Phát huy hiệu quả các công trình hạ tầng nông nghiệp

  • 07:14 | Thứ Hai, 31/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bằng nguồn vốn được Trung ương phân bổ và các nguồn vốn khác, những năm trở lại đây, ngành Nông nghiệp Quảng Bình đã đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng để phục vụ cho phát triển sản xuất bền vững, tăng cường năng lực phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
 
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Mai Văn Minh chia sẻ: Một trong những yêu cầu để bảo đảm phát triển ngành Nông nghiệp có quy mô và bền vững, đó là tạo thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn bao gồm hệ thống đê kè, các công trình thuỷ lợi, khu neo đậu cho tàu thuyền trú tránh bão…
 
Việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đã và đang góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.Các công trình thời gian qua được ngành Nông nghiệp tập trung triển khai là nhóm công trình thuộc dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với dự án này, tỉnh được hỗ trợ đầu tư xây dựng 2 tiểu dự án với tổng kinh phí gần 278 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cao an toàn đập cho 10 hồ chứa. Trong đó, hơn 263,5 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới và nguồn vốn đối ứng hơn 14,4 tỷ đồng.
 
Quá trình thi công các công trình này gặp không ít khó khăn, vì vậy, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) ngành NN-PTNT, phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền các địa phương kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để triển khai thi công và bàn giao đúng thời gian quy định.
 
Ông Đinh Khánh Hậu, Giám đốc Ban Quản lý dự án ĐTXD ngành NN-PTNT cho biết: Dự án hoàn thành đã góp phần khôi phục và bảo đảm an toàn công trình thông qua sửa chữa, nâng cấp các hồ, đập đã bị xuống cấp hoặc thiếu năng lực xả lũ; giảm nhẹ lũ cho hạ du, kết hợp nuôi trồng thủy sản và cải tạo cảnh quan, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, cấp nước phục vụ nông nghiệp. Mặt khác, cải thiện thể chế, chính sách về quản lý, giám sát an toàn đập cấp quốc gia, tăng cường năng lực quản lý, vận hành và cơ chế thông tin phối hợp trên lưu vực; nâng cao năng lực quản lý và thực thi dự án, quản lý môi trường, xã hội địa phương.
Hệ thống thủy lợi Rào Nan bảo đảm tưới nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho 22 xã vùng hạ lưu sông Gianh.
Hệ thống thủy lợi Rào Nan bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho 22 xã vùng hạ lưu sông Gianh.
Một dự án lớn nhận được sự quan tâm của Trung ương, các ngành, các cấp tại Quảng Bình và đông đảo nhân dân trong suốt quá trình triển khai thực hiện, đó là Dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan. Được thiết kế với công nghệ hiện đại, công trình thủy lợi Rào Nan (thuộc thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn, TX. Ba Đồn) có tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, công trình đã bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho 22 xã ở hạ lưu sông Gianh thuộc TX. Ba Đồn và huyện Quảng Trạch. Ngoài ra, công trình còn góp phần cải thiện môi trường sinh thái, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất tập trung, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích canh tác.
 
Ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế, UBND TX. Ba Đồn cho biết: Hệ thống thủy lợi Rào Nan có giá trị hết sức to lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thị xã. Với nguồn nước của thủy lợi Rào Nan, đã có trên 1.800ha diện tích trồng lúa và nuôi trồng của người dân TX. Ba Đồn được chủ động tưới tiêu. Đồng thời, công trình còn bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho khoảng 15.000 hộ dân của 10 xã trong khu vực và phòng, chống thiên tai cho địa phương.
 
Bên cạnh các công trình nói trên, Quảng Bình cũng được hỗ trợ 400 tỷ đồng để “Xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá” từ nguồn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Từ nguồn vốn này, Sở NN-PTNT được giao làm chủ đầu tư 3 dự án, với tổng kinh phí là 100 tỷ đồng, gồm: Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Nhật Lệ (dự án khu neo đậu Chợ Gộ); dự án sửa chữa, nâng cấp hạ tầng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Gianh và dự án nạo vét cửa sông Lý Hòa.
 
Hầu hết các dự án đều thi công ở vùng cửa sông hoặc gần cửa sông, với một số thiết bị thi công chủ đạo hoạt động dưới nước, khối lượng đất đắp, nạo vét lớn. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết diễn biến thất thường nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, Sở NN-PTNT đã đôn đốc, chỉ đạo đơn vị thi công khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ. Vì vậy, tất cả các dự án đã thi công hoàn thành đúng kế hoạch và đưa vào sử dụng trước mùa mưa lũ năm nay, đáp ứng quy mô neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, phương tiện nghề cá và nâng cao năng lực vận tải của các phương tiện lưu thông trên tuyến.
Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cửa Gianh sau khi được đầu tư sửa chữa, nâng cấp.
Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cửa Gianh sau khi được đầu tư sửa chữa, nâng cấp.
Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Gianh được xây dựng những năm trước đây, theo thiết kế chỉ bảo đảm cho 435 tàu cá có công suất từ 30-300CV vào neo đậu trú tránh. Tuy nhiên trên thực tế, những lúc có tình huống thiên tai, số tàu cá vào đây trú tránh quá tải, có lúc lên đến hơn 600 chiếc. Từ thực trạng này, việc đầu tư nâng cấp khu neo đậu này là hết sức cấp thiết.
 
Ông Lê Khoa, xã Đức Trạch (Bố Trạch) chia sẻ: Khu neo đậu cửa Gianh được sửa chữa, nâng cấp đã tạo điều kiện cho không chỉ tàu thuyền của ngư dân địa phương mà còn có rất nhiều tàu thuyền của ngư dân tỉnh bạn vào tránh trú khi có mưa bão. Ngư dân chúng tôi rất yên tâm.
 
Một trong những tác động rõ rệt nhất do biến đổi khí hậu đối với Quảng Bình là vấn đề mưa, bão, triều cường dâng cao làm cho biển xâm thực gây sạt lở đất, ảnh hưởng đến đời sống của người dân ven biển. Để ứng phó với thực trạng này, thời gian qua, nhiều dự án xây dựng, sửa chữa kè biển trên địa bàn cũng đã được tỉnh quan tâm đầu tư. Qua đó, tích cực chống sạt lở bờ sông, bảo vệ an toàn khu dân cư và các công trình hạ tầng cơ sở, tạo cảnh quan đô thị khu vực...
 
Xã Nhân Trạch với địa hình chạy dọc bờ biển, là địa phương vùng bãi ngang của huyện Bố Trạch. Xã có khoảng 1,5km đoạn bờ biển chưa có biện pháp che chắn, trong đó có khoảng 700m xung yếu có dân cư đông đúc sinh sống. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án khẩn cấp khắc phục sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông khu vực miền Trung, trong đó dự án kè biển Nhân Trạch, với số vốn được bố trí 30 tỷ đồng, quy mô xây dựng mới khoảng 550m kè bảo vệ bờ biển. Dự án được UBND tỉnh giao cho Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư.
 
Ông Nguyễn Chí Thanh, xã Nhân Trạch cho biết: Từ khi được đầu tư xây dựng tuyến kè biển Nhân Trạch, người dân địa phương rất yên tâm, không còn thấp thỏm lo lắng mỗi khi mưa bão như thời gian trước đây.
 
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng không chỉ là động lực để chuyển dịch cơ cấu ngành của địa phương mà còn kéo theo sự thu hút đầu tư vào khu vực này. Đây cũng là cách để cùng đồng hành với người dân mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
 
Giám đốc Sở NN-PTNT Mai Văn Minh
Giám đốc Ban Quản lý dự án ĐTXD ngành NN-PTNT Đinh Khánh Hậu cho biết, cùng với dự án kè biển Quảng Phú (Quảng Trạch), dự án kè biển Nhân Trạch từ khi được thi công hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng đến nay đã góp phần chống sự xâm lấn bờ khi mưa bão kết hợp triều cường dâng, bảo vệ đất đai, nhà cửa, khu nuôi trồng thuỷ sản, tài sản và cơ sở hạ tầng của các địa phương trong mùa mưa bão. 
 
Bên cạnh các dự án trên, thông qua việc lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu, nguồn vốn vay của các tổ chức phi chính phủ cũng như mở rộng các hình thức hợp tác công tư, Quảng Bình còn triển khai nhiều công trình hồ đập thủy lợi, đường giao thông, hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
 
Anh Tuấn

tin liên quan

Thứ trưởng Bộ Tài chính: Cần khoảng 60.000 tỷ đồng để tăng lương cơ sở

Về nguồn lực tài chính cho việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, tăng chi lương hưu,... Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết sẽ cần khoảng 60.000 tỷ đồng.

Mai một nghề đan lát Diên Trường

(QBĐT) - Nghề đan lát truyền thống ở thôn Diên Trường (xã Quảng Sơn, TX. Ba Đồn) đã có từ hàng trăm năm nay. Người dân ở đây, ai cũng đều giỏi vót nan, đan lát. Thế nhưng, hiện nay, làng nghề đang đang dần mai một theo thời gian vì sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại bằng nhựa, nhôm, inox…

Hiệu quả công tác giảm nghèo ở Tân Ninh

(QBĐT) - Nhiều năm qua, công tác giảm nghèo bền vững cho hội viên luôn là nhiệm vụ trọng tâm được Hội Nông dân xã Tân Ninh (Quảng Ninh) thực hiện với nhiều giải pháp sát thực.