"Mở đường" cho công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển

  • 07:51 | Thứ Hai, 27/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cùng với việc chú trọng phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, giai đoạn 2020-2025, huyện Tuyên Hóa đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển và tăng dần tỷ trọng công nghiệp (CN), tiểu thủ công nghiệp (TTCN), thương mại-dịch vụ (TM-DV), ngành nghề nông thôn, nhằm tạo động lực cho kinh tế-xã hội (KT-XH) trên địa bàn huyện phát triển bền vững.
 
Tháng 10-2021, tại kỳ họp thứ 2, HĐND huyện Tuyên Hóa khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã ra Nghị quyết số 69/NQ-HĐND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án: Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Cụm TTCN Tiến Hóa, giai đoạn 2 (2021-2023), với tổng nguồn vốn đầu tư 30 tỷ đồng. Sau giai đoạn này, Cụm TTCN Tiến Hóa sẽ hoàn thành toàn bộ hạ tầng, gồm: San lấp mặt bằng, hệ thống điện, nước, thu gom rác thải, để sớm thu hút các nhà đầu tư.
 
Trước đó, huyện Tuyên Hóa cũng đã gấp rút thi công và hoàn thành (giai đoạn 1: 2020-2022) hạ tầng kỹ thuật các tuyến đường bao quanh, đường phân khu vượt tiến độ 1 năm. Theo quy hoạch, Cụm TTCN Tiến Hóa có tổng diện tích 17ha. Trong giai đoạn 1 (2020-2022) và giai đoạn 2 (2021-2023), huyện Tuyên Hóa sẽ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trên diện tích hơn 9ha. Cụm TTCN nằm ngay trên tuyến đường tránh Quốc lộ 12A-trục hành lang kinh tế xuyên Á kết nối từ Cửa khẩu và Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo đến Khu kinh tế Hòn La và cảng Hòn La-nơi có cảng nước sâu, rất thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa. Đây cũng là một trong những cụm TTCN có quy mô lớn đầu tiên trên địa bàn huyện Tuyên Hóa và được xác định là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế giai đoạn 2020-2025.  
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật Cụm TTCN Tiến Hóa đang được đẩy nhanh thực hiện nhằm thu hút các nhà đầu tư.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật Cụm TTCN Tiến Hóa đang được đẩy nhanh thực hiện nhằm thu hút các nhà đầu tư.
Hiện, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa có 1.157 tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 1.390 lao động. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều có quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu và sức cạnh tranh thấp. Các ngành nghề nông thôn còn ít, năng suất lao động và sức cạnh tranh hàng hóa thấp, nhiều ngành nghề khó duy trì. Sản phẩm làm ra còn manh mún, chất lượng thấp, thiếu sức cạnh tranh. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế.
 
Những khó khăn nêu trên đã khiến cho CN, TTCN, TM-DV và các thành phần kinh tế trên địa bàn huyện Tuyên Hóa phát triển chưa mạnh. Việc huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng khó khăn dẫn đến khả năng thu hút các dự án có quy mô lớn vẫn còn hạn chế. Từ đó, nguồn thu ngân sách trên địa bàn chưa thực sự vững chắc. Theo thống kê, giai đoạn 2015-2020, giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp trên địa bàn huyện Tuyên Hóa chỉ tăng bình quân 2,5%/năm, CN-xây dựng tăng 13,9%/năm; TM-DV tăng 13,5%.
 
Trong khi sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ là chủ yếu, TM-DV chỉ giữ vai trò phân phối nhỏ lẻ, thì phát triển CN, TTCN, TM-DV được huyện Tuyên Hóa xem là một trong những “trụ cột” phát triển để “tăng tốc” nền kinh tế. Vì vậy, Cụm TTCN Tiến Hóa được kỳ vọng sẽ “mở đường” cho việc kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn huyện. Đến năm 2025, huyện Tuyên Hóa đặt ra mục tiêu đưa giá trị sản xuất CN-TTCN-xây dựng đạt 1.190 tỷ đồng (chiếm 31% cơ cấu nền kinh tế).
 
Chủ tịch UBND xã Tiến Hóa Hoàng Trọng Tài cho biết, xã Tiến Hóa được quy hoạch, đầu tư, xây dựng thị trấn trong tương lai. Cùng với việc đầu tư Cụm TTCN Tiến Hóa, huyện cũng đã hoàn thiện 2 dự án phát triển quỹ đất ở tại thôn Tam Đa, Tây Trúc (với tổng diện tích hơn 20ha) và sẽ đưa vào đấu thầu trong năm 2022. Đây là động lực tạo đà cho sự phát triển của không chỉ các ngành CN, TTCN, mà còn kéo theo sự phát triển của các loại hình TM-DV, ngành nghề nông thôn; đồng thời mở rộng quy mô dân số. Quan trọng hơn, khi cụm TTCN này đi vào hoạt động sẽ tạo ra cơ hội việc làm, đào tạo nghề, nâng cao thu nhập tại chỗ cho người lao động ở địa phương và các xã lân cận.
 
Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Lê Nam Giang cho hay, với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, Cụm TTCN Tiến Hóa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển CN, TTCN một cách bền vững, góp phần khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế có sẵn của địa phương. Đây còn là tiền đề cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng tăng dần tỷ trọng sản xuất CN-TTCN, TM-DV, ngành nghề nông thôn nói riêng, cũng như sự phát triển KT-XH cho huyện Tuyên Hóa nói chung.
 
“Theo định hướng, khi Cụm TTCN Tiến Hóa hoàn thành, huyện sẽ kêu gọi các nhà đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề chế biến theo chiều sâu, thu hút nhiều lao động, như: Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông-lâm sản, chế biến gỗ rừng trồng, thức ăn gia súc... Hiện tại, huyện Tuyên Hóa đang đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về môi trường đầu tư và các thủ tục hành chính, để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đến đầu tư phát triển sản xuất, triển khai dự án, xây dựng các cơ sở công nghiệp trên địa bàn”, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Lê Nam Giang cho biết thêm.
 
Theo tính toán, để KT-XH phát triển, đến năm 2025, huyện Tuyên Hóa cần huy động nguồn vốn đầu tư trên 1.610 tỷ đồng. Vì vậy, thời gian tới, huyệntiếp tục tranh thủ và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án, từ ngân sách cấp trên, ngân sách địa phương; đồng thời huy động nội lực của nhân dân, các thành phần kinh tế để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối giữa các địa phương, khơi thông lực cản do địa hình bị chia cắt, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển.
Dương Công Hợp

tin liên quan

Tiếp tục giảm 37 khoản phí, lệ phí đến hết tháng 6-2022

Nhiều khoản phí, lệ phí được giảm đến 50% mức phí quy định, như lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng; lệ phí giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng...
 

Dự báo nhu cầu, bảo đảm cung ứng điện năm 2022 và các năm tiếp theo

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1813/CĐ-TTg ngày 24-12 về việc dự báo nhu cầu điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm cung ứng điện năm 2022 và các năm tiếp theo. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
 

Quảng Bình - "Điểm đến an toàn và khác biệt"

(QBĐT) - Đối mặt với những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, năm 2021, du lịch Quảng Bình vẫn nỗ lực triển khai các hoạt động kích cầu sản phẩm du lịch và đưa vào khai thác các điểm khám phá mới, hấp dẫn nhằm thu hút du khách. Dù khó khăn, thách thức, du lịch Quảng Bình vẫn đón đầu, quyết tâm vượt qua để xứng đáng là "Điểm đến an toàn và khác biệt"…