Mưu sinh với nghề khai thác keo thuê
(QBĐT) - Những năm gần đây, theo chủ trương trồng rừng kinh tế, diện tích cây keo của huyện Minh Hóa không ngừng tăng lên, kéo theo lượng lao động mưu sinh nghề thu hoạch keo thuê ngày càng đông. Tuy vất vả nhưng công việc này mang lại nguồn thu nhập đáng kể, tạo việc làm những lúc nông nhàn cho nhiều lao động địa phương.
Người làm nghề khai thác keo thuê có việc quanh năm, nhưng những ngày trước mùa mưa bão, họ phải đẩy nhanh tiến độ khai thác nên công việc càng gấp rút, vất vả hơn. Mới 6 giờ sáng nhưng đội khai thác keo thuê gồm 20 người của chị Đinh Thị Mỹ Nương ở xã Minh Hóa (Minh Hóa) đã bắt đầu một ngày làm việc. Chị Nương cho biết, sắp đến mùa mưa bão nên chủ thuê yêu cầu đội thợ của chị phải tăng ca cho kịp. Hôm nay, đội thợ của chị Nương được giao việc khai thác rừng keo mà chủ thuê mới mua lại của người dân ở thôn Lạc Thiện, xã Minh Hóa.
Công việc được chủ thuê trọn gói từ cưa, bóc vỏ keo và vận chuyển keo lên xe tải. Để làm thật nhanh, người bóc vỏ keo thường mang theo rựa và cái xỉa để bóc vỏ. Riêng người cưa keo thường mang thêm xăng và dụng cụ mài cưa khi cần thiết. Nghề khai thác keo thuê đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai, vì rất vất vả.
Theo chị Nương, mỗi ngày cả nhóm thợ 20 người làm được khoảng 18-20 tấn gỗ keo. Với tiền công được trả 200 nghìn đồng/tấn keo thì trung bình mỗi người được trả khoảng 130-150 nghìn đồng/ngày. Riêng người làm thợ cưa được trả cao hơn vì công việc đòi hỏi phải có kinh nghiệm và nhanh nhạy hơn.
Với “thâm niên” hơn 5 năm trong nghề, chị Hồ Thị Thon ở xã Trọng Hóa (Minh Hóa) chia sẻ: “Gia đình miềng làm lúa rẫy nên rất bấp bênh. Để có thêm thu nhập nuôi con ăn học, cả 2 vợ chồng cùng làm nghề khai thác keo thuê. Sau mỗi ngày làm việc, cả 2 vợ chồng được trả hơn 300 nghìn đồng tiền công. Khai thác keo là lao động tay chân, ai siêng năng, có sức khỏe, chịu được vất vả thì đều làm được hết”.
Ông Cao Kế Hương, một người chuyên thu mua rừng keo ở huyện Minh Hóa cho biết: “Thu hoạch keo không theo mùa. Hễ khi nào khai thác, các chủ vườn keo mới gọi bán. Công việc thu hoạch keo rất vất vả. Nếu mua được những đồi keo sát đường, đi lại dễ dàng, chúng tôi sẽ giảm bớt chi phí nhân công, vận chuyển. Đối với những vườn keo ở khu vực khó đi lại, muốn khai thác phải mở đường để xe chuyên chở vào nơi gần nhất. Trung bình mỗi đợt thu mua keo tôi phải sử dụng 20-30 lao động. Nếu không có người thu hoạch keo thuê thì những người thu mua rừng trồng như chúng tôi khó mà làm ăn được”.
Theo bà Trương Thị Thanh Bê, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Minh Hóa, toàn huyện hiện có gần 11.000ha rừng trồng, chủ yếu là cây keo, trong đó có 257ha đang đến kỳ khai thác. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện khai thác được hơn 18.000m3 gỗ, trị giá gần 20 tỷ đồng.
Lượng gỗ keo được khai thác lớn không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân trồng rừng kinh tế, mà còn tạo việc làm cho lao động làm nghề khai thác keo thuê. Đặc biệt, trong thời gian tới, khi lực lượng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 từ miền Nam trở về đông, nghề khai thác keo thuê chắc chắn sẽ góp phần giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh cho địa phương.
Phan Phương