Tín dụng chính sách - "chìa khóa" giảm nghèo bền vững
(QBĐT) - Từ nguồn vốn của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Bố Trạch đã có hàng nghìn người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn được vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
Nhờ sự cần cù, chịu thương chịu khó, dám nghĩ dám làm, anh Nguyễn Văn Nam ở thôn Nam Nẫm, xã Cự Nẫm (Bố Trạch) đã xây dựng thành công mô hình trang trại tổng hợp với thu nhập ổn định hơn 150 triệu đồng/năm.
Anh Nam chia sẻ, trước đây, vợ chồng anh làm ruộng và canh tác thêm hoa màu để sinh sống. Dù quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, nhưng gia đình anh luôn trong tình cảnh thiếu trước hụt sau. Và rồi với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, hay lam hay làm, anh đã bàn với vợ mạnh dạn vay tiền từ NHCSXH để khởi nghiệp.
Những ngày đầu bắt tay vào làm trang trại, cuộc sống còn khó khăn, vợ chồng anh Nam cứ loay hoay với việc “trồng cây gì, nuôi con gì” để có “của ăn của để”. Sau khi tìm hiểu, học hỏi các mô hình chăn nuôi tổng hợp tại địa phương, anh bắt tay vào nuôi cá trắm và lợn thịt.
Nói là làm, anh vay 50 triệu đồng từ PGD NHCSXH huyện Bố Trạch để đào ao nuôi cá trắm và xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc chăn nuôi của gia đình anh gặp không ít khó khăn. Không nản lòng, anh đã tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi do địa phương tổ chức; học hỏi những người có kinh nghiệm ở các địa phương lân cận để áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình mình. Đất không phụ công người, sau nhiều năm gây dựng, trang trại tổng hợp của gia đình anh Nam đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Hiện tại, trang trại của anh Nam duy trì diện tích 1ha nuôi cá trắm, 50 con lợn thịt, cho thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. Có nguồn thu nhập ổn định, từ một gia đình thuộc diện cận nghèo, đến nay, gia đình anh Nam đã trở thành hộ khá giả tại địa phương. “Người nông dân cứ bám lấy đất làng mà sống, biết tổ chức sản xuất hợp lý thì không bao giờ nghèo đói. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại, tăng số lượng và chủng loại vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình”, anh Nam cho hay.
Ông Mai Ngọc Sơn, Giám đốc PGD NHCSXH huyện Bố Trạch cho biết, xóa đói giảm nghèo là mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Cùng với nỗ lực củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong hành trình chuyển tải nguồn vốn đến với người dân. Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, PGD NHCSXH huyện Bố Trạch và các tổ chức hội chính trị-đoàn thể đã phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vồn tín dụng chính sách trên địa bàn.
PGD NHCSXH huyện Bố Trạch đã triển khai cho vay 15 chương trình tín dụng với gần 16.000 khách hàng vay vốn, dư nợ được phủ kín đến 265 thôn, bản trên địa bàn toàn huyện. Tính đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác PGD NHCSXH huyện thực hiện cho vay gần 10,7 tỷ đồng; doanh số cho vay đạt 1.090 tỷ đồng với gần 33.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Nhằm chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến với người dân, thời gian qua, PGD NHCSXH huyện Bố Trạch đã thực hiện nhiều giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Với ưu điểm là nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài, đây là cơ hội giúp người nghèo tiếp cận với vốn vay nhanh chóng, thuận tiện để phát triển kinh tế gia đình. Tính đến nay, trên địa bàn huyện Bố Trạch đã có hàng nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang thực hiện vay vốn của PGD NHCSXH huyện với tổng dư nợ cho vay đạt gần 595 tỷ đồng; tăng 36,2 tỷ đồng so với cuối năm 2020.
Để nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo vay vốn, những năm qua, PGD NHCSXH huyện Bố Trạch đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đưa nguồn vốn vay đến với người dân. Cán bộ của đơn vị luôn sát cánh cùng với các hội, đoàn thể tuyên truyền về các chương trình tín dụng chính sách; đồng thời, giám sát việc giải ngân tại các thôn, xã. Bên cạnh đó, PGD NHCSXH huyện còn tổ chức ủy thác vốn vay thông qua các hội, đoàn thể tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận nhanh nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW; nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến với người dân. PGD NHCSXH huyện sẽ tập trung huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách; tạo mọi điều kiện thuận lợi để tạo lập nguồn vốn, mở rộng đối tượng chính sách, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với mục tiêu các chương trình quốc gia về giảm nghèo bền vững và mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Từ năm 2014 đến nay, thông qua PGD NHCSXH huyện Bố Trạch, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 7.569 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 1.773 lao động tạo được việc làm mới; đầu tư xây dựng 13.057 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; trợ giúp 135 hộ nghèo xây dựng nhà ở; 335 hộ nghèo xây nhà ở phòng tránh bão lũ..., góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. |
Lan Chi