Bảo đảm môi trường trong chăn nuôi để phòng, chống dịch bệnh

  • 07:13 | Thứ Sáu, 11/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cùng với nâng cao chất lượng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư hệ thống chuồng trại, các cơ sở, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã chú trọng thực hiện các giải pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, qua đó, hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh trên đàn vật nuôi…
 
Gia đình chị Nguyễn Thị Tú Hải, xã Thuận Đức (TP. Đồng Hới) đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố để chăn nuôi lợn và luôn duy trì tổng đàn gần 200 con. Mặc dù chỉ là hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ nhưng gia đình chị Hải luôn có ý thức bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, bởi chị biết đây là nguồn nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến lây lan dịch bệnh trên đàn lợn của gia đình. 
 
“Trước đây, gia đình tôi chăn nuôi lợn theo lối truyền thống, do vậy, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi đã ảnh hưởng rất lớn tới cộng đồng dân cư, nguồn nước và làm phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chăn nuôi. Trong năm 2022, từ sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tỉnh đã hướng dẫn gia đình tôi chuyển sang thực hiện chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ. Chuồng trại được thiết kế sử dụng đệm lót sinh học, thức ăn sẵn có phối trộn men vi sinh nên đàn lợn nuôi theo hướng hữu cơ này đã giảm được mùi hôi chuồng nuôi, tạo môi trường trong sạch, không ô nhiễm... Nhờ đó, đàn lợn của gia đình tôi phát triển ổn định; hạn chế được dịch bệnh…”, chị Hải cho hay.
Các cơ sở chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ sẽ giảm tối đa ô nhiễm môi trường.
Các cơ sở chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ sẽ giảm tối đa ô nhiễm môi trường.
Trang trại chăn nuôi tổng hợp của ông Tạ Công Ngọc, xã Thanh Thủy (Lệ Thủy) có quy mô rộng 9ha, được đầu tư xây dựng từ năm 2004. Trước đây, ông Ngọc thực hiện đầu tư phát triển sản xuất trangtrại của gia đình theo quy trình, cách làm truyền thống. Bởi thế, vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi luôn là thách thức đối với gia đình ông.
 
Theo chia sẻ của ông Ngọc, trang trại của ông hiện nuôi hơn 30.000 con gà, ngan, vịt. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu rủi ro, nhất là vấn đề phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, việc xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi đã được gia đình ông chú trọng, quan tâm đầu tư…
 
“Thách thức lớn nhất đối với người chăn nuôi đó là ô nhiễm môi trường. Mới đây, gia đình tôi đã chi ra hơn 1 tỷ đồng để tiến hành cải tạo, nâng cấp các chuồng trại cũ, đầu tư xây dựng lại chuồng trại khép kín, có giàn mát, hệ thống thức ăn và nước uống tự động cho vật nuôi. Đặc biệt, khâu vệ sinh chuồng trại chăn nuôi được thực hiện thường xuyên, chất thải của vật nuôi được xử lý nên hạn chế được ô nhiễm môi trường và phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh…”, ông Ngọc cho biết.
 
Tại Quảng Bình, trong 3 năm qua tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm. Cùng với việc tham mưu, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã xây dựng kế hoạch, tập trung kiểm tra đối với các lĩnh vực trọng tâm do ngành quản lý, đặc biệt chú trọng đến công tác bảo đảm môi trường trong chăn nuôi.
 
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trần Công Tám cho biết, hiện nay có nhiều cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nằm xen kẽ trong các khu dân cư, tận dụng diện tích vườn nhà để xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đa số đều có quy mô sản xuất nhỏ, vốn đầu tư ít, do vậy, việc thực hiện các biện pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi chưa được chú trọng nhiều.
 
Trước thực trạng đó, đơn vị đã phối hợp với phòng Nông nghiệp, phòng Kinh tế các huyện, thành phố, thị xã và chính quyền các địa phương khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở, hộ gia đình áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến, khép kín; chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP; sử dụng hệ thống làm mát tự động, thức ăn ủ men vi sinh, đệm lót sinh học, xử lý chất thải bằng công trình khí sinh học (hầm biogas); công nghệ sử dụng bạt phủ (HDPE). Đồng thời, tích cực kiểm tra môi trường và hướng dẫn các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thực hiện các biện pháp xử lý môi trường chăn nuôi theo đúng quy định để hạn chế sự lây nhiễm của các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi…
 
Để thực hiện tốt việc bảo đảm môi trường trong chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cần thực hiện các thủ tục hành chính để được cấp giấy phép môi trường tại UBND cấp huyện theo quy định tại Điều 39 đến Điều 43, Luật Bảo vệ môi trường hoặc đăng ký với UBND cấp xã theo quy định tại Điều 49, Luật Bảo vệ môi trường; thực hiện thu gom và xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ và nước thải chăn nuôi đúng quy trình đã được hướng dẫn…
Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh hiện có 428 trang trại chăn nuôi (theo quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP), trong đó có 9 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 95 trang trại quy mô vừa và 324 trang trại quy mô nhỏ. Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra 74 cơ sở chăn nuôi, trong đó có 72 cơ sở đã áp dụng biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi…
 
“Nhìn chung, các sơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang có hiện tượng xuống cấp, công suất hiện tại chưa bảo đảm hoặc có lỗi thiết kế. Đơn vị đã nhắc nhở và các cơ sở chăn nuôi có cam kết khắc phục, đầu tư. Thời gian tới, chính quyền các địa phương, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cơ sở chăn nuôi trong công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, nhất là kiểm soát và giảm thiểu tối đa việc sử dụng hóa chất, các chất tăng trọng; đồng thời, vận động các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi cần chấp hành tốt việc bảo vệ môi trường…”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin thêm.
 
Ngọc Hải

tin liên quan

Lệ Thuỷ: Triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2023

(QBĐT) - Chiều 10/11, UBND huyện Lệ Thuỷ tổ chức hội nghị tổng kết công tác sản xuất nông nghiệp năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

 

Hơn 600 thanh niên được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế

(QBĐT) - Thời gian qua, Huyện đoàn Quảng Ninh đã thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ thanh niên (TN) phát triển kinh tế thông qua nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và Trung ương Đoàn.

Quảng Ninh: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 964 tỷ

(QBĐT) - Ông Bùi Văn Khảm, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Quảng Ninh cho biết, từ đầu năm đến nay, sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn huyện ổn định và có sự tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động.