(QBĐT) - Đối mặt với những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, năm 2021, du lịch Quảng Bình vẫn nỗ lực triển khai các hoạt động kích cầu sản phẩm du lịch và đưa vào khai thác các điểm khám phá mới, hấp dẫn nhằm thu hút du khách. Dù khó khăn, thách thức, du lịch Quảng Bình vẫn đón đầu, quyết tâm vượt qua để xứng đáng là “Điểm đến an toàn và khác biệt”…
"Vượt sóng"
Năm 2021, du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Quảng Bình nói riêng tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình năm 2021 đạt khoảng 560.000 lượt khách, giảm 70% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 11% so với kế hoạch.
Trong đó, khách nội địa đạt 545.500 lượt khách, giảm 69% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 11% so với kế hoạch; khách quốc tế đạt 5.500 lượt khách, giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 11% so với kế hoạch năm.
Mặc dù, lượng du khách giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng Quảng Bình vẫn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn tại Việt Nam. Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB) được TripAdvisor đánh giá là 1 trong 15 vườn quốc gia được yêu thích hàng đầu thế giới; tạp chí Lonely Planet bình chọn là 1 trong 2 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam và được trang đặt phòng booking.com bình chọn là điểm đến hiếu khách nhất Việt Nam.
Hang Sơn Đoòng được hãng CNN chọn là 1 trong 10 điểm đến tuyệt vời nên khám phá ở Việt Nam. MV Alone, Pt. II của nhà sản xuất âm nhạc hàng đầu thế giới Alan Walker thực hiện tại PN-KB đã vượt mốc 210 triệu lượt xem trên Youtube. Các hình ảnh của hang Sơn Đoòng đã được đưa vào trò chơi phổ biến trên nền tảng điện thoại và máy tính là Minecraft (Đào Vàng) với khoảng 400 triệu người đã tải xuống.
Để có những kết quả đó, ngành Du lịch Quảng Bình đã triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số du lịch; hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trên các nền tảng số được thực hiện với nội dung phong phú, đa dạng; duy trì được sự kết nối, cập nhật thông tin thường xuyên, liên tục với các thị trường khách du lịch trọng điểm trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, Quảng Bình chú trọng các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước; các đơn vị hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đã chủ động tập trung chuyển đổi sang thị trường khách du lịch nội địa, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các dịch vụ du lịch phù hợp với thị hiếu của khách du lịch.
Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước và cải cách hành chính được triển khai hiệu quả, kịp thời, góp phần tạo môi trường kinh doanh, phát triển du lịch ổn định, bền vững, thu hút được sự tham gia của nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch; tình hình an ninh du lịch cơ bản được bảo đảm, văn hóa du lịch văn minh, bình đẳng. Quảng Bình đang chuyển mình theo hướng tích cực, là điểm đến hấp dẫn của du khách và địa chỉ đáng tin cậy của các nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: “Năm 2021, với việc tạo điều kiện của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương; sự năng động và chuyển đổi kịp thời sang thị trường khách nội địa của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh; sự đồng hành, ủng hộ của truyền thông, báo chí; sự thân thiện, hiếu khách của người dân Quảng Bình, hoạt động du lịch Quảng đã có những dấu hiệu phục hồi trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19...”.
Thích ứng an toàn, linh hoạt…
Năm 2022, ngành Du lịch Quảng Bình phấn đấu đạt 2 triệu lượt khách tham quan, trong đó, khách nội địa 1,9 triệu lượt khách; khách quốc tế 10 nghìn lượt khách; tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 2.250 tỷ đồng.
Để đạt được những con số đó, ngành Du lịch đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cần phải thực hiện trong thời gian tới, đó là: Nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của du lịch với sự phát triển kinh tế-xã hội; đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch;phát triển các dịch vụ bổ trợ, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến, liên kết du lịch và hỗ trợ du khách; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực du lịch; xây dựng văn hóa du lịch; phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch; ứng dụng khoa học, công nghệ vào phát triển du lịch…
Theo ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp có tính định hướng của ngành Du lịch trong năm 2022, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch về phục hồi, tăng trưởng khách du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đến năm 2022. Trong đó, xác định 2 giai đoạn để thực hiện, gồm: Giai đoạn 1, từ ngày 19-11 đến hết ngày 31-12-2021 và giai đoạn 2, từ ngày 1-1 đến ngày 31-12-2022.
Các giai đoạn thực hiện chủ yếu tập trung vào việc phục hồi cơ bản các hoạt động du lịch phù hợp với từng địa bàn theo cấp độ dịch; nắm bắt thị hiếu khách hàng để xây dựng, điều chỉnh các sản phẩm, dịch vụ phù hợp; tập trung đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thu hút khách du lịch; phối hợp các địa phương đón khách du lịch quốc tế…
“Với phương châm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và “mở cửa là an toàn và an toàn đến đâu, mở cửa đến đó”, du lịch Quảng Bình được đánh giá là một trong những địa phương đầu tiên khôi phục các hoạt động du lịch trong cả nước; phục hồi cơ bản các hoạt động và duy trì được lượng khách du lịch nội địa khá ổn định; duy trì được kết nối thường xuyên liên tục với các thị trường khách trong nước và quốc tế; sẵn sàng cho việc mở cửa, phục hồi, tăng trưởng khách du lịch trong năm 2022…”, ông Quý cho biết.
Tạp chí chuyên về du lịch của Mỹ-AFAR đã chọn Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia PN-KB là 1 trong 39 điểm đến nổi bật nhất thế giới trong năm 2022. PN-KB được tạp chí AFAR giới thiệu là một điểm du lịch nổi tiếng ở miền Trung Việt Nam, hấp dẫn những du khách ưa mạo hiểm.
Sau khi Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về tình hình ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ngày 23-12, Bộ Công Thương đã có văn bản số 8297/BCT-XNK gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tháo gỡ vấn đề này.
Hai bên nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, cơ quan liên quan của Hàn Quốc thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như hải quan và xuất xứ hàng hóa, phòng vệ thương mại, hợp tác kinh tế...