Đánh thức vùng đất khó

  • 14:44 | Thứ Hai, 07/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cách đây 5 năm, vùng Đá Bòng ở thôn Tân Lợi, xã Yên Hóa (Minh Hóa) chủ yếu là cỏ dại trải dài, phía dưới là đất đá khô cằn, người dân khai hoang trồng được vài vụ hoa màu nhưng không hiệu quả nên đành bỏ hoang. Thế nhưng năm 2016, đôi vợ chồng trẻ Cao Thị Thương và Đinh Xuân Thái đã chọn vùng đất này để bắt tay lập nghiệp. Đất không phụ lòng người, mảnh đất hoang ngày ấy nay đã mọc lên trang trại kinh tế tổng hợp cho hiệu quả kinh tế cao.
 
Nói về những ngày đầu xây dựng mô hình kinh tế, chị Thương chia sẻ: Khi vợ chồng chị chọn vùng đất này để trồng cây ăn quả, ai cũng can ngăn, nhưng với suy nghĩ "không thử thì làm sao biết được thành công hay thất bại", vợ chồng chị tiết kiệm và vay mượn anh em họ hàng được 20 triệu đồng để mua giống bưởi và ổi về trồng.
 
Vượt qua những khó khăn buổi đầu, vợ chồng chị tự cày cuốc, phát quang bụi rậm, cải tạo, quy hoạch vườn, lấy ngắn nuôi dài, cuốc đến đâu trồng cây đến đó. Hết vốn, chị Thương tìm đến chi hội phụ nữ để trình bày hoàn cảnh, xin vay vốn ưu đãi. Qua nắm bắt tình hình của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã và cam kết của vợ chồng chị Thương, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa đã cho vợ chồng chị được vay các nguồn vốn với tổng số tiền vay là 100 triệu đồng. Với số tiền này, vợ chồng chị Thương tiếp tục thuê máy khoan giếng nước, đào thêm ao cá, thuê máy san ủi đất và khai hoang mảnh đất đồi gần 7.000m2.
 
Thành quả hôm nay, từ mảnh đất đá sỏi, cỏ cây um tùm đã trở thành mô hình chăn nuôi tổng hợp vườn, ao, chuồng với quy mô lớn. Hiện vợ chồng chị Thương đang nuôi 20 con lợn rừng, trong đó có 10 con lợn nái đẻ, 50 con gà, 4 con bò sinh sản, 3 ao cá với trên 2.000 con cá các loại; đồng thời trồng hơn 12 loại cây ăn quả, gồm: Mít, bưởi, ổi, hồng xiêm, xoài, vú sữa.
 
Ngoài ra, xen lẫn giữa các loại cây, chị còn trồng thêm chuối, và các loại rau để có thực phẩm cho gia đình, bán tăng thêm thu nhập và làm thức ăn cho đàn vật nuôi. Mô hình kinh tế hiệu quả đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình chị Thương với mức thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm.
Hội LHPN tỉnh tham quan mô hình kinh tế của chị Cao Thị Thương.
Hội LHPN tỉnh tham quan mô hình kinh tế của chị Cao Thị Thương.

Chồng chị Thương, anh Đinh Xuân Thái chia sẻ: Nuôi lợn rừng không khó vì thức ăn chủ yếu là chuối và cỏ, thị trường tiêu thụ cũng ổn định. Đặc biệt là gần Tết Nguyên đán, đàn lợn được thương lái đặt mua trước. Nói về bí quyết để phát triển mô hình kinh tế hiệu quả, cho năng suất, anh Thái cho biết thêm, hai vợ chồng thường xuyên nghiên cứu, tìm tòi cách chăm sóc cây ăn quả, kỹ thuật chăn nuôi trên sách, báo, mạng xã hội, để áp dụng vào trồng trọt và chăn nuôi.

Hơn nữa, vợ chồng anh dành hết thời gian trong ngày để đầu tư chăm sóc, làm vườn, tự chế biến thức ăn cho đàn vật nuôi. Để hạn chế sử dụng phân bón hóa học và giảm kinh phí trong trồng cây ăn quả, vợ chồng anh chị tự ủ phân bón cho cây và thuê thêm đất của các hộ dân xung quanh để mở rộng nuôi lợn rừng và dê, làm hầm bioga để bảo vệ môi trường.

Nhờ có thu nhập ổn định, cuộc sống của vợ chồng anh Thái, chị Thương khấm khá hơn trước và sẵn sàng hỗ trợ các hộ dân trong thôn về nguồn vốn, con giống.
 
Thấy được thành quả của vợ chồng chị Thương, nhiều gia đình trẻ ở xã Yên Hóa cũng đã đầu tư cải tạo vườn bỏ hoang ở vùng Đá Bòng để trồng cây ăn quả. Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Hóa Đinh Thị Hà cho biết: Cuộc sống ngày trước rất vất vả, nhưng với sự thay đổi về nhận thức, sự đồng sức, đồng lòng, cần cù, chăm chỉ vượt khó, vợ chồng chị Thương đã nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương. Mô hình kinh tế của gia đình chị Thương đã tạo động lực, khuyến khích cán bộ, hội viên phụ nữ trong xã mạnh dạn, nỗ lực, quyết tâm khởi nghiệp phát triển kinh tế, làm giàu, khẳng định vai trò, vị thế người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
 
Năm 2022, Hội LHPN huyện đã đề xuất Hội LHPN tỉnh khen thưởng mô hình kinh tế tiêu biểu đối với hội viên Cao Thị Thương, đồng thời sẽ ưu tiên nguồn vốn khởi nghiệp để hỗ trợ chị Thương tiếp tục mở rộng mô hình, phát triển kinh tế, chị Đinh Thị Ngọc Lê, Chủ tịch Hội LHPN huyện Minh Hóa cho biết thêm.
 
Thùy Linh
(Trung tâm VH-TT-TT Minh Hóa)

tin liên quan

Tuyên Hóa: Đồng bộ các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng

(QBĐT) - Diện tích rừng trên địa bàn huyện Tuyên Hóa thời gian qua cơ bản được quản lý, bảo vệ tốt. Các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp ngày càng giảm, diện tích rừng trồng luôn duy trì, rừng cây bản địa ngày càng tăng... 

Nâng cao chỉ số PCI: Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

(QBĐT) - Theo công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ngày 27/4/2022, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Quảng Bình năm 2021 nằm trong nhóm các địa phương có chỉ số PCI tương đối thấp của cả nước. Từ thực trạng này, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch nâng cao chỉ số PCI, đề ra các giải pháp và chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan liên quan quyết liệt thực hiện.
 

Tập huấn nghiệp vụ cho nhân viên các tour du lịch khám phá, mạo hiểm tại huyện Lệ Thủy

(QBĐT) - Từ ngày 4-8/11, Sở Du lịch tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho nhân viên phục vụ tại các sản phẩm du lịch khám phá, mạo hiểm ở xã Kim Thủy và Ngân Thủy (Lệ Thủy).