Làm giàu trên vùng đất gò đồi

  • 07:05 | Thứ Hai, 15/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chị Trần Thị Hạnh ở thôn Trường Giang, xã Trường Thủy (Lệ Thủy) là một trong những người đi đầu ở địa phương trong việc thực hiện chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cam mật, giống cam đã bị mai một theo thời gian do sự du nhập của các giống cam ngoại lai. Sự bứt phá của chị đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho vùng đất đồi cằn cỗi.
 
Chị Trần Thị Hạnh cho biết: “Năm 2016, tôi đã chuyển đổi 0,5ha đất trồng cây cao su do mưa bão làm gãy đổ sang trồng giống cây cam mật. Đây là giống cam bản địa có nguồn gốc từ xã Hiền Ninh (Quảng Ninh) đã bị mai một được Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh phục hồi.
 
Khởi đầu việc trồng cam cũng vấp phải những khó khăn nhất định, vì cam là loại cây ăn quả đòi hỏi kỹ thuật trồng và quy trình chăm sóc nghiêm ngặt. Nhờ được tham quan học tập các mô hình và được tập huấn kỹ lưỡng về các biện pháp trồng, chăm sóc nên tôi đã nắm vững các đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây cam, từ đó áp dụng vào thực tiễn."
Vườn cam mật của gia đình chị Trần Thị Hạnh.
Vườn cam mật của gia đình chị Trần Thị Hạnh.
Chị Hạnh cho biết thêm: Giống cam mật có ưu điểm là cây khỏe, quả to, vị ngọt thanh thơm đặc trưng nên được nhiều người ưa chuộng. Nắm vững xu hướng và nhu cầu của người tiêu dùng, chị Hạnh đã áp dụng quy trình trồng và chăm sóc theo hướng VietGAP, sử dụng các loại thuốc sinh học, phân hữu cơ để chăm bón cho cây. Từ phòng trừ sâu bệnh, các loại côn trùng đều được thực hiện bằng phương pháp an toàn sinh học để cây cam đạt năng suất, chất lượng cao.
 
Ngoài ra, để chủ động nguồn nước tưới, chị Hạnh đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm lượng nước tưới, bảo đảm cho cây trồng sinh trưởng tốt. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện mô hình này, chị Hạnh chủ yếu sử dụng phân chuồng, các loại lân, đạm đúng tiêu chuẩn, thuốc bảo vệ thực vật cũng dùng các loại thuốc chế phẩm sinh học thể theo đúng quy định sản phẩm VietGAP.
 
Sau 5 năm chăm sóc, vườn cam của chị Hạnh đã cho thu hoạch lứa cam thứ hai. Nhờ chăm sóc đúng quy trình và thời tiết thuận lợi nên 150 gốc cam của chị Hạnh xanh mướt, trĩu quả. Trung bình mỗi cây cho thu hoạch khoảng 50kg quả. Với giá bán dao động từ 15-20 nghìn đồng/kg, mỗi vụ, vườn cam của chị mang lại nguồn thu khoảng 110 triệu đồng.
 
Ông Trần Công Sáu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Thủy cho biết: Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư đã đến khảo sát, lấy mẫu đất đi kiểm tra và quyết định đưa giống cây cam mật vào trồng. Hội Nông dân xã đã phối hợp với trung tâm mở lớp tập huấn cho hội viên, nông dân, nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc cây cam, nên cây cam phát triển rất tốt.
 
"Hiện nay gia đình tôi có gần 1ha trồng tiêu, những năm trước cây tiêu phát triển rất tốt cho thu nhập lợi nhuận ổn định. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay chất lượng cây tiêu phát triển kém đi và lụi dần, vợ chồng tôi dự tính sẽ phát triển thêm cây bưởi da xanh khoảng 300 gốc. Kỹ thuật chăm sóc cây cam cũng gần giống như cây bưởi nên chúng tôi hy vọng cũng sẽ phát triển tốt mô hình này", chị Hạnh chia sẻ. 
 
Qua thực tiễn cho thấy, thổ nhưỡng vùng đất gò đồi xã Trường Thủy rất thích hợp để trồng cam, trồng bưởi trong đó có giống cam mật. Với tính hiệu quả kinh tế cao hơn so với những loại cây trồng khác, cây cam mật đang trở thành loại cây mới trong xu hướng phát triển kinh tế ở xã Trường Thủy không chỉ giúp gia đình chị Trần Thị Hạnh phát triển kinh tế gia đình mà còn góp phần tạo động lực cho rất nhiều hộ dân tại địa phương vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
 
Hiền Phương

tin liên quan

Quốc hội XV: Tạo cú hích giúp địa phương phát triển nhanh, bền vững

Đại biểu Quốc hội đánh giá các nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển là cú hích đẩy mạnh phát triển nhanh, bền vững cho địa phương, qua đó tạo sự lan tỏa vùng, miền.
 

Lúa thơm Quảng Bình

(QBĐT) - Tiến sỹ Nguyễn Xuân Kỳ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình phấn khởi cho biết: "Qua nhiều năm nghiên cứu, chúng tôi đã chọn tạo được một giống lúa mới ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao. Và có thể khẳng định, đây là giống lúa chất lượng nhất, cho gạo thơm ngon, đậm vị nhất của công ty từ trước đến nay. Giống lúa mới này sẽ mang lại hiệu quả cao trong sản xuất cho bà con nông dân Quảng Bình và các tỉnh trong khu vực những vụ mùa tới".

Nghiệp đoàn nghề cá bám biển vươn khơi, bảo vệ chủ quyền biển, đảo

(QBĐT) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngư dân trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trước tình hình đó, các nghiệp đoàn nghề cá (NĐNC) đã luôn "kề vai, sát cánh", động viên đoàn viên, bà con ngư dân khắc phục khó khăn, duy trì khả năng bám biển vươn khơi, phát huy vai trò bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương…