Bố Trạch: Rộn ràng mùa sản xuất hàng Tết

  • 07:29 | Thứ Hai, 20/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dù đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng, các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT),... trên địa bàn huyện Bố Trạch đều khởi đầu với khí thế rộn ràng để sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán.
 
Ngược lên vùng miền núi biên giới, gò đồi hay hướng ra các xã biển, Bố Trạch đều có những đặc sản được đánh giá, công nhận cấp tỉnh trong chương trình "Mỗi xã mỗi sản phẩm" (OCOP). Đến nay, Bố Trạch là địa phương dẫn đầu tỉnh với 19 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao và năm 2021 có trên 20 sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ gửi tỉnh đánh giá, công nhận.
 
Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Bố Trạch, cho biết: Những sản phẩm OCOP trên địa bàn có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, được khách hàng tin dùng, đón nhận và đánh giá cao, như: Tinh dầu sả Như Oanh (Nam Trạch), miến gạo sâm Bố Chính (Mỹ Trạch); muối Kosal (Vạn Trạch), nước mắm chay và các loại nấm ăn Tuấn Linh...
 
Huyện cũng đang lên kế hoạch để tổ chức hội chợ nhằm giao lưu, trao đổi hàng hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trên địa bàn tiếp cận với các sản phẩm chất lượng của quê hương với thông điệp “Người Bố Trạch dùng hàng Bố Trạch".
 
Chính vì vậy, các làng nghề, HTX, THT đang hối hả vào vụ sản xuất để phục vụ nhu cầu tăng cao của bà con trong và ngoài địa phương trong dịp Tết cổ truyền, đặc biệt là hải sản, dầu lạc, nước mắm, các loại nấm ăn, trà xanh, chả cá trắm, măng khô, dược liệu từ sim...
 
Dù thời tiết không thuận lợi, mưa và rét, nhưng các thành viên HTX Sản xuất kinh doanh nấm sạch và rượu Xuân Hưng (thôn 3, xã Mỹ Trạch) vẫn tất bật với các công đoạn làm nấm, ủ men, chuẩn bị hoàn thành số lượng lớn hàng hóa phục vụ bán ra thị trường trong dịp Tết.
 
“Đã hơn nửa tháng nay, từ giữa tháng 11-2021, ngoài các sản phẩm nấm ăn, như: Sò trắng, mộc nhĩ, linh chi, các loại thức uống từ sim, HTX còn khởi động làm mứt gừng, mứt dừa, cà rốt… để cung cấp ra thị trường. Nếu như mỗi tháng HTX ủ men và ngâm gần 3.000 lít thức uống từ sim, sản xuất trên 3 tấn nấm, thì 3 tháng cuối năm, tăng 50%. Đồng thời, HTX cũng sản xuất trên 1 tấn mứt các loại, bảo đảm an toàn thực phẩm, tuyệt đối không sử dụng hóa chất độc hại”, chị Nguyễn Thị Xuân, Giám đốc HTX Xuân Hưng, chia sẻ. 
 
Chị Nguyễn Thị Xuân cho hay, ngoài 15 thành viên có thu nhập tương đối ổn định, HTX còn tạo việc làm thời vụ trong dịp Tết cho trên 30 lao động địa phương với mức 4,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần giải quyết một phần khó khăn cho bà con do ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài.
 
Đồng bào dân tộc thiểu số xã Thượng Trạch hối hả vào vụ sản xuất măng khô phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán.
Đồng bào dân tộc thiểu số xã Thượng Trạch hối hả vào vụ sản xuất măng khô phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán.
Tại vùng núi cao Thượng Trạch, thời gian qua, đồng bào ở các bản làng hăng hái vào rừng lấy măng cung cấp cho HTX Cà Roòng để kịp sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu thụ ngày Tết của người tiêu dùng gần xa. Đinh Xức, một thành viên HTX không giấu được niềm vui: “Bà con mừng lắm khi biết sản phẩm măng rừng của HTX được khách hàng nhiều nơi ưa chuộng. Bà con tiếp tục tích cực đi bẻ măng, vừa có việc làm để tăng thu nhập, không săn bắt thú, chặt phá rừng nữa, vừa góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ vùng biên”.
 
Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch Trương Tấn Hưng cho biết thêm, được sự giúp đỡ của các ban, ngành và địa phương, xã đã đầu tư thành lập HTX sản xuất măng khô, lấy thương hiệu Cà Roòng với 30 thành viên. Việc đầu tư mua máy móc, sửa sang nhà xưởng cũng nhiều kinh phí, nhưng đồng bào trên địa bàn rất phấn khởi bởi HTX đã tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho trên 100 lao động. Sản phẩm được huyện Bố Trạch chứng nhận đạt tiêu chuẩn, HTX đã hoàn thiện hồ sơ gửi tỉnh đánh giá trong dịp cuối năm, hy vọng niềm vui của đồng bào xã Thượng Trạch được nhân lên nếu được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
 
"Từ tháng 7-2021 đến nay, HTX sản xuất và tiêu thụ được trên 10 tấn măng tươi, trong đó sấy được 200kg măng khô, doanh thu đạt trên 100 triệu đồng. Dự kiến trong tháng cuối năm, HTX sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 100kg măng khô (tương đương 3 tấn măng tươi) đạt tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, không phụ lòng tin của bà con gần xa”, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch Trương Tấn Hưng cho hay.
 
Một số mặt hàng OCOP trên địa bàn huyện Bố Trạch cũng nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng, như: Chả cá trắm Sông Son (TT. Phong Nha), mật ong Tân Hội (xã Liên Trạch), bột cháo canh của cơ sở Kính Hương (xã Bắc Trạch)…
 
“Huyện cũng hỗ trợ và động viên các cơ sở kinh doanh, HTX khắc phục khó khăn do dịch Covid-19, nỗ lực sản xuất các mặt hàng đạt chất lượng, cung cấp cho thị trường vào dịp cuối năm, vừa có thu nhập để tái sản xuất, vừa tạo dựng thương hiệu lâu dài. Trên cơ sở đó, các địa phương trên địa bàn huyện có cơ hội mở rộng, phát triển thêm ngành nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trước tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Văn Thủy trao đổi thêm.
 
Hương Trà

tin liên quan

Phó Thủ tướng: Khắc phục tình trạng ùn tắc nông sản tại Lạng Sơn

Ngày 18-12, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về khắc phục tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
 

Tín dụng chính sách - "chìa khóa" giảm nghèo bền vững

(QBĐT) - Từ nguồn vốn của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Bố Trạch đã có hàng nghìn người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn được vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Huy động hơn 19,2 tỷ đồng "Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo"

(QBĐT) - Ngày 17-12, thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, sau hơn 10 ngày phát động chương trình "Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo", Phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thị xã, thành phố đã huy động được hơn 19,2 tỷ đồng.