Lưu giữ bài thuốc cổ truyền

  • 13:06 | Thứ Ba, 23/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với nguồn dược liệu phong phú mà thiên nhiên ban tặng, đồng bào dân tộc Chứt ở tỉnh Quảng Bình đã tạo ra nhiều bài thuốc nam quý được lưu truyền qua bao thế hệ. Tuy nhiên, trước thực trạng y học cổ truyền đang dần bị “phai nhạt”, những người trẻ không còn “mặn mà” với việc theo nghề làm thuốc nam của cha ông để lại, ông Đinh Tự Trọng (thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa), người con của đồng bào dân tộc Chứt đã quyết định đầu tư phát triển những bài thuốc này thành các sản phẩm đặc trưng riêng có của quê hương.
 
Lưu giữ bài thuốc quý
 
Tại Quảng Bình, dân tộc Chứt hiện sinh sống chủ yếu trên địa bàn các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa và Bố Trạch. Trước đây, cuộc sống của đồng bào phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên, nên khi đau ốm, bệnh tật, người Chứt cũng tự tìm lấy những cây lá trên rừng để chữa trị. Lâu dần, những cách chữa trị bệnh đó đã trở thành bài thuốc cổ truyền riêng có.
 
Chị Phan Thị Linh Giang, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Thảo Mộc Nhân Sơn Dược (thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa), con dâu ông Đinh Tự Trọng cho biết, dược liệu cổ truyền của người dân tộc Chứt nổi tiếng và phổ biến nhất là cây cỏ máu. Nhờ những bài thuốc từ cỏ máu, phụ nữ người Chứt chỉ sau sinh vài ngày đã phục hồi sức khỏe nhanh chóng.
 
Cùng với cây cỏ máu, dân tộc Chứt còn có nhiều bài thuốc nam rất hiệu quả trong điều trị bệnh xương khớp, xoang, trĩ, dạ dày, viêm gan… Những bài thuốc thảo dược của người Chứt dần được nhiều người dân trên địa bàn huyện Minh Hóa và các vùng lân cận biết đến, sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay, thế hệ trẻ không còn “mặn mà” với việc theo học nghề làm thuốc nam cổ truyền của cha ông để lại.
 
Mô hình trồng và khôi phục cây dược liệu của Công ty TNHH Thảo Mộc Nhân Sơn Dược.
Mô hình trồng và khôi phục cây dược liệu của Công ty TNHH Thảo Mộc Nhân Sơn Dược.
Trăn trở trước nguy cơ nghề thuốc nam cổ truyền của dân tộc bị mai một, chị Phan Thị Linh Giang cùng với bố chồng là ông Đinh Tự Trọng đã quyết định tìm đến các gia đình làm thuốc nam trong Hội Đông y của huyện Minh Hóa để tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn các bài thuốc cổ truyền này. Tháng 10-2019, ông Trọng và chị Giang quyết định thành lập Công ty TNHH Thảo Mộc Nhân Sơn Dược do ông Trọng làm giám đốc.
 
Ông Đinh Tự Trọng chia sẻ: “Là người con của dân tộc Chứt, trước nguy cơ phương thuốc quý của dân tộc bị mai một, tôi cảm thấy mình cần có trách nhiệm góp sức duy trì và bảo tồn. Việc thành lập công ty là mong muốn của tôi và gia đình để gìn giữ những bài thuốc nam của dân tộc, giới thiệu cho người dân trên khắp mọi miền đất nước biết đến”.
 
Phát triển sản phẩm đặc trưng
 
Ngay sau khi thành lập, Công ty TNHH Thảo Mộc Nhân Sơn Dược đã sản xuất dược liệu dạng thô để bán. Cùng với đó, công ty đã bắt tay vào nghiên cứu, sản xuất sản phẩm An não Nhân Sơn Dược. Đây là sản phẩm được sản xuất dạng viên nén, chiết xuất từ một số thảo dược quý, như: Cỏ máu, đinh lăng, nhân sâm, nhân trần, bạch quả… có tác dụng hỗ trợ hoạt huyết, tăng cường tuần hoàn máu, giúp cải thiện các triệu chứng thiểu năng tuần hoàn và giảm nguy cơ di chứng sau tai biến do tắc mạch.
 
Chị Phan Thị Linh Giang cho hay: “An não Nhân Sơn Dược là 1 trong số gần 20 nhãn hiệu nam dược do công ty sản xuất, phân phối trong hơn 3 năm qua, tiền thân là sản phẩm tiền đình Nhân Sơn Dược có dạng thuốc thô. Đây là sản phẩm đầu tiên được áp dụng khoa học công nghệ hiện đại nhằm giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian, công sức để hỗ trợ cải thiện sức khỏe. Sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận của Bộ Y tế về an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận GMP”.
 
Với chất lượng được khẳng định, các sản phẩm của công ty đã được khách hàng tin tưởng đón nhận. Sản phẩm không chỉ phân phối trong tỉnh mà còn được tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đắk Lắk…
 
Ông Đinh Quang Sự, Phó Chủ tịch Hội Đông y huyện Minh Hóa cho biết: "Hiện nay, thuốc nam được dùng khá phổ biến trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân bởi có hiệu quả cao và ít tác dụng phụ. Hoạt động sưu tầm, nghiên cứu và sản xuất các bài thuốc nam của Công ty TNHH Thảo Mộc Nhân Sơn Dược được Hội Đông y huyện Minh Hóa chúng tôi động viên, ủng hộ phát triển. Ngoài việc góp phần gìn giữ, phát huy bài thuốc cổ truyền của dân tộc, những bài thuốc của công ty sẽ giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn trong việc chăm sóc sức khỏe".
 
Hiện nay, ngoài việc sản xuất thuốc, công ty còn triển khai mô hình sản xuất và khôi phục một số cây dược liệu tại xã Yên Hóa (Minh Hóa). Mô hình trồng trên diện tích 1ha với các loại dược liệu, như: Kim ngân hoa, hà thủ ô đỏ… để đánh giá khả năng thích nghi, từ đó, tạo thêm đối tượng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao.
 
Dù mới thành lập được hơn 3 năm nhưng với sự năng động, nỗ lực và tâm huyết của ban giám đốc cùng đội ngũ cán bộ, nhân viên, công ty bước đầu đã góp phần gìn giữ, phát triển và quảng bá bài thuốc nam cổ truyền của dân tộc Chứt. Công ty đã tạo việc làm cho khoảng 10 lao động sản xuất dược liệu, với mức lương từ 3-7 triệu đồng/người/tháng, phát triển hàng chục đại lý phân phối sản phẩm. Doanh thu hàng năm của công ty đạt trên 500 triệu đồng. Năm 2020, công ty vinh dự được Hội Nam y Việt Nam biểu dương là một trong những doanh nghiệp sản xuất thuốc nam tiêu biểu.
 
Hiện nay, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của công ty. Ông Đinh Tự Trọngcho biết: “Trước tình hình khó khăn chung, công ty chúng tôi vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh, chăm sóc khách hàng thân thiết, thích ứng với tình hình mới để ứng phó với dịch bệnh, giảm thiểu tổn thất để duy trì hoạt động”.
 
Ông Đinh Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa cho biết: "Với việc sản xuất các sản phẩm từ bài thuốc nam cổ truyền của dân tộc Chứt, Công ty TNHH Thảo Mộc Nhân Sơn Dược đã tạo thu nhập cho người dân địa phương thông qua việc thu mua các sản phẩm dược liệu khô do người dân cắt, hái trong tự nhiên. Hàng năm, vào lễ hội Rằm tháng Ba Minh Hóa, công ty trưng bày, giới thiệu sản phẩm của mình, được nhiều người quan tâm, tạo thêm sự phong phú, đa dạng cho sản phẩm của địa phương".
 
Lê Mai

tin liên quan

Kỳ vọng từ những bến cá

(QBĐT) - Từ nguồn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh sau sự cố môi trường biển, huyện Lệ Thủy đã đầu tư 45 tỷ đồng để xây dựng 15 bến cá kết hợp với dịch vụ hậu cần nghề cá tại xã Ngư Thủy Bắc và xã Ngư Thủy. Việc xây dựng các bến cá kỳ vọng sẽ giúp cho ngư dân thuận lợi hơn trong việc mua bán, vận chuyển cá từ thuyền lên bờ cũng như cất giữ thuyền tránh trú bão.

Kết nối du lịch hướng đến thị trường Hàn Quốc

(QBĐT) - Nhằm khởi động du lịch quốc tế và đường bay giữa miền Trung Việt Nam và Hàn Quốc, ngày 22-11, ngành du lịch các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, TP. Đà Nẵng phối hợp tổ chức hội thảo trực tuyến hướng đến thị trường Hàn Quốc năm 2021.

Phục hồi và thúc đẩy tăng trường ngành du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đến năm 2022

(QBĐT) - Ngày 19-11-2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 327/KH-UBND Phục hồi và thúc đẩy tăng trường ngành du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đến năm 2022.