Bố Trạch: Nâng cao thu nhập từ mô hình vườn mẫu

  • 07:48 | Thứ Bảy, 05/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, nhiều hộ nông dân (ND) trên địa bàn huyện Bố Trạch đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, áp dụng khoa học kỹ thuật vào xây dựng mô hình vườn mẫu. Mô hình không chỉ tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp mà còn góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân địa phương.
 
Hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng
 
Trồng trọt là một trong những lĩnh vực chủ chốt của ngành nông nghiệp huyện Bố Trạch với nhiều loại cây trồng đa dạng. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện, diện tích vườn hộ, vườn tạp kém hiệu quả vẫn còn khá nhiều. Những năm gần đây, huyện Bố Trạch đã khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích cây trồng không hiệu quả sang cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao hơn, nhờ đó giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.
 
Hội ND thị trấn Hoàn Lão hiện có 1.268 hội viên. Xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, những năm qua, Hội ND thị trấn đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình mới áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
 
Từ năm 2021 đến nay, hội đã hỗ trợ 39 hộ vay vốn trị giá 117 triệu đồng (không lãi suất trong vòng 3 năm) để cải tạo vườn tạp sang trồng những cây có giá trị kinh tế cao. Trong đó, Hội ND huyện hỗ trợ 30 triệu đồng, còn lại là nguồn từ Quỹ Hỗ trợ ND của Hội ND thị trấn.
 
Chủ tịch Hội ND thị trấn Hoàn Lão Phan Thanh Sơn cho biết: Nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp đã khơi dậy ý chí, tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất của ND, giúp nhiều hội viên, ND vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. 
Mô hình vườn mẫu của ông Nguyễn Văn Thuông, xã Nam Trạch mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Mô hình vườn mẫu của ông Nguyễn Văn Thuông, xã Nam Trạch mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Để thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Bố Trạch đã hỗ trợ người dân về vốn, con giống, kỹ thuật, đồng thời mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật.
 
Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được hơn 20ha diện tích cây trồng trên đất gò đồi và cao su kém hiệu quả, 30ha diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác. Trong đó, huyện đã hỗ trợ 8,9ha diện tích đất lúa kém hiệu quả với tổng số tiền 26,7 triệu đồng và trên 19ha đất vùng gò đồi và cao su kém hiệu quả với tổng kinh phí trên 194 triệu đồng. Diện tích chuyển đổi chủ yếu là cây cao su kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, như: Ổi, mít ruột đỏ, cam, na, dừa… Nhờ chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên diện trồng cây kém hiệu quả ngày càng được thu hẹp.
 
Hướng đến xây dựng vườn mẫu
 
Khu vườn mẫu của ông Nguyễn Văn Quang (SN 1962), thôn Tiền Phong, xã Thanh Trạch là một trong những điển hình xây dựng vườn mẫu. Khu vườn có diện tích trên 2.000m2, trước đây trồng đủ các loại cây nhưng không được quy hoạch hợp lý nên thu nhập bấp bênh. Hưởng ứng chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi do địa phương phát động, năm 2020, ông đã đầu tư xây dựng khu vườn kiểu mẫu để tăng thu nhập trong gia đình.
 
Ông Quang cho biết, thời gian đầu triển khai, ông gặp rất nhiều khó khăn vì vừa thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, khu vườn lại thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa. Nhưng qua tham quan, học hỏi ở một số mô hình và sự cố vấn, giúp đỡ, tạo điều kiện của Hội ND xã và huyện, ông quyết tâm đầu tư xây dựng vườn mẫu nông thôn mới (NTM).
 
Theo đó, ông đã nhờ đơn vị tư vấn quy hoạch, thiết kế lại vườn, lắp đặt hệ thống tưới tiêu để ứng dụng công nghệ sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ trong nhà lưới. Ông xây dựng 2 nhà lưới chống côn trùng với diện tích gần 1.200m2, 2 khu trồng rau xen canh, 2 giếng khoan, hệ thống tưới phun sương tự động, 1 khu sơ chế đóng gói, bảo quản sản phẩm. Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, gia đình ông không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất ngoài danh mục cho phép và bảo đảm thời gian cách ly sau khi sử dụng. Ông cũng cho xây dựng hệ thống thoát nước thải biogas bảo đảm vệ sinh, chất thải được tập kết đúng nơi quy định, có hầm ủ chế phẩm sinh học... Khu vườn mẫu này đã cho sản lượng rau, hoa màu ước tính 6,4 tấn/năm, sau khi trừ đi chi phí lãi khoảng 100 triệu đồng. 
 
Cũng giống như ông Quang, khu vườn mẫu của gia đình ông Nguyễn Văn Thuông, thôn Chánh Hòa, xã Nam Trạch cũng đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Trên diện tích 1.000m2, ông đầu tư lắp hệ thống tưới nhỏ giọt và trồng trên 100 cây thanh long ruột đỏ. Thanh long cho thu hoạch 3 lứa/năm, mỗi lứa từ 1,5-2 tạ, với giá bán 20.000-30.000 đồng/kg đã đem đến cho gia đình ông nguồn thu nhập khá so với trước đây.
 
Cùng với vườn mẫu của gia đình ông Quang, ông Thuông, còn có các khu vườn mẫu của gia đình ông Lê Xuân Quang, xã Đại Trạch; bà Vũ Thị Hướng, xã Bắc Trạch; ông Võ Xuân Tố, Lê Xuân Giá, xã Thanh Trạch; ông Trần Đình Huệ, xã Nam Trạch...
 
Để khuyến khích người dân cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, huyện Bố Trạch đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của người ND trong việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Huyện còn giúp người dân tiếp cận nguồn vốn, thường xuyên kiểm tra, góp ý, hướng dẫn người dân chọn giống cây trồng phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, hỗ trợ khoa học kỹ thuật... Để việc xây dựng vườn mẫu đạt kết quả cao, huyện phát động phong trào thi đua về từng xã, thôn. Vì vậy, việc xây dựng mô hình vườn mẫu NTM được hội viên ND đồng tình hưởng ứng, tạo được sức lan tỏa rộng lớn trên địa bàn.
 
Mô hình vườn mẫu không những góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, cải thiện đời sống người dân mà còn từng bước tạo diện mạo mới cho những vùng quê, đem lại cảnh quan xanh, sạch, đẹp, đóng góp quan trọng trong xây dựng NTM, NTM nâng cao ở các địa phương.
 
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có 7 vườn mẫu đạt tiêu chí tại các xã Thanh Trạch, Đại Trạch, Bắc Trạch, Nam Trạch. Để khuyến khích người dân, 2 vườn mẫu đạt chuẩn năm 2020 đã được UBND tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng/vườn. Hiện huyện Bố Trạch đã  đề nghị UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ 5 vườn mẫu đạt chuẩn năm 2021. Để công nhận vườn mẫu đạt chuẩn, huyện cũng đã thành lập đoàn thẩm định và sẽ phối hợp rà soát các tiêu chí vườn mẫu mà các địa phương đã đăng ký để triển khai đánh giá trong năm 2022.
 
Phạm Hà

tin liên quan

Nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp

(QBĐT) - Thời gian qua, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn TP. Đồng Hới đã chú trọng thực hiện các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh. 

Minh Hóa: Phát triển kinh tế từ cây bưởi da xanh

(QBĐT) - Với sự giúp sức từ các chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh và huyện..., xã Hóa Hợp (Minh Hóa) đã triển khai cho nhiều hộ gia đình cải tạo vườn tạp, thực hiện các mô hình trồng bưởi. Bước đầu, các mô hình này đều phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
 

TX. Ba Đồn: Thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11

(QBĐT) - Năm 2022, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội TX. Ba Đồn được giao chỉ tiêu, kế hoạch tín dụng các chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11 là 42,020 tỷ đồng.