Bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong bồi thường GPMB dự án đường ven biển
(QBĐT) - Chiều 24/8, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp với các sở, ngành, địa phương nhằm xử lý một số nội dung liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3. Đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 chủ trì cuộc họp.
Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 là dự án trọng điểm của tỉnh, được cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong triển khai thực hiện, đạt được những kết quả tích cực.
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải (GTVT), đơn vị chủ đầu tư Dự án thành phần 1-đường ven biển, đến thời điểm này, Sở GTVT đã bàn giao mốc giải phóng mặt bằng (GPMB) cho UBND các huyện, thị xã và thành phố với tổng chiều dài 79,5/80 km, trong đó huyện Quảng Trạch đạt 95,11% (còn vướng 500m dài đoạn qua thôn Xuân Hòa, xã Quảng Xuân chưa bàn giao được), các địa phương còn lại đều đạt 100%.
UBND các huyện, thị xã và thành phố đã hoàn thành trích đo địa chính được 79,95/80km (đạt 99,9%); thông báo thu hồi đất đã hoàn thành 79,5/80km (đạt 99,4%); định giá đất cụ thể được 48,03/80km (đạt 60%); kiểm đếm tài sản được 73,58/80km (đạt 91,97%); áp giá, công khai phương án được 40/80km (đạt 50%).
Các địa phương cũng đã thẩm định, phê duyệt, phương án bồi thường GPMB được 28,6/80km (đạt 35,8%); chi trả tiền bồi thường GPMB đã hoàn thành 28,6/80km (đạt 35,8%). Các gói thầu xây lắp đang được các nhà thầu tập trung thiết bị, phương tiện để triển khai thi công trên mặt bằng được bàn giao.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, quá trình triển khai dự án hiện đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác bồi thường, hỗ trợ đối với phần tài sản trang trại nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi của các doanh nghiệp, hộ gia đình, nằm ngoài phạm vi dự án, nhưng bị ảnh hưởng do phương án sản xuất, nuôi trồng của các trang trại có tính chất liên hoàn, đồng bộ. Đây chính là nội dung mà cuộc họp tập trung thảo luận để tháo gỡ và thống nhất phương án thực hiện.
Kết luận tại cuộc họp, với chủ trương đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà nước, doanh nghiệp và các hộ nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Mạnh Hùng đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp với các doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi để thống nhất phương án đền bù, hỗ trợ.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Mạnh Hùng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố phải rà soát lại phần tài sản, trang trại nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi của các doanh nghiệp, hộ gia đình ngoài phạm vi dự án nhưng bị ảnh hưởng.
Cụ thể, tài sản có một phần nằm trong và một phần nằm ngoài phạm vi dự án mà không tiếp tục sử dụng được. Lưu ý là phần tài sản đó phải nằm trong quy hoạch nuôi, trồng thủy sản và chăn nuôi.
Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức làm việc với các chủ doanh nghiệp và hộ có trang trại nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi để tham mưu cho UBND tỉnh trong chỉ đạo. Nếu doanh nghiệp, chủ trang trại không có nhu cầu chuyển đổi thì thực hiện theo phương án kiểm đếm và áp giá đền bù.
Đối với diện tích bị ảnh hưởng nhưng không có trong bảng giá do UBND tỉnh quy định, giao cho UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động thuê một đơn vị tư vấn định giá để làm căn cứ lập phương án thống nhất bồi thường, hỗ trợ.
A.Tuấn
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.