"Mở lối" phát triển rừng trồng bền vững
(QBĐT) - Trồng rừng không chỉ là sinh kế của một bộ phận dân cư sống nhờ rừng, mà còn hướng đến mục tiêu bảo vệ, khai thác và phát triển rừng bền vững. Những năm qua, huyện Tuyên Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm thay đổi nhận thức người dân về trồng rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Thay đổi nhận thức về trồng rừng
Hơn 20 năm gắn bó với rừng, ông Đinh Ngọc Bảo ở thôn Tân Hương, xã Hương Hóa (Tuyên Hóa) hiểu hơn ai hết những giá trị của rừng. Rừng là sinh kế mang lại nguồn thu nhập chính, là nguồn sống của gia đình ông. Ông Bảo chia sẻ: “Ở gần rừng, thì phải sống nhờ rừng. Chính những cánh rừng trồng đã thay đổi số phận, cuộc sống và mở ra cơ hội việc làm, thu nhập cho người dân ở khu vực miền núi. Cũng từ đây, nhiều ngành nghề đã phát triển, mang lại thu nhập cho người dân trên địa bàn”.
Thế nhưng, cũng như nhiều người khác, ông Bảo cũng chỉ trồng rừng theo kinh nghiệm “truyền miệng”. Nghĩa là có đất thì cứ trồng keo tràm. Sau 5, 6 năm thì cưa cắt để bán. Bán rồi lại trồng mới. Bình quân mỗi ha thu được trên dưới 50 triệu đồng. Tính ra, mỗi năm, người trồng rừng chỉ “bỏ túi” vỏn vẹn 10 triệu đồng/ha.
Ông Bảo gọi cách trồng rừng đó là “gặt lúa non”, không hiệu quả. Chưa hết, việc trồng rừng theo kiểu “mạnh ai nấy làm” đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên đất rừng. Ông Bảo biết được điều đó nhờ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn và tập huấn quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC.
Sự thay đổi nào cũng bắt đầu từ trong suy nghĩ. Khi con người nghĩ khác, họ sẽ làm khác. Kiểu trồng rừng gỗ nhỏ không còn phù hợp với xu thế trồng rừng bền vững nữa. Ông Đinh Ngọc Bảo cho biết, gia đình ông có 4ha đất rừng sản xuất. Chừng đó diện tích không hẳn nhiều, nhưng cũng không ít. Nhưng nếu biết cách khai thác, sản xuất, 4ha rừng của ông sẽ cho thu nhập cao hơn nhiều.
Hiện, cả 4ha rừng của ông đều đã được chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn và áp dụng quy trình quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC. Cây giống được ông lựa chọn là cây keo lấy mô. Giống cây này, nếu đạt đến độ tuổi từ 10-14 năm, sẽ cho giá trị hàng trăm triệu đồng/ha.
Với việc trồng rừng gỗ lớn, người dân sẽ hạn chế sự tác động của con người, môi trường qua hoạt động khai thác ngắn hạn. Đặc biệt, quá trình trồng, khai thác, chăm sóc, tuyệt đối không vứt rác thải nhựa, không dùng các loại hóa chất độc hại để xử lý thực bì. Khi cải tạo rừng, nếu phát hiện cây bản địa có giá trị cần phải bảo vệ. “Yêu cầu này khác hẳn với thói quen trồng rừng trước đây của chúng tôi. Trồng rừng nếu không thực hiện đúng cách cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá trị sinh thái tự nhiên của rừng và có thể làm cho rừng bị suy thoái. Với chúng tôi, giờ đây trồng rừng không chỉ để bảo vệ nguồn sống và nâng cao thu nhập cho gia đình, mà còn là trách nhiệm với môi trường sống và cộng đồng”, ông Bảo cho hay.
Theo đề án “Nâng cao giá trị rừng trồng gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững, giai đoạn 2021-2025”, huyện Tuyên Hóa phấn đấu đến năm 2025 có từ 6.000-7.000ha rừng trồng thâm canh được cấp chứng chỉ FSC, trong đó diện tích trồng rừng gỗ lớn khoảng 1.500ha, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 100ha.
|
Phó Chủ tịch UBND xã Hương Hóa Trần Ngọc Long cho biết, để khai thác tiềm năng, lợi thế rừng trồng trên địa bàn thực sự bền vững, nâng cao giá trị gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thời gian qua, xã Hương Hóa đã tích cực vận động, tuyên truyền người dân cải tạo, chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn thay thế gỗ rừng trồng có giá trị thấp. Xã Hương Hóa cũng đã tiến hành quy hoạch các vùng, khu vực rừng để phát triển những vùng sản xuất tập trung trồng rừng gỗ lớn, cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ phù hợp. Đến nay, trên địa bàn xã có hơn 621/653ha rừng trồng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC và đã chuyển đổi hơn 99ha sang trồng rừng gỗ lớn. Những kết quả bước đầu đó chính là tiền đề cơ bản để thay đổi nhận thức và tư duy của người trồng rừng trong việc nâng cao giá trị rừng trồng gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Trồng rừng bền vững để nâng cao thu nhập
Sau 6 năm trồng rừng, đầu năm 2020, anh Phạm Văn Thiên ở bản Cáo, xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa) cưa cắt bán lứa keo đầu tiên, với diện tích 3ha, giá 50 triệu đồng/ha. Anh Thiên cũng là một trong những người Mã Liềng đầu tiên ở xã Lâm Hóa trồng rừng và có thu nhập từ rừng. Ngôi nhà 3 gian bằng bê tông cốt thép, khang trang nhất cộng đồng Mã Liềng mà anh Thiên xây dựng được cũng nhờ có rừng.
Anh Phạm Văn Thiên nhớ lại, ngày trước, cái ăn, cái mặc của cả gia đình anh và hầu hết người Mã Liềng nơi đây chủ yếu nhờ đi rừng hái măng, lá nón, lấy mây, chứ không ai nghĩ trồng rừng để nâng cao thu nhập. Ngày nhận đất trồng rừng, anh cũng không biết phải làm gì. Đến năm 2014, vợ chồng anh bàn bạc, đánh liều vay 40 triệu đồng mua keo tràm về trồng. Lúc đó, chính anh cũng không ngờ trồng cây mà thành rừng được. Thế rồi, rừng keo của vợ chồng anh trồng cũng lớn lên, sinh trưởng và phát triển tốt.
Anh Thiên không giấu được niềm vui, kể: “Gần 50 năm tuổi đời, chưa bao giờ, vợ chồng mình có trong tay cùng lúc số tiền nhiều đến như vậy. Ngày nhận đủ 150 triệu đồng, vợ chồng mình đã run lên vì sung sướng. Mình không nghĩ rằng trồng rừng lại cho nhiều tiền đến như thế. Có tiền, ngày hôm sau, mình mang trả 40 triệu đồng vay vốn để trồng rừng trước đó. Số còn lại, mình quyết định xây bao lại nhà (trước đó là ngôi nhà gỗ-PV) và mua cho con trai một mảnh đất ở để làm nhà riêng”. Sau khi bán lứa keo tràm đầu tiên, đúng dịp có dự án tập huấn trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, anh Thiên không ngần ngại đăng ký. Anh Thiên chia sẻ: “Các cán bộ tập huấn bảo rằng, trước đây trồng rừng gỗ bình thường mà tiền đã nhiều như vậy, giờ đây nếu chuyển sang trồng rừng gỗ lớn và cam kết tuân thủ các quy định về kỹ thuật chăm sóc, trồng rừng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững của quốc tế, thu nhập sẽ còn cao hơn nữa. Vậy là về nhà, mình bàn với vợ học và làm theo. Đến giờ, lứa keo lấy gỗ lớn gần 2 năm tuổi của mình đã được cấp chứng chỉ FSC”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Đinh Tiến Dũng cho biết, Tuyên Hóa là huyện miền núi, có diện tích đất sản xuất lâm nghiệp lớn (hơn 12.470ha). Đó chính là thế mạnh để huyện phát triển các ngành kinh tế lâm nghiệp, đặc biệt là gỗ rừng trồng. Để phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần ổn định đời sống người dân, huyện Tuyên Hóa đã xây dựng đề án “Nâng cao giá trị rừng trồng gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững, giai đoạn 2021-2025”.
Mục tiêu của đề án là hình thành vùng nguyên liệu gỗ công nghiệp và gỗ lớn, gắn với xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Để nâng cao giá trị và đầu ra cho sản phẩm rừng trồng, huyện cũng đã chú trọng tăng các diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC. Cùng với đó, huyện cũng khuyến khích người dân lựa chọn các loại cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Chứng chỉ FSC được cấp bởi Hội đồng Quản lý rừng thế giới (Forest Stewardship Council), nhằm khuyến khích việc quản lý rừng phù hợp với môi trường, có lợi ích xã hội và đạt hiệu quả kinh tế, gắn với phát triển bền vững tài nguyên rừng, ngăn chặn việc khai thác rừng bừa bãi. Sau khi rừng được cấp chứng chỉ FSC, sản phẩm từ gỗ rừng trồng của người dân sẽ đủ điều kiện xuất khẩu ra nước ngoài. Từ năm 2020, huyện Tuyên Hóa đã phối hợp với HTX Lâm nghiệp An Việt Phát (thuộc Tập đoàn An Việt Phát) và được sự hỗ trợ của Hội đồng Quản lý rừng thế giới đánh giá, cấp chứng chỉ FSC cho người dân trồng rừng trên địa bàn. Đến nay, huyện Tuyên Hóa là địa phương dẫn đầu trên địa bàn tỉnh trong việc cấp chứng chỉ quản lý rừng trồng FSC, với diện tích 3.077ha. |
Dương Công Hợp
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.