Nhóm cổ phiếu chứng khoán nổi sóng, VN-Index có đỉnh mới

  • 14:31 | Thứ Hai, 15/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Cuối phiên sáng, VN-Index tăng 3,6 điểm lên 1.476,97 điểm. Đây là mức đỉnh cao lịch sử của chỉ số này. Khối lượng giao dịch đạt hơn 649,3 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 18.344,3 tỷ đồng.
 
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)
Cùng chung xu hướng với thị trường chứng khoán châu Á, các chỉ số chứng khoán Việt Nam tiếp tục đi lên trong phiên sáng nay 15-11, qua đó VN-Index lập đỉnh cao mới với mức 1.476,97 điểm.
 
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu chứng khoán không còn mã nào ở chiều giảm giá, duy nhất chỉ có PHS đứng ở mốc tham chiếu. Tất cả các mã chứng khoán còn lại đều ở chiều tăng giá; trong đó, nhiều mã tạm dừng phiên sáng trong sắc tím.
 
Cụ thể, TVB, TVS, VIG, DSC, BMS, ART, APS, APG, AGR tăng hết biên độ lên giá trần. Các mã trụ cột trong nhóm như: VND tăng 2,6%, SSI và HCM tăng 4%, BVS tăng 5,5%, VDS và CTS tăng 6%, MBS tăng 6,2%, SHS tăng 7,9%.
 
Thực tế, quý 3 và 9 tháng năm 2021, doanh nghiệp chứng khoán có mức tăng trưởng rất ấn tượng. Nhiều công ty đạt được lợi nhuận kỷ lục nhờ diễn biến sôi động của thị trường.
 
Trong vòng 10 tháng năm 2021, nhà đầu tư cá nhân đã mở mới tới hơn 1 triệu tài khoản chứng khoán, cao hơn cả 4 năm trước đó, từ năm 2017-2020 cộng lại.
 
Với đà tăng của thị trường, cùng thanh khoản thường xuyên ở mức tỷ USD như hiện nay, có thể quý 4, các công ty chứng khoán tiếp tục đạt mức tăng trưởng lớn về doanh thu và lợi nhuận.
 
Sáng nay, sắc xanh cũng chiếm ưu thế tại nhóm cổ phiếu ngân hàng. Các mã ABB, ACB, BAB, BVB, CTG, HDB, KLB, LPB, MBB, MSB, NAB, SGB, SHB, TPB, VAB, VBB và VIB ở chiều tăng giá. Ở chiều giảm giá có VPB giảm 1,2%, OCB giảm 1,1%. Các mã VCB, TCB, STB, SSB, EIB và BID chỉ giảm nhẹ dưới 1%.
 
Nhóm cổ phiếu dầu khí diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen. Cụ thể, ở chiều giảm giá có BSR, PVB và PVS. Ở chiều tăng giá có PLX, PVT, PVC và PVD.
 
Nhóm cổ phiếu VN30 cũng diễn biến phân hóa khi có 15 mã tăng giá và 14 mã giảm giá, 1 mã đứng ở tham chiếu.
 
Nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục tăng tốc. Nhiều mã tăng trần trong nhóm này như: AMD, CEO, FLC, FID, HQC, KHG, LDG, LGL, NBB, PTL, QCG, VGV.
 
Cuối phiên sáng, VN-Index tăng 3,6 điểm lên 1.476,97 điểm. Đây là mức đỉnh cao lịch sử của chỉ số này. Khối lượng giao dịch đạt hơn 649,3 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 18.344,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 253 mã tăng giá, 201 mã giảm giá và 40 mã đứng giá.
 
HNX-Index tăng 4,62 điểm lên 446,25 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 122 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 3.080,7 tỷ đồng. Toàn sàn có 148 mã tăng giá, 100 mã giảm giá và 105 mã đứng giá.
 
UPCOM-Index tăng 0,68 điểm lên 111,34 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 95 triệu đơn vị, tương ứng 1.952,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 238 mã tăng giá, 102 mã giảm giá và 554 mã đứng giá.
 
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay đã trở lại bán ròng sau phiên mua ròng trước đó (12-11). Cụ thể, khối ngoại bán ròng 277,37 tỷ đồng trên HOSE; 61,4 tỷ đồng trên HNX và chỉ mua ròng 5,09 tỷ đồng trên UPCOM.
 
Tại châu Á, các thị trường chứng khoán tăng trong phiên 15-11 theo đà tăng của các chỉ số chứng khoán Mỹ, dù các nhà đầu tư lo ngại về một loạt các số liệu kinh tế của Trung Quốc.
 
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,75% lên 29.830,82 điểm, khi số liệu cho thấy kinh tế nước này trong quý 3/2021 giảm mạnh hơn dự kiến, điều có thể làm tăng khả năng các biện pháp kích thích sẽ được tăng cường.
 
Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tiếp tục đà tăng phiên thứ tư, với mức tăng 0,43% lên 25.437,99 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,11% lên 3.542,9 điểm.
 
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,55 lên 2.985,23 điểm./.
 
Theo Văn Giáp (TTXVN/Vietnam+)
 

tin liên quan

Làm giàu trên vùng đất gò đồi

(QBĐT) - Chị Trần Thị Hạnh ở thôn Trường Giang, xã Trường Thủy (Lệ Thủy) là một trong những người đi đầu ở địa phương trong việc thực hiện chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cam mật, giống cam đã bị mai một theo thời gian do sự du nhập của các giống cam ngoại lai. Sự bứt phá của chị đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho vùng đất đồi cằn cỗi.
 

Nội dung chính và các cam kết quan trọng của Hiệp ước khí hậu Glasgow

Hiệp ước khí hậu Glasgow thúc giục các nước phát triển đến năm 2025 tăng ít nhất gấp đôi tài trợ thích ứng với biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển so với mức năm 2019.
 

Quốc hội XV: Tạo cú hích giúp địa phương phát triển nhanh, bền vững

Đại biểu Quốc hội đánh giá các nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển là cú hích đẩy mạnh phát triển nhanh, bền vững cho địa phương, qua đó tạo sự lan tỏa vùng, miền.