Chủ động phòng, chống dịch từ... cảng cá

  • 07:04 | Thứ Ba, 16/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trước tình hình tàu cá đánh bắt ngoại tỉnh trở về địa phương ngày càng nhiều, đặc biệt là tàu cá từ cảng Thọ Quang (TP. Đà Nẵng) và những “vùng đỏ”, Ban Quản lý (BQL) cảng cá Quảng Bình đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất.
 
Cảng cá Nhật Lệ (phường Phú Hải, TP. Đồng Hới) có nhiều tàu, thuyền trong và ngoài tỉnh thường xuyên ra vào thu mua, buôn bán hải sản. Cảng cũng là đầu mối phân phối hải sản đến các chợ trong toàn tỉnh và là nơi cung ứng các dịch vụ hậu cần cho tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Chính vì vậy, cảng cá Nhật Lệ luôn tập trung đông đúc người lao động làm việc, sinh sống và kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá.
 
Ông Lê Thế Lực, Trưởng cảng cá Nhật Lệ cho biết, ngày 7-11-2021, tàu DNA91053 của ông Mai Đăng Dương, ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng) làm thủ tục nhập cửa Nhật Lệ. Tàu này xuất bến từ cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) ngày 30-10-2021, đánh bắt khu vực biển Quảng Bình, Quảng Trị, trong thời gian 8 ngày.
 
Ngay sau khi nhận được thông tin, tổ kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 cửa sông Nhật Lệ đã tiến hành điều tra dịch tễ, lấy mẫu test nhanh 10 thuyền viên và chủ tàu (có 8 thuyền viên ở xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) và xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới).
 
Các thuyền viên trên tàu đều đã tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19 và kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Sau khi hoàn tất các thủ tục, tổ kiểm soát đã thông báo cho chính quyền các địa phương liên quan nắm tình hình kiểm tra, giám sát dịch tễ các thuyền viên.
 
Lực lượng chức năng kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế người lao động trước khi vào cảng cá Nhật Lệ.
Lực lượng chức năng kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế người lao động trước khi vào cảng cá Nhật Lệ.
Sau khi chuyển trạng thái phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, số lượng tàu thuyền, phương tiện và người ra vào cảng rất lớn. Theo số liệu thống kê từ BQL cảng cá Quảng Bình, từ ngày 1-10 đến 10-11-2021, có 124 tàu cập cảng/725 lượt thuyền viên, 515 xe ô tô, 4.173 xe máy, 6.371 lượt người ra vào cảng cá Nhật Lệ. Lực lượng chức năng đã test nhanh 906 trường hợp, kết quả đều âm tính với SARS-CoV-2.
 
Để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, BQL cảng cá Quảng Bình đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, như: Bố trí lực lượng tham gia các chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại các cảng cá, cửa sông cùng với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng. Tại cảng cá Nhật Lệ có 2 tổ kiểm soát phòng, chống dịch (1 tổ ở cửa sông Nhật Lệ và 1 tổ ở cảng cá Nhật Lệ). Các tổ viên thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bà con ngư dân, các hộ mua, bán hải sản tuân thủ quy định phòng, chống dịch, nhất là việc đeo khẩu trang, khử khuẩn và giữ khoảng cách…
 
Cảng cá Nhật Lệ hiện có 62 người dân, chủ yếu là ngư dân trông coi tàu cá, các hộ kinh doanh hải sản, dịch vụ hậu cần và cán bộ, công nhân viên trực cảng. Tất cả người dân ở lại cảng đều đã được tiêm 1 mũi vắc-xin và hàng tháng đều được test nhanh, kiểm tra thân nhiệt. Ngoài ra, BQL cảng các còn phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ các tàu thuyền làm thủ tục nhanh, bốc dỡ hàng hóa khẩn trương, sớm rời cảng để tránh tập trung đông lượng tàu và người.
 
Ông Đặng Thuyên, Giám đốc BQL cảng cá Quảng Bình cho biết, toàn tỉnh hiện có 2 cảng cá (cảng cá Nhật Lệ và cảng cá Sông Gianh) và 3 khu neo đậu tránh trú bão (KNĐTTB) (Nhật Lệ, cửa Gianh và Roòn). Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP và các quyết định của UBND tỉnh về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, BQL cảng cá Quảng Bình đã chỉ đạo các cảng cá, KNĐTTB thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới với nguyên tắc tạo điều kiện cho người dân sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn bảo đảm công tác phòng, chống dịch an toàn, hiệu quả.
 
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết: “Ngành NN, lực lượng chức năng và các địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động tại các cảng cá, KNĐTTB trên địa bàn tỉnh. Để công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cảng cá, KNĐTTB an toàn, hiệu quả, phù hợp với tình hình mới, Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo các cảng cá phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ đội Biên phòng, các tổ kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 ở các khu vực cửa sông...”.

Tại cảng cá Sông Gianh công tác phòng, chống dịch cũng được triển khai nghiêm túc, chặt chẽ. Ông Nguyễn Trung Sơn, Phó Giám đốc BQL cảng cá Quảng Bình, Trưởng cảng cá Sông Gianh cho biết, các lực lượng chức năng đã thành lập 2 tổ kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại cảng Gianh và KNĐTTB cửa Gianh với 32 thành viên.

Từ ngày 26-9 đến 8-11-2021, các tổ kiểm soát ghi nhận có 2.510 người và 435 phương tiện, 314 tàu (12 tàu ngoại tỉnh) ra vào cảng cá Sông Gianh và KNĐTTB cửa Gianh; trong đó, đã test nhanh 80 trường hợp đều âm tính với SARS-CoV-2. Tại cảng cá và KNĐ hiện có 35 cơ sở, hộ kinh doanh và hơn 420 người đăng ký làm việc.
 
Nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, lực lượng quản lý cảng đã tăng cường các biện pháp quản lý, phòng dịch, nhất là kiểm tra chặt về phương tiện và người xuất nhập bến, người hoạt động trong khu vực cảng.
 
Ông Nguyễn Văn Chung, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Chung Thảo cho hay: “Công ty có 15 lao động làm việc thường xuyên tại KTĐTTB cửa Gianh. Người lao động ra vào cảng, làm việc tại xưởng đều phải đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, bảo đảm giãn cách. Công ty luôn quán triệt đến người lao động phải thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch của BQL cảng cá và lực lượng chức năng, không được lơ là chủ quan”.
 
Lan Chi-Thanh Hoa
 

tin liên quan

Làm giàu trên vùng đất gò đồi

(QBĐT) - Chị Trần Thị Hạnh ở thôn Trường Giang, xã Trường Thủy (Lệ Thủy) là một trong những người đi đầu ở địa phương trong việc thực hiện chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cam mật, giống cam đã bị mai một theo thời gian do sự du nhập của các giống cam ngoại lai. Sự bứt phá của chị đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho vùng đất đồi cằn cỗi.
 

Nội dung chính và các cam kết quan trọng của Hiệp ước khí hậu Glasgow

Hiệp ước khí hậu Glasgow thúc giục các nước phát triển đến năm 2025 tăng ít nhất gấp đôi tài trợ thích ứng với biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển so với mức năm 2019.
 

Nhóm cổ phiếu chứng khoán nổi sóng, VN-Index có đỉnh mới

Cuối phiên sáng, VN-Index tăng 3,6 điểm lên 1.476,97 điểm. Đây là mức đỉnh cao lịch sử của chỉ số này. Khối lượng giao dịch đạt hơn 649,3 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 18.344,3 tỷ đồng.