Nén Hoa Thuỷ và hành trình vươn xa

  • 13:02 | Thứ Hai, 22/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khoảng 10 năm trở lại đây, xã Hoa Thủy (Lệ Thủy) tập trung phát triển diện tích trồng nén tại vùng gò đồi. Để hạt nén Hoa Thủy vươn xa, các cấp chính quyền và người dân đang nỗ lực để sản phẩm sớm được công nhận OCOP cấp tỉnh.
 
Hiệu quả từ cây nén
 
Trước đây, vùng gò đồi xã Hoa Thủy được bà con trồng bạch đàn, keo tràm, cao su nhưng ít mang lại giá trị kinh tế. Thời điểm đó, mỗi hộ dân trong vùng chỉ trồng một phần nhỏ diện tích nén để làm gia vị hàng ngày. Qua thời gian, cây nén hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên bà con mở rộng thêm diện tích trồng, làm hàng hóa bán cho các đầu mối chợ trên địa bàn.
 
Thấy được triển vọng của cây nén, chính quyền địa phương đã vận động bà con tập trung chuyển đổi đất gò đồi sang trồng nén. Đến nay, toàn xã Hoa Thủy có trên 40ha đất trồng nén ở các thôn: Thượng Xá, Phước Vinh và Xuân Sơn với khoảng 350 hộ trồng.
 
Cây nén giúp nhiều hộ dân xã Hoa Thủy thoát nghèo.
Cây nén giúp nhiều hộ dân xã Hoa Thủy thoát nghèo.
Cây nén thường trồng từ tháng 7 đến tháng 10 là cho thu hoạch nén lá và đến tháng 1 năm sau thì thu hoạch nén củ. Bà Võ Thị Hỏn, thôn Thượng Xá, xã Hoa Thủy chia sẻ: “Trước đây, vườn đồi của tôi trồng bạch đàn nhưng chẳng lời lãi được bao nhiêu. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, tôi chuyển qua trồng nén, cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần”. Nhà bà Hon trồng 4 sào nén, mang lại thu nhập mỗi năm từ 70-80 triệu đồng, lãi đạt từ 35-40 triệu đồng. Theo bà Hỏn, trồng nén không khó, thời gian trồng, chăm sóc và thu hoạch lại vào lúc nông nhàn nên bà con có thể kết hợp trồng nén với làm các công việc khác.
 
Gia đình chị Trần Thị Tương, thôn Thượng Xá, xã Hoa Thủy trồng 6 sào nén trên vùng đất gò đồi cũng đã cho hiệu quả kinh tế cao. Chị Tương tâm sự: “Khi mới trồng nén, tôi và bà con gặp một số khó khăn do thiếu kinh nghiệm chăm sóc, thị trường tiêu thụ hẹp. Nhưng sau đó, chúng tôi đã được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cán bộ xã đến hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, quảng bá và giới thiệu sản phẩm nên năng suất và giá nén ngày càng được nâng lên”.
 
Trung bình mỗi năm, gia đình chị Tương thu được từ 110-120 triệu đồng/6 sào nén. Hiện nay, chị bán nén lá tại vườn 20.000 đồng/kg; nén củ thì ra Tết mới thu hoạch, bình thường bán khoảng 50.000 đồng/kg, có thời điểm giá tăng trên 100.000 đồng/kg.
 
Ông Võ Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy cho biết: “Cây nén đã giúp cho nhiều hộ dân ở xã Hoa Thủy thoát nghèo lại có nguồn thu nhập khá. Bình quân mỗi ha nén ở đây cho thu nhập từ 370-400 triệu đồng, giá trị gấp nhiều lần so với trồng lúa cũng như các loại cây trồng khác. Cây nén đang làm hồi sinh đất đồi, hoang hóa ở xã Hoa Thủy và trở thành loại cây “giảm nghèo” cho người dân nơi đây”.
 
Xây dựng thương hiệu cho hạt nén
 
Bà Phạm Thị Tám, Tổ trưởng THT trồng nén Hoa Thủy cho biết thêm, sắp tới, THT sẽ đầu tư mua máy móc để sơ chế, bảo quản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nén hạt. Khi chất lượng nén được nâng lên, THT tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nạp thêm hội viên để mở rộng quy mô sản xuất. Mới đây, huyện Lệ Thủy cũng đã đánh giá sản phẩm nén hạt của THT và hoàn chỉnh hồ sơ gửi đánh giá OCOP cấp tỉnh.
Để hạt nén Hoa Thủy vươn xa, UBND xã Hoa Thủy cũng đã cho thành lập tổ hợp tác (THT) trồng nén tại thôn Thượng Xá. Mục đích của THT là liên kết người trồng nén để xây dựng thương hiệu “Nén sạch Thượng Vinh”.
 
Đến nay, THT đã phát triển lên 36 thành viên, trung bình mỗi thành viên có khoảng 5 sào đất trồng nén. Các thành viên trong THT cũng được hỗ trợ tập huấn khoa học kỹ thuật, giám sát quá trình sản xuất và ký cam kết tiêu thụ sản phẩm có giá cao hơn giá thị trường.
 
Bà Phạm Thị Tám, Tổ trưởng THT trồng nén Hoa Thủy cho biết: “Trong quá trình trồng, THT thường xuyên hướng dẫn, giám sát quy trình sản xuất của các thành viên từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch cho đến phân loại, phơi khô, bảo quản đúng quy trình”. Hiện các sản phẩm nén lá và nén hạt Hoa Thủy đã được bán trong một số cửa hàng nông sản sạch của huyện Lệ Thủy, các tỉnh phía Nam và hàng chục nhà hàng lớn trong và ngoài tỉnh.
 
Tuy các sản phẩm từ nén của xã Hoa Thủy đã có bao bì, nhãn mác nhưng lại chưa có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, tem truy xuất nguồn gốc nên vẫn còn khó khăn trong tiếp cận thị trường. Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết: “Chúng tôi đang hỗ trợ địa phương xây dựng thương hiệu để sản phẩm sớm đạt OCOP cấp tỉnh, xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ bà con làm nhãn mác, bao bì, kỹ thuật trồng, chăm sóc, đưa sản phẩm nén hạt giới thiệu tại các hội chợ. Sắp tới, huyện sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ để bà con mua phân bón, làm tem truy xuất nguồn gốc, thành lập website…".
 
Xuân Vương

tin liên quan

Minh Hóa: Phát huy vai trò của cấp ủy Đảng trong hoạt động tín dụng chính sách

(QBĐT) - Sau gần 7 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH), hoạt động TDCS trên địa bàn huyện Minh Hóa đã "tiếp sức" cho hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Mật ong Nghĩa Ninh

(QBĐT) - Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Nghĩa Ninh, TP. Đồng Hới đã đầu tư phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Đây là mô hình mới góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương theo hướng nông nghiệp bền vững, tạo công ăn việc làm, giúp người dân tận dụng thời gian nhàn rỗi, cải thiện thu nhập.

Không để thiếu hàng, 'sốt giá' dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần

Bộ Công Thương lưu ý các địa phương không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.