Ngư dân lao đao vì giá xăng dầu "leo thang"

  • 07:58 | Thứ Bảy, 20/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian gần đây, giá xăng dầu trong nước liên tục “leo thang” khiến hoạt động đánh bắt của ngư dân vốn đã khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lại càng thêm khốn khó. Nhiều tàu cá của ngư dân đã phải nằm bờ.
 
Từ đầu tháng 9 đến nay, giá xăng dầu trong nước đã có đợt tăng thứ 5 liên tiếp khiến nhiều ngư dân phải đắn đo trước mỗi chuyến vươn khơi.
 
Vừa trở về sau chuyến đi biển dài ngày, anh Phạm Văn Hiến, thôn Đức Trung, xã Đức Trạch (Bố Trạch) cho hay, nhiều tháng liền tàu cá của gia đình anh phải nằm bờ do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Anh Hiến vừa mới trở lại đánh bắt được một thời gian thì đúng thời điểm giá xăng dầu tăng, chi phí tăng cao khiến thu nhập bị giảm sút.
 
Theo anh Hiến, trước đây một chuyến ra khơi từ 15-17 ngày hết 6.000 lít dầu, chí phí gần 100 triệu đồng thì nay cũng từng đó lít dầu nhưng chi phí gần 140 triệu đồng. Đợt này, tàu anh Hiến cập cảng được gần 1 tấn mực bán được gần 100 triệu đồng. Số tiền này vừa đủ thanh toán các loại chi phí và trả tiền công cho các bạn thuyền.
 
“Đợt này, tàu tôi gặp may, chứ một số tàu đi về lỗ, không đủ chi phí. Nhiều bạn tàu bỏ không đi biển nữa vì thu nhập quá thấp. Rất mong Nhà nước có sự điều chỉnh kịp thời về giá xăng dầu để ngư dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục vươn khơi bám biển”, anh Hiến chia sẻ.
 
Giá xăng dầu lên cao trong khi giá hải sản lại sụt giảm khiến đời sống của ngư dân gặp nhiều khó khăn.
Giá xăng dầu lên cao trong khi giá hải sản lại sụt giảm khiến đời sống của ngư dân gặp nhiều khó khăn.
Xăng dầu tăng giá, chi phí đi biển tăng cao, nhiều chuyến đi về bị lỗ nên gần 1 tháng nay, anh Phạm Tuyển, thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) phải cho tàu nằm bờ. Anh Tuyển cho biết, trước đây, anh tham gia đánh bắt thủy sản tại vùng biển Hoàng Sa, một chuyến đi tiêu thụ hết 7.000 lít dầu. Mỗi chuyến đi biển riêng chi phí tiền dầu hết hơn 110 triệu đồng, nhưng nay tăng lên hơn 150 triệu đồng. Ngư trường khai thác ngày càng cạn kiệt nên tàu đi biển phải đi xa hơn, dài ngày hơn, dẫn đến phí xăng dầu cũng đội lên.
 
“Hiện nay, chi phí đi biển của mỗi tàu đều tăng từ 40-50 triệu đồng do xăng dầu tăng giá, trong khi giá thu mua hải sản vẫn còn thấp. Đi về lỗ vốn, tiền chia cho bạn thuyền ít hơn nên nhiều người cũng không muốn đi. Hiện, nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ đang tạm nghỉ, riêng trong địa phương phải có hơn 30 tàu công suất lớn nằm bờ. Nếu giá xăng dầu không hạ thì phải ra Tết tôi mới ra khơi đánh bắt trở lại”, anh Tuyển cho hay.
 
Ông Nguyễn Thanh Điệu, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bảo Ninh cho biết: “Nghiệp đoàn nghề cá xã Bảo Ninh có 250 đoàn viên, với 150 tàu đánh cá, có công suất từ 150-800CV. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các tàu cá hoạt động hiệu quả không cao, nhất là khi giá hải sản xuống thấp mà giá xăng dầu tăng cao khiến nhiều tàu vây trên địa bàn nằm bờ. Dự báo thời gian tới số tàu nằm bờ sẽ gia tăng nếu giá nhiên liệu tiếp tục tăng. Do đó, chúng tôi kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm có chính sách bình ổn giá xăng dầu để hỗ trợ ngư dân vươn khơi”.
 
Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Toàn tỉnh hiện có hơn 6.790 tàu thuyền tham gia đánh bắt thủy hải sản, trong đó có hơn 1.200 tàu có chiều dài từ 15m trở lên. Thời gian gần đây, do giá xăng dầu liên tục tăng cao, thiếu bạn thuyền, nguồn lợi thủy sản suy giảm, giá bán thủy sản sau khai thác còn thấp, thời tiết bất lợi…, ước tính, có gần 30% tàu thuyền của ngư dân trong toàn tỉnh tạm thời nằm bờ”.

Xã Cảnh Dương có 650 tàu tham gia đánh bắt thủy hải sản, trong đó tàu đánh bắt xa bờ có 170 chiếc. Theo ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương (Quảng Trạch), nhiên liệu chiếm từ 50-60% chi phí của mỗi chuyến biển. Do đó, khi giá xăng dầu tăng cao, cùng với giá đầu ra thủy sản không ổn định đã tạo áp lực lớn cho hoạt động khai thác hải sản của ngư dân trên địa bàn. Hiện tại, các tàu cá trên địa bàn xã vẫn tham gia khai thác bình thường. Tuy nhiên, số tàu khai thác xa bờ có giảm do thời tiết không thuận lợi, giá thu mua hải sản thấp, lao động không có, giá xăng dầu tăng. Ngoài ra, nhiều tàu thuyền tạm thời nằm bờ do không có bạn thuyền…

“Dù đi biển dịp này lỗ nhưng tôi vẫn bám tàu, bám biển vì nếu không đi biển thì chúng tôi cũng không biết làm gì. Chúng tôi rất mong các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ giúp ngư dân giảm bớt khó khăn trong giai đoạn này”, ngư dân Nguyễn Văn Hiệp, thôn Tân Mỹ, phường Quảng Phúc (TX. Ba Đồn) chia sẻ.
 
Tại cảng cá sông Gianh và khu neo đậu tránh trú bão cửa Gianh, tàu thuyền neo đậu chật kín, nhiều ngư dân không dám ra khơi vì sợ lỗ. Ông Nguyễn Trung Sơn, Phó Giám đốc Ban quản lý cảng cá Quảng Bình, Trưởng cảng cá Sông Gianh cho biết, khoảng 30% số tàu tại khu neo đậu đang trong tình trạng nằm bờ nhiều tháng nay. Trước đây, đến mùa biển, khu neo đậu thường rất vắng, nhưng nay nhiều tàu thuyền vẫn neo đậu. Hiện tại, khu neo đậu có hơn 300 tàu, trong đó gần 150 tàu đang trong tình trạng nằm bờ. Nguyên nhân là do lao động không có, dịch Covid-19 ở một số tỉnh, thành diễn biến phức tạp, giá nhiên liệu tăng, ngư dân nhiều tháng liền đi biển thua lỗ... Ngoài tiền xăng dầu, chủ tàu còn phải gánh các khoản phí, như: Nhân công, tiền thuê dịch vụ hậu cần nên tại cảng vẫn còn nhiều tàu chưa thể vươn khơi.
 
Trước những khó khăn trong việc đánh bắt thủy sản, ngư dân kiến nghị các cơ quan chức năng cần có chính sách bình ổn giá xăng dầu; quan tâm, hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa; tạo điều kiện vay vốn ưu đãi mua sắm phương tiện, ngư lưới cụ… để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.
 
Lan Chi

tin liên quan

Kết nối giao thương qua kênh trực tuyến

(QBĐT) - Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn trong hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), giao thương hàng hóa trên toàn quốc. Trong bối cảnh hạn chế đi lại và tập trung đông người, việc chuyển đổi từ XTTM theo lối truyền thống, trực tiếp sang XTTM trực tuyến là giải pháp tối ưu được Trung tâm Khuyến công và XTTM (Sở Công thương) thực hiện nhằm kết nối phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường, hỗ trợ đầu ra cho hàng hóa, nông sản địa phương.

TX. Ba Đồn: Thúc đẩy phát triển thương mại-dịch vụ

(QBĐT) - TX. Ba Đồn luôn nỗ lực đưa thương mại-dịch vụ (TM-DV), từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân.

Tăng cường xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc

(QBĐT) - Ngày 19-11, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Lào Cai phối hợp với Hội xúc tiến Thương mại TP. Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc tổ chức hội nghị quốc tế ngành hàng xuất khẩu, giao thương trực tuyến và trực tiếp năm 2021.