Quảng Bình-Thích ứng-Đồng hành-Phát triển:

Xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững

  • 14:49 | Thứ Ba, 22/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất được xem là xu hướng tất yếu giúp nông nghiệp có những bước tiến mới, tạo đột phá về năng suất và chất lượng. Thời gian qua, Quảng Bình đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp CNC, nông nghiệp hữu cơ, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững.
 
Bước tiến công nghệ cao
 
Công ty TNHH Buntaphan Quảng Bình được biết đến là một trong những trang trại chăn nuôi lợn CNC lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Khi đến đây, chúng tôi không khỏi bất ngờ, trên mảnh đất cằn cỗi, sỏi đá ở xã miền núi Trường Xuân (Quảng Ninh) lại có một trang trại chăn nuôi lợn hội tụ đầy đủ các yếu tố sạch-đẹp-hiện đại.
 
Với quy mô hơn 20ha, ngoài khu vực hành chính thì trang trại có 2 khu riêng biệt chăn nuôi lợn thịt và lợn nái sinh sản. Hệ thống chuồng trại được xây dựng quy mô với công nghệ hiện đại, gồm: Hệ thống chuồng kín có tự động điều khiển nhiệt độ, hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống tự động; áp dụng CNC trong việc lai tạo giống, thụ tinh nhân tạo với những trang thiết bị hiện đại hàng đầu Việt Nam; sản xuất tinh lợn tự động theo công nghệ của Magapor-Tây Ban Nha…
 
Ông Nguyễn Phúc Thông, Phó Giám đốc Công ty TNHH Buntaphan Quảng Bình cho biết, công ty đi vào hoạt động từ năm 2019 với công suất thiết kế nuôi 2.400 lợn nái, 50 lợn đực, 19.000 lợn thương phẩm/năm. Nguồn lợn giống của công ty được nhập từ Pháp, quy trình chăn nuôi khép kín được kiểm soát chặt chẽ. Từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, trang trại chăn nuôi lợn của công ty luôn âm tính với dịch tả lợn châu Phi và tai xanh. Hiện, công ty đã đầu tư hệ thống xét nghiệm dịch tả lợn châu Phi hiện đại số 1 tại Việt Nam, xét nghiệm chỉ trong vòng 2 tiếng sẽ có kết quả. Công ty luôn duy trì bình quân đàn lợn nuôi từ 16.500-17.200 con; tổng đàn đến thời điểm hiện tại hơn 18.000 con. Doanh thu năm 2021 của công ty đạt gần 200 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 80 lao động có thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng.
 
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT), toàn tỉnh hiện có 112 cơ sở sản xuất ứng dụng CNC. Lĩnh vực trồng trọt có 48 cơ sở áp dụng công nghệ trồng trong nhà màng, nhà lưới, trồng cây trên giá thể; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước của Israel; áp dụng quy trình canh tác hữu cơ, thủy canh… Lĩnh vực chăn nuôi có 49 cơ sở ứng dụng CNC, như: Hệ thống chuồng trại hiện đại, khép kín, điều hòa nhiệt độ, ẩm độ; tự động hóa trong cung cấp thức ăn, nước uống; áp dụng công nghệ cho sinh sản đồng loạt… Lĩnh vực thủy sản có 11 cơ sở nuôi trồng áp dụng CNC đối với tôm thẻ chân trắng, như: Nuôi trong nhà kính, công nghệ sinh học trong xử lý môi trường ao nuôi và xử lý nước thải sau sản xuất; tự động hóa nguồn cung cấp điện, thức ăn… Lĩnh vực lâm nghiệp có 4 cơ sở ứng dụng CNC trong sản xuất giống cây lâm nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đầu tư các dự án chế biến sâu gỗ rừng trồng có áp dụng CNC trong ngâm tẩm gỗ MDF, như: Công ty CP gỗ Quảng Phát, Công ty CP gỗ Okal Quảng Bình…
 
Ông Nguyễn Xuân Thái, Phó Giám đốc Công ty CP gỗ Quảng Phát cho biết, công ty đi vào hoạt động từ năm 2018, chuyên chế biến gỗ, ván ép, ván ghép thanh… Công ty đã đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại, như: Máy sấy CNC, máy may, máy lăn keo, máy ép cao tầng… tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn chứng nhận chất lượng quốc tế, đáp ứng những thị trường khó tính, như: Mỹ, Australia, châu Âu… Hiện nay, không chỉ xuất khẩu mà các đơn vị nội thất ở trong nước cũng có nhu cầu rất lớn về ván ép. Cùng với đó, nguồn gỗ có sẵn trên địa bàn tỉnh rất dồi dào nên thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nhà máy và mở thêm nhà máy thứ hai. Thời điểm hiện tại, nhà máy tiêu thụ 2.000 tấn gỗ/tháng, xuất khẩu 40-60 container ván ép/tháng.
Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao của Công ty TNHH Buntaphan Quảng Bình có quy mô 20ha.
Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao của Công ty TNHH Buntaphan Quảng Bình có quy mô 20ha.

 Hướng tới nông nghiệp xanh

Theo ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT, nông nghiệp CNC là xu hướng tất yếu trong thời kỳ cách mạng 4.0, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC ở Quảng Bình có tốc độ phát triển khá nhanh, trên nhiều lĩnh vực.
 
Đa số các cơ sở sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp CNC đã tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng. Các mô hình nông nghiệp CNC góp phần giúp nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển mới, tận dụng được những lợi thế trong tiến trình hội nhập, hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sạch, bền vững, thân thiện với môi trường. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các mô hình ứng dụng CNC, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, nhất là các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
 
Ngành Nông nghiệp đã triển khai hiệu quả Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết số 58/2019/NQ-HĐND, ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh quy định về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung ưu tiên cho các dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Trong năm 2021, có 6 dự án lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC đã được cấp phép thực hiện.
 
Giám đốc Sở NN-PTNT Mai Văn Minh cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn theo hướng CNC, nông nghiệp hữu cơ để phát triển bền vững. Ngành Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường; tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các nông sản chủ lực trên địa bàn, tạo ra bước phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đạt năng suất, chất lượng. Trong giai đoạn 2021-2025, Quảng Bình phấn đấu xây dựng từ 2-3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC ở các địa phương có tiềm năng, lợi thế, như: Tây Bắc Đồng Hới, Tây Nam Bố Trạch…
 
Danh mục các dự án tiềm năng lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022-2024, gồm: Phát triển nông nghiệp CNC; phát triển chăn nuôi gia súc giống, thịt chất lượng cao và nhà máy chế biến gia súc tập trung; trồng lúa chất lượng cao kết hợp nuôi trồng thủy sản; trồng cây dược liệu dưới tán rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng; liên kết trồng, chăm sóc, chế biến sâu gỗ rừng trồng; trồng, chế biến cây dược liệu, cây ăn quả. 

Lan Chi

tin liên quan

Đổi mới cách tiếp cận, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư

(QBĐT) - Một trong những nội dung quan trọng trong công tác thu hút đầu tư là "giữ chân" nhà đầu tư, tạo sự gắn bó lâu dài và phát triển bền vững, hiệu quả. Để hoàn thành tốt mục tiêu này, Quảng Bình đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với cách tiếp cận mới, sáng tạo trên tinh thần chủ động và cầu thị.

2 địa phương công bố hết dịch tả lợn châu Phi

(QBĐT) - Ngày 21/3, thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đến thời điểm hiện tại, có 2 xã tại huyện Tuyên Hoá và Quảng Trạch công bố hết dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), còn 2 xã chưa qua 21 ngày.

Tiếp nhận, giải quyết gần 21.000 hồ sơ cấp "sổ đỏ"

(QBĐT) Từ đầu năm đến nay, lĩnh vực đất đai đã được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và các địa phương quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện.