Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

  • 08:19 | Thứ Sáu, 19/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với mục tiêu đồng hành cùng xã miền núi Kim Thủy (Lệ Thủy) xóa đói, giảm nghèo, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số có việc làm, tăng thu nhập.
 
Nhiều mô hình thiết thực
 
Một ngày đầu đông se lạnh, chúng tôi có dịp đến với bản An Bai, xã miền núi Kim Thủy. Đường vào bản tuy còn gập ghềnh, khúc khuỷu nhưng hai bên đường đã được phủ xanh bởi những cánh rừng, những triền ngô xanh ngát. Và đổi thay lớn nhất ở bản làng này chính là sự đổi mới trong tư duy làm kinh tế, xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả.
 
Vợ chồng anh Hồ Văn Sửu đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ, anh hồ hởi khoe: “Đàn dê của gia đình tôi đã đẻ thêm được 5 con dê con rồi! Đây là lần đầu tiên tôi biết cách nuôi dê đúng kỹ thuật, làm gì để đàn dê sinh trưởng, phát triển tốt. Tôi mừng lắm, cảm ơn cán bộ nông nghiệp rất nhiều!”.
 
Gia đình chị Hồ Thị Lý (bản Chuôn, xã Kim Thủy) được hỗ trợ con giống để chăn nuôi, phát triển kinh tế.
Gia đình chị Hồ Thị Lý (bản Chuôn, xã Kim Thủy) được hỗ trợ con giống để chăn nuôi, phát triển kinh tế.
Gia đình anh Hồ Văn Sửu là 1 trong 3 hộ gia đình ở bản An Bai và bản Hà Lẹc của xã Kim Thủy được Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KNKN) tỉnh hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi dê sinh sản. Mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 8 con dê cái và 1 con dê đực. Trước khi hỗ trợ con giống cho các hộ dân, Trung tâm KNKN tỉnh đã tổ chức tập huấn hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh…; đồng thời cử cán bộ kỹ thuật bám sát, hỗ trợ các hộ trong quá trình chăm sóc. Hiện tại, đàn dê của các hộ dân đều đã sinh thêm lứa dê mới.
 
Anh Sửu chia sẻ: “Sau khi được cán bộ hướng dẫn quy trình chăm sóc đàn dê, gia đình tôi đã xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, bảo đảm môi trường. Ngoài chăn thả dê cho ăn thức ăn tự nhiên, tôi còn bổ sung thêm các loại lá cây để đàn dê có đủ dinh dưỡng. Chuồng trại được làm cao ráo, chắc chắn, đủ ấm vào mùa đông. Từ sự hỗ trợ của cán bộ nông nghiệp, tôi đã có thêm kiến thức, kỹ thuật trong chăn nuôi. Thời gian tới, tôi sẽ mua thêm giống để phát triển mô hình nuôi dê sinh sản, xem đây là hướng phát triển kinh tế bền vững của gia đình”.
 
Cách không xa bản An Bai là bản Chuôn. Đời sống của người dân ở bản Chuôn cũng còn gặp nhiều khó khăn như những bản làng khác của xã Kim Thủy. Thiếu đất sản xuất, người dân ở đây chỉ biết dựa vào rừng và các sản vật của rừng để kiếm sống qua ngày. Để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, Trung tâm KNKN tỉnh đã xây dựng các mô hình: Trồng mít ruột đỏ, khoai môn, nuôi ngan đen… tại bản Chuôn.
 
Chị Hồ Thị Lý, bản Chuôn chia sẻ: “Tham gia mô hình, tôi được hỗ trợ 35 con ngan giống, thức ăn, thuốc thú y… và được hướng dẫn kỹ thuật nuôi trong suốt quá trình nuôi. Nuôi ngan hiệu quả kinh tế hơn các con vật khác vì sau vài tháng là có thể xuất bán. Đặc biệt, giống ngan đen được nhiều người dân ưa chuộng, không phải lo về khâu tiêu thụ. Hiện tại, đàn ngan của gia đình tôi sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến gần một tháng nữa có thể xuất bán. Từ những kim nghiệm đã học được, tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình nuôi ngan đen để phát triển kinh tế gia đình”.
 
Hướng đến sinh kế bền vững
 
Năm 2021, Trung tâm KNKN tỉnh đã thực hiện 6 mô hình sinh kế thuộc các lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi trên địa bàn xã Kim Thủy, như: Mô hình trồng 1,5ha khoai môn tại bản Cây Bông, Cồn Cùng và bản Chuôn; trồng 2,5ha mít ruột đỏ tại bản Chuôn và bản Hà Lẹc; trồng 13,5ha rừng gỗ lớn bằng giống keo nuôi cấy mô tại bản Cây Bông, Cồn Cùng, Khe Khế và bản Hà Lẹc; mô hình chăn nuôi dê sinh sản tại bản Hà Lẹc và An Bai; chăn nuôi bò sinh sản tại bản Mít Cát; nuôi ngan đen tại bản Chuôn, Bang và Cây Bông.
 
Từ kiến thức, kỹ thuật đã học được, anh Hồ Văn Sử (bản An Bai, xã Kim Thủy) quyết định mua thêm con giống để phát triển mô hình chăn nuôi bền vững.
Từ kiến thức, kỹ thuật đã học được, anh Hồ Văn Sử (bản An Bai, xã Kim Thủy) quyết định mua thêm con giống để phát triển mô hình chăn nuôi bền vững.
Theo ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm KNKN tỉnh, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện các mô hình sinh kế ở Kim Thủy, trung tâm đã hướng đến những mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương để có thể nhân rộng các mô hình, hướng đến sinh kế bền vững. Trước khi thực hiện, trung tâm đã nhiều lần khảo sát, phối hợp với chính quyền địa phương để có sự thống nhất, chọn ra những mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng và phù hợp với trình độ của người dân. Đến thời điểm hiện tại, các mô hình do Trung tâm KNKN tỉnh thực hiện trên địa bàn xã Kim Thủy đều sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn sẽ mang lại thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
 
Ông Hồ Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Thủy cho biết: “Thời gian qua, Trung tâm KNKN tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Kim Thủy. Nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình, “cầm tay chỉ việc” của cán bộ nông nghiệp, bà con dân bản đã biết trồng cỏ nuôi bò, trồng rừng kinh tế, xây dựng chuồng trại để nuôi ngan, dê… Các mô hình không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân mà còn khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của đồng bào, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới ở địa phương".
 
Ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết, thực hiện chủ trương giúp đỡ các xã miền núi phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đơn vị đã tích cực triển khai xây dựng các mô hình sinh kế giúp người dân xã Kim Thủy phát triển sản xuất. Việc triển khai ở xã Kim Thủy gặp nhiều khó khăn vì điều kiện khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng cũng như dân trí của người dân còn thấp. Chính vì vậy, bên cạnh việc lựa chọn các mô hình phù hợp với người dân, ngành Nông nghiệp còn chú trọng đến công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn để bà con tiếp cận, thực hiện tốt các mô hình. Đến thời điểm hiện tại, các mô hình sinh kế đều phát triển tốt, bước đầu đem lại hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho người dân; là tiền đề để bà con dân tộc thiểu số trong vùng và các địa phương lân cận học hỏi, áp dụng vào sản xuất.
 
Lan Chi

tin liên quan

Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

(QBĐT) - Những năm qua, TX. Ba Đồn đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng của từng địa phương. Việc mạnh dạn chuyển đổi này đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên từng đơn vị diện tích, tăng năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xây dựng phong cách lãnh đạo HTX thời kỳ 4.0

(QBĐT) - Sáng ngày 18-11, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng cán bộ HTX trên địa bàn TP. Đồng Hới và Bố Trạch.

Thay đổi cách tiếp cận, vận hành, phát huy hiệu quả các khu kinh tế, khu công nghiệp

(QBĐT) - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại buổi làm việc với Ban Quản lý Khu Kinh tế (KKT) tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và triển khai nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch xây dựng KKT Hòn La đến năm 2040 vào chiều nay, 18-11.