Vận tải hành khách và hàng hóa: Nhiều khó khăn, vướng mắc

  • 08:00 | Thứ Tư, 17/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vận tải hành khách và hàng hóa trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh đang nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, việc khôi phục hoạt động này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đang gặp rất nhiều khó khăn.
 
Nỗ lực khôi phục luồng, tuyến vận tải
 
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT cho hay: Ngay trong những thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành GTVT tỉnh vẫn nỗ lực duy trì hoạt động vận tải hàng hóa bảo đảm thông suốt. Trong đó, đặc biệt ưu tiên vận chuyển các loại hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân, các loại vật tư, thiết bị máy móc y tế và hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa; kịp thời cung cấp nguyên, vật liệu cho các nhà máy, công trình xây dựng.
 
Riêng đối với hoạt động vận tải hành khách, từ ngày 10-10-2021, Sở GTVT đã tham mưu cho UBND tỉnh mở lại các tuyến đường bay thường lệ Đồng Hới-Hà Nội và Đồng Hới-TP. Hồ Chí Minh nhằm thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế. Tiếp đó, ngày 13-10-2021, tỉnh Quảng Bình tiếp tục cho phép các đôi tàu thống nhất Bắc-Nam đón, trả khách tại các ga Đồng Hới và Đồng Lê khi qua địa bàn tỉnh.
 
Đã gần đến giờ xuất bến nhưng xe Hoàng Cường chạy tuyến Đồng Hới-Mỹ Đức chỉ có 1 hành khách.
Cảnh vắng vẻ tại hầu hết các bến xe khách trên địa bàn TP. Đồng Hới
“Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân bằng đường bộ, Sở GTVT đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe khách, điểm dừng nghỉ, bãi đỗ xe tổ chức lại hoạt động vận tải hành khách phù hợp với diễn biến dịch. Trong đó, chú trọng vận tải hành khách phục vụ kết nối liên thông giữa các cảng hàng không, nhà ga, các bến tàu, xe… với tần suất bình thường, trừ các địa bàn có dịch Covid-19 cấp độ 4 (nguy cơ rất cao-PV)”, ông Tuấn cho biết thêm.
 
Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, ngay khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, từ ngày 13-10-2021, Quảng Bình đã thống nhất khôi phục hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh với tần suất bình thường, đi/đến các tỉnh, thành phố có dịch Covid-19 ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp-PV) và cấp độ 2 (nguy cơ trung bình-PV); đồng thời, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
 
Riêng đối với các tuyến cố định liên tỉnh từ Quảng Bình đến các tỉnh có dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao-PV) thì hoạt động với tần suất 50% tuyến, lượt và số chỗ cũng như giãn cách chỗ ngồi trên phương tiện. Với các tỉnh có dịch ở cấp độ 4, Quảng Bình không tổ chức vận tải hành khách, trừ những trường hợp đặc biệt.
 
Vẫn còn nhiều khó khăn
 
“Quảng Bình hiện có hơn 48.600 xe ô tô các loại hoạt động phục vụ nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa. Đa số các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đang gặp khó khăn, cần được hỗ trợ về mọi mặt. Trước mắt, chính quyền địa phương cần ưu tiên tiêm vắc-xin cho các đối tượng lao động trong ngành GTVT; hỗ trợ, miễn giảm các loại thuế, phí bảo trì đường bộ; tạo điều kiện vay vốn lãi suất ưu đãi để “tiếp sức” cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động trong trạng thái bình thường mới”, ông Trần Anh Tuấn cho biết.
Số liệu thống kê từ Sở GTVT cho thấy từ ngày 13-10-2021 đến nay, toàn tỉnh chỉ có 468 lượt xe xuất bến liên tỉnh, chiếm 21% số chuyến được cấp phép; khoảng hơn 3.600 lượt khách đi xe, chiếm khoảng 15% so với lúc bình thường. Riêng các tuyến vận tải hành khách nội tỉnh, mặc dù đã được khuyến khích hoạt động trở lại nhưng chỉ có khoảng 30% số chuyến xe xuất bến mỗi ngày, lượng khách chỉ khoảng 20% so với thời điểm chưa có dịch.
 
Có mặt tại các bến xe khách trên địa bàn TP. Đồng Hới, chúng tôi nhận thấy quang cảnh vắng lặng hơn hẳn so với thời điểm chưa có dịch. Ông Nguyễn Hữu Đông, Trưởng bến xe Nam Lý (TP. Đồng Hới) cho biết: Mặc dù, tỉnh đã cho phép hoạt động trở lại bình thường nhưng do không có khách nên các nhà xe chỉ hoạt động cầm chừng. Rất nhiều xe đến giờ đăng tài, xuất bến nhưng không có lấy 1 hành khách nào.
 
“Yêu cầu đối với lái xe, phụ xe phải tiêm đủ liều vắc-xin, trong khi đó hầu hết lái xe, phụ xe và nhân viên phục vụ trên xe ở các địa phương mới chỉ tiêm 1 mũi vắc-xin. Tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vắc xin còn thấp”, ông Đông nói.
 
15 giờ ngày thứ sáu (12-11-2021), mặc dù đã gần đến giờ xuất bến nhưng hầu hết các xe khách nội tỉnh tại bến xe Nam Lý đều không có nhiều hơn 1 hành khách trên xe. “Tâm lý hành khách còn e ngại khi sử dụng phương tiện công cộng trong thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Hơn nữa, theo quy định thì các nhà xe không được đón, trả khách dọc đường. Một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện điểm dịch mới nên lượng khách vào bến hầu như không có”, ông Nguyễn Trường Giang, chủ nhà xe Hoàng Cường chạy tuyến Đồng Hới-Mỹ Đức chia sẻ.
 
Cùng chung “cảnh ngộ”, ông Trương Long Nhật, chủ nhà xe Long Nhật chạy tuyến cố định Quy Đạt-Đồng Hới chia sẻ: “Chúng tôi có 2 xe, xuất phát theo 2 khung giờ khác nhau, 1 xe 16 chỗ và 1 xe 29 chỗ ngồi nhưng chỉ dám chạy xe 16 chỗ để tiết kiệm chi phí. Như anh thấy đó, vài phút nữa sẽ xuất bến nhưng trên xe chỉ duy nhất 1 hành khách và đôi ba thùng hàng. Trong khi đó, giá dầu lại tăng cao. Thời điểm trước khi có dịch, giá mỗi lít dầu khoảng 13 nghìn đồng thì nay đã tăng lên gần 18 nghìn đồng/lít”.
 
Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định các tỉnh, thành phố xác định cấp độ dịch trên địa bàn. Tuy nhiên, việc công bố cấp độ dịch tại các địa phương chưa kịp thời, dẫn đến việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch đối với hoạt động vận tải hành khách, nhất là các vận tải liên tỉnh còn lúng túng.
 
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT, việc kiểm soát hành khách lên, xuống xe dọc đường đối với các tuyến nội, ngoại tỉnh đang gặp nhiều khó khăn; một số phương tiện có tình trạng đón, trả khách không đúng quy định. Mặt khác, quy định việc kiểm soát phương tiện vào, ra tại một vài  địa phương chưa thống nhất.
 
“Theo quy định, hành khách đi xe phải bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Trong khi đó, tại một số tỉnh, lượng người được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin còn thấp, dẫn đến lượng khách tại các tuyến vận tải nội, ngoại tỉnh không cao. Cá biệt có tỉnh, thành phố mặc dù thuộc “vùng xanh” nhưng vẫn không cho phép vận tải hành khách liên tỉnh vào, ra địa phương”, ông Tuấn cho hay.
 
Nguyễn Hoàng

tin liên quan

Doanh thu gần 3 tỷ đồng trong ngày đầu mở bán vé tàu Tết Nhâm Dần

Sáng 16-11, đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thông tin, sau 24h mở bán vé tàu Tết Nhâm Dần (từ 8h sáng ngày 15-11-2021), tổng số vé bán ra 2.243 vé, tương đương doanh thu gần 3 tỷ đồng; trong đó, 21% khách hàng mua vé trực tiếp tại nhà ga, còn lại 79% mua online.

Giá vàng SJC tiếp tục đi lên, tiến sát ngưỡng 61 triệu đồng

Giá vàng trong nước phiên sáng 16-11 tiếp tục tăng, theo đó thương hiệu SJC tại Công ty vàng bạc đá quý lên sát 61 triệu đồng mỗi lượng.

Quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án dùng vốn đầu tư công

Nghị định quy định chi tiết về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công cho dự án, công trình, nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.