Mai một nghề đan lát Diên Trường

  • 10:50 | Thứ Bảy, 29/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nghề đan lát truyền thống ở thôn Diên Trường (xã Quảng Sơn, TX. Ba Đồn) đã có từ hàng trăm năm nay. Người dân ở đây, ai cũng đều giỏi vót nan, đan lát. Thế nhưng, hiện nay, làng nghề đang đang dần mai một theo thời gian vì sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại bằng nhựa, nhôm, inox…
 
Làng Diên Trường nổi tiếng với nghề đan lát sản phẩm mây tre, như: Thúng, mủng, rổ, rá, dần, sàng, nong, nia… Trước đây, nghề mây tre đan lát không chỉ mang lại giá trị về kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân mà còn chứa đựng cả những nét tinh hoa truyền thống mà người dân đã gìn giữ từ bao đời.
 
Thế nhưng, trong lần tới làng Diên Trường gần đây, khi hỏi thăm các hộ còn làm nghề đan lát, người dân đều cho rằng còn rất ít, đa số đã chuyển qua nghề khác. Ông Trần Đình Hùng, Trưởng thôn Diên Trường ngậm ngùi chia sẻ: “Cả làng giờ chỉ còn khoảng 30 hộ còn theo nghề đan lát, những người cố níu nghề chủ yếu là người già, họ muốn có thêm thu nhập và hơn hết là muốn giữ lấy nghề mà mình đã từng gắn bó gần trọn cuộc đời. Khi xưa nghề đan lát đem đến thu nhập nuôi sống nhiều bà con dân làng. Nay đời sống khác rồi,người ta dùng đồ nhựa cho tiện, mấy ai tìm mua sản phẩm tre đan thủ công. Nếu không có giải pháp phục hồi thì nghề sẽ mai một thôi". 
Rất ít người dân ở Diên Trường còn mặn mà với nghề đan lát.
Rất ít người dân ở Diên Trường còn mặn mà với nghề đan lát.
Ông Đoàn Mân (80 tuổi), người có hơn 65 năm gắn bó với nghề đan lát cho biết: Trước đây, các nguyên liệu cho đan lát như tre, nứa, mây... của làng rất nhiều, cứ hết mùa lúa thì cả làng lại tranh thủ đan lát, không khí luôn sôi động, nhộn nhịp. Những công việc nặng nhọc như chặt tre, pha tre, cạp vành do đàn ông đảm nhận, còn người già, phụ nữ, trẻ em thì vót nan, đan lát. Những sản phẩm đan lát của làng nghề vừa đa dạng về mẫu mã, vừa nổi tiếng bền, đẹp. Cứ đến ngày mùa, sản phẩm làm không đủ để bán.
 
Ngày nay, các sản phẩm đan lát thủ công bằng tre, nứa không còn được ưa chuộng như trước nữa. Cùng với đó, sản phẩm của làng còn khá thô sơ, chưa đủ độ tinh xảo để thu hút khách hàng cũng như làm hàng hóa xuất khẩu nên đầu ra không có. Theo ông Đoàn Mân thì giờ bản thân ông đã già rồi, không có việc làm nên mỗi ngày cố gắng chẻ tre, đan lát, để kiếm thêm thu nhập, cật lực mỗi ngày cũng chỉ kiếm được 15-20.000 đồng. Bởi, nay sức khỏe của ông đã yếu nên việc chẻ tre, nức vành rất khó khăn. Nếu không cẩn thận thì sản phẩm làm ra sẽ bị méo, xấu lại càng khó bán.
 
Thực tế hiện nay, thế hệ trẻ của làng nghề Diên Trường không còn mặn mà với nghề bởi thu nhập quá thấp, không đủ để trang trải cuộc sống, nguồn nguyên liệu thiếu hụt, không đủ chi phí, phụ nữ thì chuyển sang đan giỏ lục bình, cho thu nhập cao hơn. Hiện thôn Diên Trường có hơn 150 hộ dân chuyển từ nghề đan lát sang đan giỏ lục bình.
 
Trong cơ chế thị trường hiện nay, việc tìm hướng đi mới, kết hợp giữa tay nghề điêu luyện truyền thống và máy móc hiện đại để tạo ra sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc này lại nằm ngoài tầm tay của làng và các nghệ nhân. Người dân làng nghề đan lát Diên Trường đang rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành liên quan và các doanh nghiệp…

Bà Đoàn Thị Lân, người có hơn 30 năm gắn bó với nghề đan lát nhưng hơn 3 năm nay bà đã nghỉ để chuyển qua đan giỏ lục bình. Đây là nghề mới nhưng cho thu nhập khá hơn nhiều so với đan lát. Theo bà Lân, phụ nữ vừa làm việc nhà, vừa tranh thủ đan giỏ lục bình, trừ chi phí nguyên liệu cũng kiếm được 50-70.000 đồng/ngày.

Người dân không còn mặn mà với nghề là nỗi niềm chung của nhiều làng nghề đan lát truyền thống trên địa bàn tỉnh. Dù đã có khá nhiều giải pháp được địa phương và ngành chức năng đưa ra để khuyến khích phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nhưng nguy cơ mai một ở làng nghề đan lát Diên Trường vẫn luôn hiện hữu.
 
Ông Trần Văn Huyển, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn cho biết: Để duy trì và phát triển làng nghề, hiện địa phương vẫn luôn vận động, tuyên truyền người dân làm nghề khắc phục khó khăn, hòa nhập với nền kinh tế thị trường để phát triển. Tuy nhiên, địa phương cũng mong muốn UBND thị xã, tỉnh, các sở, ban, ngành hỗ trợ mở các lớp tập huấn cải tiến mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; giới thiệu các doanh nghiệp liên kết, bao tiêu sản phẩm cho người dân; hỗ trợ kinh phí hàng năm cho người dân khi họ tham gia giữ gìn nghề truyền thống…
 
 Thanh Hoa

tin liên quan

Thực hiện các giải pháp giảm nghèo ở vùng miền núi

(QBĐT) - Những năm qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác giảm nghèo, nhất là đối với vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ hộ nghèo ở các địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao...
 

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số

(QBĐT) - Ngày 26/10, UBND tỉnh đã có Công văn số 1994/UBND-TH về việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.

Tuyên truyền chống khai thác IUU

(QBĐT) - Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Văn Thủy cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EU), thời gian qua, huyện Bố Trạch đã đẩy mạnh giải pháp tuyên truyền bằng nhiều hình thức, cấp độ phù hợp nhằm nâng cao nhận thức của người dân.