Quảng Bình- Rộng mở tiềm năng và hiện thực

  • 14:26 | Thứ Ba, 22/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quảng Bình-mảnh đất nắng gió với những tiềm năng, thế mạnh và sự khác biệt; với chính sách và cơ chế thông thoáng, linh hoạt… đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến với Quảng Bình, các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ tìm thấy nhiều cơ hội để biến những ý tưởng, chiến lược đầu tư trở thành hiện thực…
 
Lợi thế về địa kinh tế
 
Quảng Bình là một tỉnh thuộc vùng Bắc Trung bộ, phía Bắc cách Thủ đô Hà Nội 500km, phía Nam cách TP. Hồ Chí Minh 1.200km, phía Tây giáp nước CHDCND Lào (với 201km đường biên giới), phía Đông giáp Biển Đông (với 116km bờ biển).
 
Quảng Bình có nhiều di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh nổi tiếng, đặc biệt có Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng cùng nhiều bãi biển tuyệt đẹp. Là nơi giao thoa của các nền văn hóa cổ xưa và hiện đại, nơi đón nhận các giá trị kinh tế, văn hóa và xã hội quan trọng nhất của đất nước, Quảng Bình có không gian rộng lớn thuận lợi để phát triển công nghiệp năng lượng, du lịch-dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp và kinh tế biển.
 
Kết cấu hạ tầng đồng bộ
 
Quảng Bình có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi cho giao thương cả về đường bộ, đường sắt, đường không và đường thủy.
 
Cửa khẩu quốc tế Cha Lo là cửa khẩu lớn giữa Việt Nam và Lào; cảng biển nước sâu Hòn La cho phép tàu dưới 29.500 tấn vào ra, đã phê duyệt quy hoạch để nâng cấp tiếp nhận tàu 50.000 tấn ra vào với năng lực tiếp nhận 1,2 triệu tấn/năm; cảng hàng không Đồng Hới được đánh giá là một trong những sân bay tăng trưởng nhanh nhất cả nước với mức tăng trưởng 20-25%/năm.
 
Quảng Bình nằm trên hành lang kinh tế Đông-Tây và có tuyến đường ngắn nhất giao thương với Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar. Hệ thống giao thông đã được quy hoạch khép kín theo lãnh thổ định hướng cho phát triển bền vững. Vì vậy, rất thuận tiện trong việc đi lại và giao lưu trao đổi, vận chuyển hàng hóa.
 
Mạng lưới viễn thông, cáp quang phủ sóng toàn tỉnh. Hạ tầng chính quyền điện tử của tỉnh đồng bộ, thống nhất, liên thông toàn quốc. Đã phê duyệt dự án chuyển đổi số, chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư 210 tỷ đồng. Hệ thống điện lưới quốc gia 220Kv và 110Kv đồng bộ. Hệ thống cấp nước sinh hoạt công suất 45.000-50.000m3/ngày và đủ điều kiện để nâng công suất lên 2 lần. Trên địa bàn tỉnh có 16 chi nhánh ngân hàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu giao dịch. Hệ thống khách sạn, nhà hàng, siêu thị, cửa hàng mua sắm phong phú, đa dạng...
Sân bay Đồng Hới
Sân bay Đồng Hới
Nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng
 
Với dân số hơn 90 vạn người, cơ cấu dân số trẻ, Quảng Bình còn có nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng. Số lao động trong độ tuổi chiếm gần 55% tổng dân số, có 18.000-19.000 lao động mới hàng năm.
 
Tỷ lệ lao động qua đào tạo và đào tạo lại đạt gần 67%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt hơn 27%. Tỉnh có 1 trường đại học với quy mô đào tạo 2.500 sinh viên/năm; 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gồm 4 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 9 trung tâm giáo dục-dạy nghề).
 
Các khu kinh tế,  khu công nghiệp đa dạng
 
Quảng Bình có 2 khu kinh tế (KKT) và 8 khu công nghiệp (KCN) với diện tích quy hoạch 65.703ha,  là nơi hứa hẹn đặt nhà máy sản xuất, chế biến an toàn, hiệu quả của nhà đầu tư.
KKT Hòn La thuộc huyện Quảng Trạch, được quy hoạch với tổng diện tích 10.000ha. Đây là KKT tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và làm động lực phát triển cho các vùng khác, đặc biệt là kết nối chặt chẽ với KKT Vũng Áng theo Quy hoạch Nam Hà Tĩnh-Bắc Quảng Bình. KKT Hòn La gồm các khu chức năng, như: Các KCN cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, khu dân cư-đô thị, khu dịch vụ-du lịch, khu hành chính...
 
KKT Cửa khẩu Cha Lo thuộc huyện Minh Hóa, có tổng diện tích tự nhiên gần 54.000ha, là 1 trong 9 KKT cửa khẩu trọng điểm được Chính phủ tập trung đầu tư giai đoạn 2016-2020 và là trung tâm kinh tế, đô thị phía Tây, đồng thời là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ khu vực Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và Tiểu vùng sông Mê Kông. Đây là cửa khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Lào với tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu, quá cảnh, phi mậu dịch trong các năm gần đây đạt 2 tỷ USD. 
 
Khoảng cách từ KKT Cửa khẩu Cha Lo đến cảng Hòn La và cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) 145km; đến cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) 320km và đến cảng Đà Nẵng 430km.
 
Khoảng cách từ KKT Hòn La đến cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) 36km; đến cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) 230km và đến cảng Đà Nẵng 340km. 
 
Du lịch độc đáo và khác biệt
 
Với diện tích 123.326ha, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng 2 lần được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới bởi những giá trị địa chất và đa dạng sinh học. Ở đây có 1.000 hang động lớn nhỏ hình thành cách đây hàng triệu năm, tạo nên sản phẩm du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm hết sức độc đáo, đưa Quảng Bình trở thành “Vương quốc hang động”. 
 
Quảng Bình đang trở thành trung tâm du lịch mạo hiểm và thiên đường khám phá trải nghiệm hàng đầu châu Á với hệ thống hang động hùng vĩ cùng hệ sinh thái đa dạng và các giá trị văn hóa phong phú. Đồng thời, đây là điểm đến nghỉ dưỡng và thể thao giải trí cao cấp hàng đầu của Việt Nam gắn với lợi ích cộng đồng và phát triển du lịch bền vững.
 
Hoạt động du lịch nghỉ dưỡng đặc sắc, hấp dẫn ở vùng ven biển với nhiều bãi tắm mịn, đẹp nổi tiếng, như: Đá Nhảy, Nhật Lệ-Quang Phú, Bảo Ninh, Hải Ninh…Cùng với đó, ở suối khoáng nóng Bang (Lệ Thủy) với nhiệt độ sôi 105 độ C, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và chữa bệnh theo mô hình Onsen (Nhật Bản) đang gấp gút được hoàn thiện, đưa vào sử dụng.
 
Du lịch nghỉ dưỡng còn được kết hợp với hoạt động thể thao thông qua việc sử dụng hệ thống sân golf ven biển, gồm 1 sân golf 36 lỗ đã đi vào hoạt động, 1 sân golf 36 lỗ đang xây dựng và một số sân golf đẳng cấp quốc tế khác đang được triển khai các thủ tục.
 
Cùng với các hình thức du lịch trên, Quảng Bình còn mang đậm dấu ấn của du lịch văn hóa-lịch sử-tâm linh với lễ hội Cầu Ngư, Rằm tháng ba Minh Hóa, đua thuyền truyền thống, đập trống Ma Coong…; các điểm đến tâm linh: Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh, chùa Hoằng Phúc (có lịch sử 700 năm), hang Tám TNXP...; các giá trị văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nổi bật, như: Hò khoan Lệ Thủy...
 
Phát triển nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu
 
Tỉnh Quảng Bình đang tập trung phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như đạt được các giá trị gia tăng cao, nhất là nhờ các tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… và định hướng xuất khẩu. Diện tích đất đai sử dụng cho mục đích nông nghiệp hơn 720.000ha, trong đó đất sử dụng cho lâm nghiệp chiếm 87%. Đặc biệt với hơn 285.000ha rừng sản xuất, trữ lượng gỗ 20,2 triệu m3, đây là tiềm năng rất lớn để phát triển rừng, trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn phục vụ công nghiệp sản xuất và chế biến đồ gỗ rừng trồng.
 
Vùng miền núi, gò đồi của Quảng Bình rất có nhiều ưu thế phát triển kinh tế rừng, trang trại tổng hợp, trồng cây dược liệu, phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái và trải nghiệm. Vùng đồng bằng thích hợp phát triển nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Vùng ven biển có nhiều tiềm năng để phát triển nuôi trồng thủy hải sản, trang trại chăn nuôi, sản xuất rau quả an toàn kết hợp phát triển du lịch…
 
Môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn
 
Quảng Bình xác định, tạo đột phá từ cải cách thủ tục hành chính, chuyển từ nền hành chính quản trị sang nền hành chính phục vụ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm trong thu hút đầu tư của tỉnh. Áp dụng chính phủ điện tử (e-government) trong đăng ký kinh doanh, hải quan, thuế bảo đảm nhanh gọn, chính xác và hiệu quả. Trung tâm Hành chính công tỉnh giải quyết thủ tự hành chính nhanh gọn theo cơ chế một cửa liên thông (OSS), tỷ lệ trả hồ sơ đúng hạn, trước hạn trên 99%.
 
Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) đã được thành lập và đi vào hoạt động; sẽ đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc theo dõi tiến độ thực hiện các thủ tục hành chính và tổng hợp các phản ánh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua ứng dụng trên điện thoại.
 
Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, tổ chức gặp mặt nhà đầu tư/doanh nghiệp định kỳ để đối thoại, nắm bắt và xử lý các yêu cầu, khó khăn, vướng mắc, qua đó, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án.
 
Ngoài việc áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung ưu đãi của Chính phủ, Quảng Bình còn có chính sách hỗ trợ và ưu đãi riêng đối với các dự án trọng điểm có tính đột phá, các dự án khác thuộc lĩnh vực tỉnh khuyến khích đầu tư.
 
 Anh Tuấn (thực hiện)
 
 

tin liên quan

Đổi mới cách tiếp cận, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư

(QBĐT) - Một trong những nội dung quan trọng trong công tác thu hút đầu tư là "giữ chân" nhà đầu tư, tạo sự gắn bó lâu dài và phát triển bền vững, hiệu quả. Để hoàn thành tốt mục tiêu này, Quảng Bình đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với cách tiếp cận mới, sáng tạo trên tinh thần chủ động và cầu thị.

2 địa phương công bố hết dịch tả lợn châu Phi

(QBĐT) - Ngày 21/3, thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đến thời điểm hiện tại, có 2 xã tại huyện Tuyên Hoá và Quảng Trạch công bố hết dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), còn 2 xã chưa qua 21 ngày.

Tiếp nhận, giải quyết gần 21.000 hồ sơ cấp "sổ đỏ"

(QBĐT) Từ đầu năm đến nay, lĩnh vực đất đai đã được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và các địa phương quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện.