Khi nông dân thi đua làm kinh tế giỏi
(QBĐT) - Xác định thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước (TĐYN) là tiền đề quan trọng để phát triển toàn diện, những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong toàn tỉnh đã tập trung đẩy mạnh thực hiện nhiều phong trào thi đua (PTTĐ), đặc biệt là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nông dân điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội, khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo, vượt khó vươn lên làm giàu trên chính đồng đất quê hương.
Không cam chịu đói nghèo, năm 2007, anh Đinh Trọng Lưỡng (thôn Bắc Sơn, xã Sơn Hóa, Tuyên Hóa) đã bắt tay vào xây dựng chuồng trại để thực hiện mô hình nuôi lợn. Ban đầu, vì thiếu vốn nên anh chỉ nuôi 1 con lợn nái và 10 con lợn thịt. Một năm sau đó, với nguồn vốn vay 20 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, anh Lưỡng đã mở rộng mô hình nhằm nâng cao thu nhập.
Anh còn tích cực tìm tòi, học hỏi, nâng cao kiến thức để chăn nuôi hiệu quả. Năm 2012, trang trại của anh được Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện thẩm định và được huyện cấp giấy chứng nhận mô hình đạt tiêu chuẩn trang trại.
Anh Đinh Trọng Lưỡng chia sẻ: Trong quá trình chăn nuôi, anh nhận thấy khó khăn của các chủ trang trại là tìm nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm và đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, anh đã mạnh dạn mở đại lý thức ăn thuộc Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Golden Star phục vụ cho trang trại gia đình và các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã.
Khi đã tích cóp được nguồn vốn khá ổn định, anh tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào chăn nuôi và chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Từ mô hình trang trại chăn nuôi, trừ chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 750 triệu đồng/năm.
Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nhiều người chăn nuôi gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, đàn lợn của gia đình anh Đinh Trọng Lưỡng vẫn phát triển tốt nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp vệ sinh chuồng trại. Anh còn xây dựng 2 hầm khí Biogas để xử lý chất thải chăn nuôi, sử dụng khí để thắp sáng, sưởi ấm cho lợn giống trong mùa lạnh và cho 6 hộ gia đình cùng xóm sử dụng miễn phí khí Biogas làm chất đốt phục vụ sinh hoạt.
Ông Phan Xuân Tuyên, Chủ tịch UBND xã Sơn Hóa cho biết: Anh Đinh Trọng Lưỡng là điển hình về tinh thần vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi của xã. Anh còn nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi giúp cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống.
Cũng giống như anh Đinh Trọng Lưỡng, anh Cao Hồng Bang ở xã Hóa Hợp (Minh Hóa) từng trăn trở tìm cách thoát nghèo. Đến năm 2015, gia đình anh tập trung đầu tư xây dựng chuồng trại, ao hồ để chăn nuôi tổng hợp, kết hợp trồng cây keo lai trên các vùng đồi hoang hóa, cằn cỗi. Thời gian đầu bắt tay vào làm kinh tế, gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi không cao.
Không nản chí, anh Bang tích cực học hỏi, nghiên cứu các tài liệu và rút kinh nghiệm từ thực tế để xây dựng mô hình ngày càng phát triển. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, trang trại của anh ngày càng đi vào hoạt động ổn định, cho thu nhập khá. Khi đã có nguồn vốn, anh tiếp tục đầu tư máy cày, bừa, máy tuốt lúa… phục vụ việc sản xuất của gia đình và tranh thủ cày xới đất thuê cho các hộ dân trong xã nhằm nâng cao thu nhập. Mỗi năm, mô hình đã mang lại cho gia đình anh 450 triệu đồng, trong đó, thu lãi khoảng 200 triệu đồng.
Năng động, sáng tạo, anh Trần Trung Kiên (Tân Thủy, Lệ Thủy) đã vươn lên làm giàu bằng mô hình kinh tế trang trại và thầu thi công các công trình giao thông thủy lợi. Xuất thân từ gia đình nghèo, anh Kiên đã phải trải qua những tháng ngày làm thuê bằng nhiều nghề để mưu sinh. Nhận thấy nhiều nông dân trở thành ông chủ trang trại có thu nhập cao, anh Kiên nuôi quyết tâm phải vươn lên làm giàu chính đáng.
Từ việc nghiên cứu tình hình thực tế địa phương cộng với vốn kiến thức tích lũy được từ thực tế, anh quyết định đầu tư mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi, trồng rừng và mang lại những kết quả khả quan. Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục đầu tư máy móc, phương tiện và nhận thầu thi công các công trình giao thông với quy mô nhỏ. Đến năm 2018, gia đình anh chính thức thành lập Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Nhật Huy. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh còn tận tình giúp đỡ nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn, được người dân địa phương tin cậy, yêu mến.
Ông Trần Tiến Sỹ, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Hội luôn gắn các PTTĐ với thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và tổ chức tốt việc đánh giá, tổng kết công tác TĐKT. Qua các PTTĐ, nhất là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, nhiều nông dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào các lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng mô hình kinh tế hợp tác xã, xây dựng cánh đồng mẫu lớn… để tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, nông dân toàn tỉnh còn giúp nhau xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm ổn định, hỗ trợ vốn, cây, con giống, kiến thức làm ăn... cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn ở các địa phương. Bên cạnh đó, các cấp hội còn chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, đồng thời đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng. Nhờ vậy, chất lượng các PTTĐ ngày càng được nâng cao, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tổ chức hội và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Ghi nhận sự nỗ lực của nông dân trong thực hiện các phong trào TĐYN, Thủ tướng Chính phủ đã tặng bằng khen cho 13 cá nhân của tỉnh Quảng Bình có mô hình sản xuất hiệu quả, ổn định, giúp đỡ hộ nông dân và tạo việc làm cho người lao động, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. |
Nh. V