa Nguyễn Anh Tuấn cho hay, sau khi rà soát, đánh giá các tiêu chí, xã đã đề ra nhiều giải pháp tập trung chỉ đạo thực hiện, trong đó tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành để phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ "trả nợ" dần các tiêu chí chưa đạt chuẩn.
 
Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Tuyên Hóa Đinh Xuân Thương cho biết: "Hầu hết các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025 đều là những địa phương khó khăn, có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, thu nhập bình quân đầu người và đời sống của người dân không cao, nên khó thu hút nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất. Trong khi đó, Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm mới và yêu cầu cao, khó thực hiện.
 
Vì vậy, thời gian tới, huyện đã yêu cầu các đơn vị, địa phương đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM chủ động rà soát, huy động nguồn lực để củng cố, bổ sung, nâng cao chất lượng tiêu chí. Huyện sẽ quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách để các xã thực hiện các tiêu chí NTM theo đúng tiến độ đề ra. Cùng với đó, các xã cần chủ động tìm kiếm, đa dạng hóa nguồn vốn thực hiện và nghiên cứu sử dụng nguồn vốn hợp lý, trong đó ưu tiên các tiêu chí thuộc nhóm cơ sở hạ tầng thiết yếu và nhóm tiêu chí phát triển sản xuất".
 
D.C.H

tin liên quan

Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm bán hàng Việt Nam giai đoạn 2021-2025

(QBĐT) - Nằm trong Đề án "Phát triển thị trường trong nước" gắn với Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động, từ nguồn kinh phí của Bộ Công thương, Sở Công thương vừa khai trương điểm bán hàng Việt Nam cố định tại số 123, Ngô Gia Tự, TP. Đồng Hới.

Phát hiện, bắt giữ 1.582 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại

(QBĐT) - Ngày 28/12, UBND tỉnh tổ chức tổng kết công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022, triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023.

Tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực tài nguyên-môi trường

(QBĐT) - Ông Phan Xuân Hào, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện tại sở đang có 24 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và DVCTT một phần cung cấp trên cổng dịch vụ công tỉnh và tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia.