Mật ong Nghĩa Ninh

  • 07:37 | Thứ Hai, 22/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Nghĩa Ninh, TP. Đồng Hới đã đầu tư phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Đây là mô hình mới góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương theo hướng nông nghiệp bền vững, tạo công ăn việc làm, giúp người dân tận dụng thời gian nhàn rỗi, cải thiện thu nhập.
 
Là một trong những người đầu tiên ở xã Nghĩa Ninh thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật, anh Đặng Văn Trường ở thôn Ba Đa đã gắn bó với nghề hơn 5 năm. Thời gian đầu, do anh thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nên hiệu quả của mô hình chưa cao.
 
Không nản chí, vừa làm vừa học, ngoài những kinh nghiệm tích lũy được, anh Trường tích cực học tập, nghiên cứu qua các phương tiện thông tin đại chúng, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong do xã tổ chức để nâng cao kiến thức. Nhờ chịu khó học hỏi, áp dụng đúng kỹ thuật trong quá trình nuôi nên đàn ong của gia đình anh phát triển tốt. Từ 7 đàn ong đầu tiên, đến nay, anh đã có gần 100 đàn ong lấy mật. Bình quân mỗi năm, gia đình anh thu từ 200-300 lít mật với giá thành 500.00 đồng/lít. Ngoài nuôi ong lấy mật, anh còn nhân đàn để bán ong giống, nâng cao hiệu quả kinh tế. Thu nhập từ bán ong giống và mật ong của gia đình đạt gần 200 triệu đồng/năm.
 
Anh Đặng Văn Trường chia sẻ: “Ưu điểm của nghề nuôi ong là không tốn nhiều diện tích, vốn đầu tư ban đầu không lớn và không tốn nhiều nhân lực. Tuy nhiên, để nuôi ong mật cho hiệu quả cao, người chăn nuôi cần chú trọng đến kỹ thuật nuôi từ khâu chọn giống, chọn địa điểm, tạo ong chúa… cho đến thu hoạch mật.Đặc biệt, người nuôi ong cần phải khéo léo, dày công chăm sóc đàn ong và nhất là sự cần mẫn không ngừng học hỏi”.
 
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi ong lấy mật, nhiều hộ dân trong xã đã chủ động học nghề nuôi ong. Hiện nay, xã Nghĩa Ninh có khoảng 10 hộ gia đình tham gia nghề nuôi ong lấy mật. Trung bình mỗi hộ nuôi từ 10-50 đàn ong, thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, một số hộ cũng đang nuôi nhỏ, lẻ với số lượng từ 3-7 đàn ong và từng bước nhân đàn. Cùng với các nguồn thu nhập từ các ngành nghề khác, nghề nuôi ong lấy mật đã giúp nhiều hộ dân xã Nghĩa Ninh có nguồn thu nhập khá ổn định.
 
Nghề nuôi ong lấy mật giúp người dân cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.
Nghề nuôi ong lấy mật giúp người dân cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.
Ông Đặng Văn Đán, thôn Ba Đa cho biết: “Xã Nghĩa Ninh có lợi thế về diện tích đất rộng, nhiều cây cối, có thể cung cấp đủ nguồn thức ăn để nuôi ong tự nhiên, cho chất lượng mật bảo đảm. Vì thế, nghề nuôi ong của các hộ gia đình ở đây đều cho hiệu quả kinh tế cao”.
 
Theo kinh nghiệm của người nuôi ong nơi đây, chất lượng nguồn mật ong tùy thuộc vào thời gian khai thác mật. Mùa khai thác mật đạt hiệu quả cao nhất, chất lượng mật ngon nhất là vào khoảng tháng 2 đến tháng 4 âm lịch hàng năm. Sản lượng khai thác mật tùy theo lượng đàn, ong khỏe khai thác được nhiều mật hơn, đàn ong yếu và bị bệnh thì không có mật.
 
Để hỗ trợ nhau, các hộ nuôi ong trong xã đã liên kết thành nhóm với gần 20 thành viên. Nhóm thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ong, giúp nhau lúc thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.
 
Đối với một xã thuần nông có hơn 70% dân số làm nông nghiệp như xã Nghĩa Ninh thì phát triển mô hình nuôi ong lấy mật là khá phù hợp. Thực tế cho thấy, nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, ít rủi ro nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, ổn định hơn một số mô hình nông nghiệp khác; đồng thời, có thể tận dụng hết thời gian nông nhàn, tạo thêm việc làm cho lao động.
 
Tuy nhiên, một vấn đề khó khăn đối với nghề nuôi ong ở xã Nghĩa Ninh hiện nay chính là việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Đối tượng khách hàng đa số là mua số lượng nhỏ lẻ để sử dụng hàng ngày và làm quà biếu. Việc tiêu thụ sản phẩm mật ong chủ yếu là do các hộ tự tìm đầu ra, chưa có đơn vị bao tiêu sản phẩm. Mong muốn của người nuôi ong nơi đây là từng bước xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm của mình không chỉ cung cấp cho những khách hàng quen thuộc ở quanh khu vực mà còn hướng đến khách hàng ngoài tỉnh.
 
Ông Đặng Huy Thao, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Ninh cho hay: “Hiện nay, xã Nghĩa Ninh có lực lượng lao động nông nghiệp nhàn rỗi nhiều, UBND xã luôn khuyến khích và đồng hành cùng với bà con trong việc phát triển các ngành nghề truyền thống như nghề nuôi ong. Xã mong muốn các cấp chính quyền thành phố và các ban, ngành liên quan tạo mọi điều kiện để sản phẩm mật ong xã Nghĩa Ninh có được đầu ra ổn định, giúp người dân yên tâm phát triển mô hình, mở rộng sản xuất”.
 
UBND xã Nghĩa Ninh đã xây dựng kế hoạch phát triển mô hình nuôi ong lấy mật, từng bước đưa nghề nuôi ong trở thành một trong những nghề góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương. 
                                                           
       Cái Huệ

tin liên quan

Minh Hóa: Phát huy vai trò của cấp ủy Đảng trong hoạt động tín dụng chính sách

(QBĐT) - Sau gần 7 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH), hoạt động TDCS trên địa bàn huyện Minh Hóa đã "tiếp sức" cho hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Không để thiếu hàng, 'sốt giá' dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần

Bộ Công Thương lưu ý các địa phương không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.
 

Cảnh báo lạm phát quay trở lại ngay đầu năm 2022

Nhiều mặt hàng tăng giá nhưng chưa phản ánh hết vào giá cả hàng hóa vì sức mua đang ở mức thấp. Các biện pháp phục hồi kinh tế phải đo lường, đánh giá tác động đến lạm phát để hạn chế rủi ro.