Vượt lên gian khó
(QBĐT) - Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 kéo dài đã gây ra rất nhiều khó khăn, trở ngại cho doanh nghiệp cả nước nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói riêng. Từ trong khó khăn ấy, cùng với cơ chế, chính sách kịp thời của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực không ngừng để vượt qua và từng bước khôi phục sản xuất.
Tỉnh Quảng Bình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn. Hậu quả lũ lụt năm 2020 và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) và đời sống nhân dân.
Mặt khác, với việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong phòng chống dịch, hoạt động SXKD của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thua lỗ, đời sống của nhân dân nói chung và công nhân nói riêng gặp nhiều khó khăn; không ít doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, đóng cửa, giải thể và rút khỏi thị trường.
Thống kê của Sở Kế hoạch-Đầu tư cho thấy, tính đến ngày 30-9-2021, trên địa bàn tỉnh có tổng số 7.038 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký là 90.905 tỷ đồng. Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cùng việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nên trong cả quý III-2021, sở chỉ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 100 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 1.597 tỷ đồng (giảm 47% về số lượng và giảm 52% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước).
Tính chung 9 tháng, sở đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 441 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 7.299 tỷ đồng (giảm 12,8% về số lượng và giảm 10,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước). Đáng chú ý, số doanh nghiệp đang hoạt động và có doanh thu chỉ chiếm 55% tổng số doanh nghiệp hiện có.
Rõ ràng, những con số trên cho thấy, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội, ảnh hưởng nặng nề đến SXKD; làm suy giảm, cạn kiệt sức chống chịu của doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ; một bộ phận người lao động phải ngừng việc, dừng hợp đồng lao động không hưởng lương hoặc rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Tuy nhiên, trước những khó khăn, thách thức đó, các doanh nghiệp, doanh nhân đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực để duy trì SXKD, chủ động triển khai nhiều sáng kiến, giải pháp để ổn định, phục hồi sản xuất và đã đạt được kết quả nhất định. Ngay trong thời điểm thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16, để giữ hợp đồng, đơn hàng với đối tác, đồng thời tạo việc làm, thu nhập cho lao động, nhiều doanh nghiệp đã vượt khó, tổ chức phương án sản xuất “3 tại chỗ”, thực hiện “một cung đường hai điểm đến”, cho dù chi phí sản xuất tăng cao vì phải đáp ứng các yêu cầu phòng chống dịch.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng cho biết: Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Căn cứ vào diễn biến dịch bệnh, tỉnh đã có những giải pháp kịp thời, hiệu quả nhằm hỗ trợ, tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư để vượt qua khó khăn, thách thức; tập trung chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Trung ương và của tỉnh, duy trì hoạt động SXKD tại những khu vực bảo đảm an toàn, không để xảy ra những đứt gãy lớn trong hoạt động của doanh nghiệp nói riêng và kinh tế tỉnh nhà nói chung.
Nhờ sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong toàn tỉnh, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh 9 tháng năm 2021 đạt được kết quả tích cực: Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện đến ngày 30-9-2021 đạt 5.047 tỷ đồng, đạt 115% so với dự toán Trung ương giao; đạt 93% dự toán địa phương giao, tăng 26% so cùng kỳ; thu ngân sách từ các doanh nghiệp đạt trên 80%; thu thuế xuất nhập khẩu tăng mạnh, đạt 622 tỷ đồng.
Đặc biệt, hàng hóa bảo đảm nhu cầu sản xuất, sinh hoạt; công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm; đời sống nhân dân ổn định; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Theo Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Lê Thuận Văn, trước những khó khăn, thách thức từ đại dịch, Hội Doanh nghiệp tỉnh đã khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nỗ lực vươn lên. Bên cạnh quyết tâm duy trì SXKD, thực hiện nghĩa vụ ngân sách cho nhà nước, bảo đảm việc làm, thu nhập và các chế độ chính sách cho người lao động, các doanh nghiệp, doanh nhân còn rất tích cực đóng góp xây dựng Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 (với tổng số tiền và hiện vật khoảng 55 tỷ đồng) và các hoạt động nhân đạo từ thiện xã hội khác.
Hiện nay, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát nhưng dự báo vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp vẫn phải tổ chức sản xuất trong trạng thái “bình thường mới” phù hợp với diễn biến dịch bệnh, thực hiện nghiêm túc khuyến cáo "5K" và nhiều biện pháp để vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm SXKD.
Đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ráo riết chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng phương án tổ chức SXKD an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Bình trong điều kiện mới gắn với phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19; ưu tiên tiêm vắc-xin cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp SXKD, HTX, hộ kinh doanh, lao động du lịch.
Tỉnh đẩy mạnh việc rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để có các biện pháp tháo gỡ và tích cực triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ.
Tin tưởng rằng, với những cơ chế, chính sách của Nhà nước trong trạng thái “bình thường mới”, với bản lĩnh, quyết tâm vượt khó và tâm thế sẵn sàng đối mặt với thách thức của những doanh nhân trên mảnh đất “Hai giỏi”, cộng đồng doanh nghiệp Quảng Bình sẽ sớm vượt qua giai đoạn đầy gian khó này, để vững vàng chèo lái con thuyền doanh nghiệp của mình trên những chặng đường phát triển mới. Từ đó, tiếp tục có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội của Quảng Bình trong thời gian tới.
"Với vai trò là tổ chức xã hội-nghề nghiệp đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, Hội Doanh nghiệp tỉnh đã phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc đại diện, tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho 380 doanh nghiệp hội viên. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện nay, hoạt động SXKD của các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, Hội Doanh nghiệp tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện các chính sách hỗ trợ về tín dụng, về thuế cho doanh nghiệp; thanh toán trả nợ các công trình mà doanh nghiệp đã hoàn thành...”, ông Lê Thuận Văn cho biết.
|
Anh Tuấn