Doanh nghiệp may mặc gặp khó khăn dịp cuối năm

  • 14:17 | Thứ Năm, 22/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những tháng cuối năm, hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp (DN) may mặc trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do tình trạng gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu, chi phí sản xuất tăng cao. Đặc biệt, do thiếu đơn hàng, nhiều DN may mặc phải sản xuất cầm chừng, người lao động phải làm việc luân phiên, giảm giờ làm.
 
Năm 2022, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, cuộc sống của người dân trở lại bình thường, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã phát huy hiệu quả.
 
Ngành công nghiệp của Quảng Bình đã có nhiều khởi sắc, phần lớn các DN đã thích ứng với trạng thái bình thường mới. Một số lĩnh vực, như: Khai khoáng, chế biến thực phẩm, sản xuất gỗ ván ép, chế biến thủy hải sản tăng trưởng khá nhờ chủ động được đơn hàng; một số DN sản xuất trang phục đầu tư đổi mới công nghệ và mở rộng dây chuyền để tăng sản lượng sản xuất, góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất công nghiệp năm 2022. Nhờ đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,7%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,1% so với năm 2021.
 
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của nhiều DN vẫn đang gặp nhiều khó khăn do tình trạng gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu, kèm theo đó, chi phí vận tải, chi phí nguyên vật liệu, chi phí sản xuất tăng cao làm ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là các DN may mặc xuất khẩu.
 
Được biết, tình trạng thiếu đơn hàng của các công ty may mặc đã bắt đầu xuất hiện từ khoảng đầu tháng 7/2022. Hiện có khoảng 70% DN may mặc trong tỉnh bị thiếu đơn hàng và phải tìm các biện pháp để duy trì sản xuất, ổn định việc làm và giữ chân người lao động. Trước mắt, các DN đang triển khai một số giải pháp tạm thời là chấp nhận đơn hàng giá thấp để duy trì việc làm cho người lao động hoặc cho công nhân giãn việc do không đủ nguồn lực tài chính. 
Nhiều doanh nghiệp may mặc đang gặp khó vì lượng hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh dịp cuối năm.
Nhiều doanh nghiệp may mặc đang gặp khó vì lượng hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh dịp cuối năm.
Giám đốc Công ty TNHH May Thăng Long Đặng Thăng Long cho biết: Bắt đầu từ tháng 6/2022, do Trung Quốc ban hành các chính sách phòng, chống Covid-19 nên việc nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất may mặc từ thị trường này gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, những tháng cuối năm, DN còn gặp phải tình trạng thiếu đơn hàng do lạm phát ở các thị trường xuất khẩu chính tăng cao nên công nhân của công ty phải làm việc luân phiên, giảm giờ làm.
 
Tuy nhiên, đây chỉ là các giải pháp tạm thời để giữ chân lao động trong khi các chi phí vẫn không giảm nhiều, quỹ lương hàng tháng hiện là áp lực quá lớn của đơn vị khi đơn hàng giảm mạnh. Hiện, chúng tôi mong muốn các ngành chức năng tạo mọi điều kiện cho DN trong tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển, trong đó, ưu tiên nguồn vốn vay để có điều kiện bù đắp tiền lương, chế độ, giữ chân người lao động. Có như vậy, những năm tiếp theo khi thị trường thế giới ổn định và phát triển, ngành may mặc mới có thể tiếp tục đóng góp vào ngân sách nhà nước, cũng như ngân sách địa phương…
 
Công ty TNHH S&D Quảng Bình cũng tương tự, hiện công ty có 1.005 lao động đang làm việc, chủ yếu là người địa phương và một số vùng lân cận. Thời điểm này ở những năm trước, các đơn hàng nhiều nên công ty phải tuyển dụng thêm lao động, tổ chức tăng ca… Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế trên thị trường, từ nhiều tháng qua công ty không có nhiều đơn hàng mới, trong khi các đơn hàng cũ có giá gia công cũng giảm từ 30-40% và khách hàng đòi hỏi về chất lượng ngày càng khắt khe hơn khiến công ty gặp rất nhiều khó khăn.
 
Theo bà Trần Thị Thơm, Phó Giám đốc Công ty TNHH S&D Quảng Bình cho biết: Để vượt qua khó khăn thời điểm hiện nay, ban lãnh đạo công ty đã tuyên truyền cán bộ, công nhân viên để thích ứng với thời kỳ mới, tập trung vào công tác nghiên cứu sản xuất để khi hàng vào dây chuyền không còn vướng mắc lỗi phát sinh, tăng chi phí; khuyến khích công nhân học hỏi thêm nhiều công đoạn để tăng năng suất, chất lượng, bảo đảm tiến độ giao hàng của khách hàng.
 
Đặc biệt, công ty cũng đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm; tìm đơn hàng mới ngay chính trong thị trường truyền thống với những mặt hàng đặc trưng, có giá trị xuất khẩu cao; bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi để thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng; xây dựng, đào tạo nguồn lực thích ứng với tình hình khó khăn của thị trường; chủ động kết nối và chia sẻ rủi ro cũng như lợi ích với các DN khác…
 
Hiện toàn tỉnh có 35 DN sản xuất trang phục, giải quyết việc cho gần 6.000 lao động,  đây là nhóm hàng có tỷ trọng khá lớn trong tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh. Sự tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất trang phục góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Quảng Bình hiện nay.
Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương Hồ Nhật Bình cho biết: Đầu năm 2022, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, lĩnh vực may mặc đã khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, từ tháng 9/2022 đến nay do lạm phát toàn cầu nên các đơn hàng may mặc đã bị cắt giảm do lượng hàng tồn kho tại một số nướckhá lớn.
 
Thống kê tại các DN may mặc lớn trên địa bàn tỉnh cho thấy, lượng đơn hàng trong những tháng cuối năm giảm 25-30% so với cùng kỳ. Bên cạnh thiếu đơn hàng, một số nước bắt đầu kiểm soát chặt nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu nên các DN sẽ khó khăn hơn trong việc đáp ứng các tiêu chí. Dự báo hoạt động xuất khẩu hàng may mặc sẽ khó khăn kéo dài đến hết quý I/2023.
 
"Hiện Sở Công thương vẫn luôn nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các ngành tham mưu cho UBND tỉnh những giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho các DN, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có, các dự án mới đầu tư đi vào sản xuất ổn định, khai thác tốt công suất thiết bị và hiệu quả đầu tư", ông Hồ Nhật Bình cho biết thêm.
 
 Thanh Hoa

tin liên quan

Thu hồi giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của 9 đơn vị

(QBĐT) - Sở Công thương đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
 

Mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt trên 55.000 tỷ đồng

(QBĐT) - Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 55.068 tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm 2021.

Doanh thu tiền điện đạt trên 2.000 tỷ đồng

(QBĐT) - Ngày 21/12, Công ty Điện lực Quảng Bình tổ chức hội nghị tổng kết công tác sản xuất, kinh doanh năm 2022, triển khai nhiệm vụ và hội nghị đại biểu người lao động năm 2023.