Biến đất hoang thành trang trại tiền tỷ

  • 08:08 | Chủ Nhật, 28/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bằng sự nỗ lực, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, ông Đặng Xuân Khiển đã biến mảnh đất hoang hoá ở thôn Phúc Duệ, xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) thành trang trại trù phú. Với doanh thu từ 2 tỷ đồng/năm, trang trại của gia đình ông đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
 
Vượt khó trên đồng đất hoang
 
Dọc theo đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, chúng tôi về thăm trang trại tổng hợp của gia đình ông Đặng Xuân Khiển, thôn Phúc Duệ. Nhìn trang trại rộng lớn, trù phú của ông Khiển bây giờ, ít ai biết được rằng những năm trước, vợ chồng ông là một trong số những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở xã Vĩnh Ninh. Ông Khiển kể, ông sinh ra trong một gia đình nghèo lại đông con, nên từ nhỏ đã làm quen với đủ thứ nghề để kiếm sống. Sau khi lập gia đình rồi sinh con, cuộc sống gia đình ông càng thêm khó khăn, túng thiếu.
 
Ông tâm sự: “Xưa nay, chẳng ai giàu lên từ cây lúa, củ khoai. Vì vậy, muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương thì phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, nhưng thay đổi cách làm như thế nào là câu hỏi khó làm tôi trăn trở mãi”. Và rồi với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, hay lam hay làm, ông đã bàn với vợ mạnh dạn xin chính quyền địa phương khai hoang vùng đất đồi để xây dựng trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt.
 
“Những ngày đầu lên đây lập nghiệp, ai cũng nói vợ chồng tôi bị điên, bởi đây là mảnh đất hoang hoá, bốn bề cỏ dại. Không đường, không điện, không nước, gặp muôn vàn khó khăn. Đồng vốn ít ỏi không đủ để thuê nhân công nên ngày này qua tháng khác, hai vợ chồng cần mẫn cuốc đất khai hoang để trồng cây và nuôi tôm”, ông Khiển chia sẻ.
Trang trại chăn nuôi tổng hợp của ông Đặng Xuân Khiển, thôn Phúc Duệ, xã Vĩnh Ninh có diện tích hơn 3ha.
Trang trại chăn nuôi tổng hợp của ông Đặng Xuân Khiển, thôn Phúc Duệ, xã Vĩnh Ninh có diện tích hơn 3ha.
Năm 2017, ông Khiển mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để xây dựng chuồng trại, đầu tư trang thiết bị, con giống để chăn nuôi. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ban đầu ông Khiển nuôi vài con bò, 2 ao tôm, cua và kết hợp trồng rau, mía để ổn định cuộc sống. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc chăn nuôi của gia đình ông gặp không ít khó khăn.
 
Không nản lòng, ông đã tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi do xã, huyện tổ chức; học hỏi những người có kinh nghiệm ở những địa phương lân cận để áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình mình. Không quản nắng mưa, ngày đêm cần cù, vất vả, sau 2 năm, mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Khiển đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cùng với nuôi tôm, cua, bò, ông Khiển mở rộng quy mô trang trại nuôi thêm cá, gà, ngan, ngỗng và trồng ổi, cho thu nhập ổn định hơn 300 triệu đồng/năm.
 
“Sau nhiều năm cực khổ, vất vả xây dựng, khi cơ ngơi đã đến ngày “hái quả” thì một lần nữa gia đình tôi lại trắng tay do ảnh hưởng của thiên tai. Cơn bão năm 2020 không chỉ cuốn trôi đàn vật nuôi mà máy móc, trang thiết bị của trang trại cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại gần 700 triệu đồng”, ông Khiển giãi bày.
 
Quyết tâm làm giàu
 
Với quyết tâm “vượt khó làm giàu”, sau thiên tai, ông Khiển bắt tay vào khôi phục sản xuất. Trên diện tích 3ha, ông dành 1,2ha nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú và cua. Ngoài ra, ông Khiển còn trồng 100 cây ổi, 1.000 cây chuối, 150 cây dừa xiêm. Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, ông Khiển dành nhiều thời gian đi học hỏi thực tế tại các mô hình trong và ngoài tỉnh, nghiên cứu thêm sách báo để thử sức với những loại cây trồng, vật nuôi mới.
 
Theo ông Khiển, trồng chuối đem lại hiệu quả cao bởi không chỉ bán quả mà còn tận dụng để bán lá tươi cho các hộ làm bánh, lá khô để buộc cua và thân cây để cho bò ăn. Để tạo cảnh quan môi trường, bảo vệ đất chống sạt lở, ông còn trồng thêm 500 cây dừa nước bao quanh trang trại.
 
Bà Đỗ Thị Lý, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) cho biết: “Ông Khiển là người mạnh dạn, dám nghĩ dám làm và là một trong những tấm gương đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương. Không những làm giàu cho gia đình, ông Khiển còn là hội viên tích cực của Hội Nông dân xã Vĩnh Ninh, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ các hội viên cùng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.”
Hiện nay, trang trại của gia đình ông Khiển duy trì ổn định 6 hồ tôm, cua; 200 con gà, ngan, ngỗng; gần 2.000 gốc cây ăn quả các loại và 1,5ha keo tràm đã đến tuổi khai thác. Từ hai bàn tay trắng nhưng với sự nỗ lực không ngừng, ông Khiển đã thành công trong chăn nuôi, trồng trọt, làm giàu trên vùng đất khó, với doanh thu hơn 2 tỷ đồng/năm.
 
"Khối lượng công việc nhiều nên tôi phải thuê thêm 5 lao động thường xuyên với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng. Đến mùa thu hoạch, tôi phải thuê thêm nhiều lao động thời vụ để đáp ứng kịp thời nhu cầu mua hàng của khách. Nhờ có mô hình trang trại tổng hợp này mà đời sống gia đình tôi ngày càng khấm khá hơn, vợ chồng tôi có điều kiện tham gia các hoạt động, phong trào do địa phương phát động”, ông Khiển chia sẻ.
 
Không chỉ làm giàu từ trang trại tổng hợp, ông Khiển còn mua bán, khai thác mây song nhập nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm, ông thu mua và xuất bán hơn 100 tấn mây song, cho thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho hơn 30 lao động.Từ một hộ thuộc diện khó khăn, đến nay, gia đình ông Khiển đã trở thành hộ làm ăn kinh tế giỏi của xã Vĩnh Ninh.
Ông Khiển trồng hơn 500 cây dừa nước bao quanh trang trại để tạo cảnh quan môi trường và bảo vệ đất.
Ông Khiển trồng hơn 500 cây dừa nước bao quanh trang trại để tạo cảnh quan môi trường và bảo vệ đất.
“Người nông dân cứ bám lấy đất làng mà sống, biết tổ chức sản xuất hợp lý thì không bao giờ nghèo đói. Vợ chồng tôi cố gắng tạo dựng cơ nghiệp cho con cái để chúng không phải bỏ xứ đi làm ăn xa mà vẫn có việc làm và thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống”, ông Khiển tâm sự.
 
Khi được hỏi về kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, ông cho biết, ngoài sự cần cù chịu khó thì người nông dân cần phải đổi mới tư duy, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi, đưa những giống cây mới vào sản xuất. Yếu tố quan trọng nữa là phải biết áp dụng đúng khoa học kỹ thuật thì mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế, nhiều năm liền ông Đặng Xuân Khiển được Hội Nông dân các cấp khen thưởng vì đã có những đóng góp tích cực trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.
 
Lan Chi

tin liên quan

Bố Trạch: Xây dựng sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách

(QBĐT) - Du lịch được huyện Bố Trạch xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Để khôi phục, thúc đẩy du lịch phát triển sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, huyện Bố Trạch đã chủ động đẩy mạnh triển khai nhiều biện pháp phù hợp, hiệu quả. Các đơn vị, doanh nghiệp đã nghiên cứu xây dựng các tour, sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, độc đáo thu hút du khách… Nhờ đó, du lịch trên địa bàn huyện Bố Trạch đã có sự phục hồi mạnh mẽ.

Hội đàm giữa Sở Tài chính tỉnh Quảng Bình và Sở Tài chính tỉnh Khăm Muộn

(QBĐT) - Sáng nay, 26/8, tại TP. Đồng Hới, Sở Tài chính tỉnh Quảng Bình và Sở Tài chính tỉnh Khăm Muộn (nước CHDCND Lào) đã tổ chức hội đàm và ký kết biên bản ghi nhớ. Đoàn đại biểu Sở Tài chính Quảng Bình, do đồng chí Phạm Quang Long, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở làm trưởng đoàn; đoàn đại biểu Sở Tài chính tỉnh Khăm Muộn, do đồng chí Khăm-Sing Xay-sit-thi-đệt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở làm trưởng đoàn. 

Hợp tác phát triển thương mại biên giới

(QBĐT) - Chiều 26/8, tại TP. Đồng Hới đã diễn ra hội nghị hợp tác phát triển thương mại biên giới giữa Sở Công thương tỉnh Quảng Bình và Sở Công thương tỉnh Khăm Muộn (Lào).