Đổi mới cách tiếp cận, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư
(QBĐT) - Một trong những nội dung quan trọng trong công tác thu hút đầu tư là “giữ chân” nhà đầu tư (NĐT), tạo sự gắn bó lâu dài và phát triển bền vững, hiệu quả. Để hoàn thành tốt mục tiêu này, Quảng Bình đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với cách tiếp cận mới, sáng tạo trên tinh thần chủ động và cầu thị.
Nỗ lực thực hiện cam kết
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư (XTĐT) năm 2021 tổ chức tại TP. Đồng Hới với sự tham gia của gần 500 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và đông đảo doanh nghiệp (DN), NĐT trong và ngoài nước, tỉnh đã ban hành 10 cam kết với những nội dung rất cụ thể. Trong đó, nội dung quan trọng nhất chính là chuyển đổi triệt để và thực chất phong cách làm việc từ “quản lý” sang “phục vụ” người dân, DN, lấy người dân, DN là trung tâm cho công cuộc phát triển của địa phương.
Trên cơ sở nội dung 10 cam kết của lãnh đạo tỉnh và nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, địa phương liên quan, việc thực hiện cam kết được triển khai nhanh chóng, kịp thời, có sự kiểm tra, giám sát.
Được xem là “chìa khóa của thành công” trong thu hút đầu tư, lĩnh vực cải cách hành chính đã có những chuyển biến mạnh mẽ, tạo thuận lợi và động lực cho DN, NĐT. Trong tổng số 982 thủ tục hành chính (TTHC) được UBND tỉnh công bố trong năm 2021, có 418 TTHC công bố mới, 157 TTHC sửa đổi, bổ sung và 402 TTHC bãi bỏ... Các sở, ngành cũng đã kiến nghị xử lý đối với 17 nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần cắt giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện các TTHC, cải thiện chỉ số cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Việc công khai, minh bạch thông tin về đất đai, quy hoạch, kế hoạch, danh mục kêu gọi đầu tư đã tạo “sân chơi” bình đẳng, thuận lợi cho tất cả các DN, NĐT đến với Quảng Bình. Quá trình tiếp cận thông tin thông thoáng, cởi mở đã góp phần tạo sự kết nối phù hợp, chính xác giữa DN, NĐT và địa phương, nhanh chóng phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Năm 2021, trong bối cảnh nhiều khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng tỉnh đã kịp thời tổ chức các hội nghị đối thoại với DN, lắng nghe, nắm bắt tình hình và có các giải pháp đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho các DN, NĐT đã và đang triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh.
Cùng với các hội nghị đối thoại, thông qua “đường dây nóng” trực tiếp đến các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhiều bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án đã được nắm bắt, chỉ đạo giải quyết kịp thời, hiệu quả.
Tháng 10/2021, khi Chính phủ triển khai Nghị quyết 128, Quảng Bình đã nhanh chóng tổ chức tọa đàm trực tuyến kết nối Quảng Bình-Hàn Quốc nhằm trao đổi thông tin, thúc đẩy hợp tác đầu tư của các DN, NĐT Hàn Quốc tại địa phương, sẵn sàng cho lộ trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Xác định sự thành công của các NĐT là thông điệp quan trọng nhất, ấn tượng nhất mà Quảng Bình gửi tới các DN, NĐT, chính quyền và sở, ban, ngành, địa phương đã nỗ lực đồng hành, hỗ trợ các NĐT triển khai dự án thuận lợi, nhiều dự án đưa vào hoạt động nhanh chóng, hiệu quả...
Chú trọng chất lượng
Từ kinh nghiệm và kết quả triển khai thu hút đầu tư những năm qua, Quảng Bình đang chủ động hướng đến những NĐT có năng lực phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh.
Về vấn đề này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng nhấn mạnh: Là tỉnh đang trong giai đoạn khởi động, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động XTĐT, quan điểm của Quảng Bình là hoan nghênh, tôn trọng, đối xử công bằng với mọi DN, NĐT trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua, có một số dự án không triển khai, triển khai chậm hoặc không hiệu quả do nhiều nguyên nhân. Đối với các dự án này, tỉnh sẽ có sự thảo luận, trao đổi cùng NĐT và các cơ quan liên quan để tìm giải pháp tháo gỡ, động viên NĐT tiếp tục triển khai, thu hồi dự án là giải pháp cuối cùng.
“Thời gian tới, tỉnh sẽ chủ động triển khai đấu thầu để lựa chọn được các NĐT chất lượng, phù hợp với yêu cầu phát triển của Quảng Bình. Đó là những NĐT có uy tín, năng lực tài chính, kinh nghiệm, đặc biệt ưu tiên các NĐT có thị trường, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, du lịch, dịch vụ... để cùng tỉnh xây dựng, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, đưa các sản phẩm mang thương hiệu Quảng Bình đến với nhiều khách hàng tiềm năng, phát huy hiệu quả đầu tư!”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng cho biết thêm.
Đồng hành xuyên suốt
Việc thực hiện 10 nội dung cam kết và quá trình đồng hành, hỗ trợ NĐT trong mọi công đoạn của quy trình XTĐT đã mang lại kết quả tích cực, cụ thể trong thu hút đầu tư tại tỉnh thời gian qua, giúp nhiều NĐT hoàn thành các dự án, công trình, đưa vào hoạt động hiệu quả. Một trong những dự án điển hình là Cụm trang trại điện gió B&T đã hoàn thành và đưa vào hoạt động đúng tiến độ mang lại nguồn năng lượng sạch và nộp ngân sách lớn cho tỉnh dự kiến 100 tỷ đồng/năm (riêng 2 tháng cuối năm 2021 nộp 28,5 tỷ đồng).
Các dự án quan trọng của Tập đoàn FLC (Hải Ninh, Quảng Ninh), dự án Regal Ocean (Bảo Ninh, TP. Đồng Hới), Khu nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang (Kim Thủy, Lệ Thủy)... đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến sẽ hoàn thành một số hạng mục và đưa vào khai thác trong năm 2022. Đây là kết quả rõ nét nhất từ sự quan tâm đồng hành của tỉnh đối với các dự án trên địa bàn với mục tiêu chung tay cùng phát triển. Thành công của các NĐT trên địa bàn tỉnh thời gian qua là minh chứng sống động, tiền đề quan trọng thu hút ngày càng nhiều hơn những NĐT chất lượng, uy tín, tâm huyết đến với Quảng Bình.
Tiếp nối những thành công của năm 2021, Hội nghị XTĐT Quảng Bình năm 2022 được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 25/3/2022. Giai đoạn 2022-2024, toàn tỉnh có 23 danh mục với gần 60 dự án tiềm năng được mời gọi đầu tư thuộc các lĩnh vực: Nông nghiệp: 6 danh mục dự án (DMDA); Du lịch, thương mại, dịch vụ: 7 DMDA; Công nghiệp, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp: 6 DMDA; Hạ tầng kinh tế - xã hội: 4 DMDA. |
Ngọc Mai