Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Vị tướng của những kỳ tích

  • 08:09 | Thứ Hai, 23/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Có lẽ, tên tuổi vị tướng Đồng Sỹ Nguyên đến với mỗi người Việt Nam theo nhiều dấu ấn khác nhau, nhưng dấu ấn nào trong cuộc đời của vị tướng huyền thoại Đồng Sỹ Nguyên cũng gắn với những giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.
 
Trải qua rất nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội, người cán bộ Đảng, cán bộ quân đội Đồng Sỹ Nguyên để lại nhiều dấu ấn trong sự nghiệp, nhưng có lẽ dấu ấn sâu sắc nhất, nổi bật nhất khiến ông trở thành huyền thoại là lúc ông được cử làm Tư lệnh Bộ Chỉ huy 559 vào năm 1967, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên cả hai chiến trường Nam-Bắc bước vào thời kỳ quyết liệt nhất. Ông giữ chức vụ Tư lệnh Bộ Chỉ huy 559 kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy 559; Bí thư Ban cán sự cố vấn Đảng, quân, dân, chính suốt 10 năm (1967-1976).
 
Trong suốt 10 năm ở cương vị chỉ huy tối cao của Đoàn 559, ông để lại nhiều thành tích xuất sắc trong việc xây dựng thế trận chi viện chiến trường bằng hệ thống đường Trường Sơn nối liền chiến trường 3 nước Đông Dương.
 
Kỳ tích thứ nhất là việc đề xuất xây dựng “Binh chủng hợp thành ở Trường Sơn” sáng tạo ra thế trận giao thông vận tải chưa từng có trong lịch sử, được mệnh danh là “trận đồ bát quái”. Chỉ có một thế trận như thế mới đưa các quân đoàn chủ lực từ Bắc cơ động, thần tốc vào các chiến trường ở miền Nam. Hai khẩu hiệu của ông đề ra hết sức giản dị nhưng lại mang tầm chiến lược: “Chiến trường cần là có đủ”, “Địch đánh, ta sửa ta đi; địch chặn đường, ta mở đường ta đi”. Để cơ động lực lượng tỏa khắp chiến trường, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã có một quyết định táo bạo mang tầm chiến lược là cơ giới hóa bộ binh, tạo khả năng kết hợp hài hòa giữa cơ động cao theo đội hình chính quy, hiện đại và biến hóa khôn lường theo địa hình của nghệ thuật chiến tranh nhân dân.
 
Kỳ tích thứ hai là quyết định “Giăng lưới lửa trên đỉnh Trường Sơn”. Theo đó, cách duy nhất để bảo vệ tuyến vận tải cơ giới, vừa chi viện, vừa đẩy lui địch trên chiến trường là phải thiết lập thế trận “hiệp đồng binh chủng”. Đó là một phương châm chiến lược táo bạo, mạnh mẽ, có tầm nhìn sâu rộng, vững chắc để chuyển từ thế phòng ngự bị động, sang chủ động trên toàn tuyến vận tải chiến lược.
 
Và kỳ tích thứ ba mà ông để lại trong 10 năm giữ trọng trách chỉ huy tối cao Đoàn 559 đó là “vừa là tư lệnh, vừa là “kiến trúc sư” của “tuyến đường màu lam”. Không ai có thể ngờ rằng, là một người lính dành gần hết cả quảng đời cho chiến trường nhưng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên lại điều hành việc xây dựng con đường như một nhà khoa học liên ngành thực thụ. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã huy động nội lực từ cán bộ, chiến sĩ để tích hợp thành tri thức khoa học vận dụng vào việc xây dựng các tuyến đường vượt núi cao, vực thẳm, xuyên qua những tầng đất yếu, sình lầy, vượt qua những địa hình hiểm trở để hình thành những tuyến đường luồn lách qua mọi địa hình mà kẻ thù không hề hay biết hoặc có biết cũng không đủ khả năng ngăn chặn. 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và Chính uỷ Đặng Tính đến thăm Bộ đội Trường Sơn
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và Chính ủy Đặng Tính đến thăm Bộ đội Trường Sơn
Có thể nói, thế trận mà Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên lập ra trên tuyến đường Trường Sơn không còn đơn thuần là thế trận vận tải mà đã trở thành hình thái điển hình của thế trận chiến tranh nhân dân với sự hợp thành của tất cả các lực lượng bộ đội thường trực, bộ đội địa phương, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong và nhân dân các địa phương trên các tuyến đường đi qua.
 
Sau ngày đất nước thống nhất, cũng với tinh thần của người lính, tướng Đồng Sỹ Nguyên bước vào cuộc chiến đấu mới trên một mặt trận vốn đã quen thuộc với ông là giao thông và xây dựng nhưng với những thử thách hoàn toàn mới mẻ. Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông tiếp tục lập những kỳ tích. Và, tên tuổi Đồng Sỹ Nguyên lại tiếp tục để lại dấu ấn trên những đô thị mới, những con đường hiện đại góp phần làm nên kỷ nguyên của một Việt Nam thịnh vượng. 
 
Với tướng Đồng Sỹ Nguyên, tôi có một kỷ niệm đáng nhớ. Lần ấy, năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, trước khi chuyển sang cục diện mới của chiến tranh cách mạng ở miền Nam, Đoàn 559 được Trung ương Đảng và Chính phủ cho phép tổ chức lễ mừng công. Lễ được tổ chức trọng thể tại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh. Tôi là cán bộ may mắn được tỉnh Quảng Bình cử biệt phái đến Đoàn 559, cùng một số cán bộ trong quân đội xây dựng “Nhà trưng bày chiến công Đoàn 559”.
 
Nhận thấy đây là nhiệm vụ và cũng là trách nhiệm lớn lao, tôi trằn trọc nhiều đêm không ngủ, cố gắng phác thảo những phương án vừa thể hiện được tổng thể những công lao mà Đoàn 559 trong 15 năm xây dựng (1959-1973) vừa làm nổi bật những điểm nhấn phản ánh 5 giá trị cơ bản là Tinh thần (bao gồm đường lối, vai trò lãnh đạo…), Ý chí, Sự sáng tạo, Đức hy sinh và những chiến công nổi bật. Tôi xây dựng 3 hệ tuyến minh họa: Đó là hệ tuyến hình ảnh, hệ tuyến hiện vật và lập sa bàn mạng lưới giao thông chính xuyên 3 nước Đông Dương. Tôi vui mừng đem trình phương án này với Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và ông đã làm tôi ngạc nhiên nhưng không thất vọng khi ông bác bỏ gần như toàn bộ phương án của tôi và yêu cầu làm lại với những chỉ đạo hết sức thông minh và vô cùng nhân văn.
 
Đây là những lời ông nói mà 50 năm rồi với tôi vẫn như vừa mới hôm qua:
 
Một là, về hình ảnh, ông nhắc tôi hãy lấy hình ảnh của chiến sĩ trên mặt trận làm cốt lõi cho nội dung trưng bày. Chỉ cần có nhiều hình ảnh phản ánh tinh thần lao động quả cảm, thông minh và sáng tạo của người lính là đủ để nói lên tất cả chiến tích của bộ đội Trường Sơn, không cần nhiều hình ảnh người lãnh đạo, kể cả chỉ huy cao cấp và cả tư lệnh như ông.
 
Hai là, cái lớn lao, chứa đựng cả sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần của dân tộc không thể thu nhỏ vào một cái sa bàn vì nó phô trương cái chung mà không thấy chiến tích cụ thể. Vậy, hãy nghiên cứu thật kỹ các kỳ tích cá nhân, của các tập thể trên những trọng điểm khốc liệt, nhỏ thôi nhưng thật sự tiêu biểu… Từ kỳ tích cá nhân, tập thể, người xem sẽ hiểu được toàn bộ chiến công của hàng chục vạn chiến sĩ trên toàn tuyến đường Trường Sơn mà không cần đến một sa bàn khái quát như vậy.
 
Ba là, trưng bày hình ảnh, hiện vật chiến tích gì thì cũng không được quên hai điều, đó là hậu phương lớn miền Bắc và nhân dân các địa phương ở miền Nam. Không có hậu phương lớn miền Bắc thì đường Trường Sơn không có sức mạnh. Không có nhân dân các địa phương trên tuyến đường Trường Sơn đi qua, đặc biệt là các dân tộc thiểu số cư trú dọc đường Trường Sơn thì đường Trường Sơn không thể xuyên qua rừng rậm để thành “trận đồ bát quái”.
 
Chúng tôi đã làm theo sự chỉ đạo sáng suốt và tinh tế của ông nên hiệu quả của “Nhà trưng bày chiến công Đoàn 559” hết sức sinh động.
 
50 năm đã qua đi kể từ ngày tôi may mắn được gặp Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, dấu ấn về ông có lẽ không là ký ức mà là bài học vẫn còn sống động cho tôi, cho cả nhiều thế hệ trong cuộc sống hôm nay và mai sau.
 
Nguyễn Khắc Thái

tin liên quan

Đầy đặn vốn liếng nhưng chưa thể… sinh lời

(QBĐT) - Quảng Bình mang trong mình những giá trị về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa của bà con dân tộc thiểu số nhưng những tiềm năng, lợi thế ấy chưa thực sự được phát huy.

Bài 2: Tên người đã khuất... hóa thành tên Quyết Thắng

(QBĐT) - Rời xã Quảng Sơn, nơi xảy ra trận thảm sát B52 tang thương khi chỉ còn đúng 25 ngày nữa thôi, Hiệp định Paris về chiến tranh Việt Nam chính thức được ký kết (27/1/1973), tôi lại đến với xã Thanh Trạch (Bố Trạch). 

Bài 1: Ngày giỗ chung cho những người nằm xuống

(QBĐT) - Không biết run rủi thế nào, ngày tôi về Quảng Sơn lại đúng dịp người dân trong xã tổ chức lễ giỗ chung thường niên (ngày 28/11 âm lịch) cho những nạn nhân trong trận thảm sát B52 cách đây tròn 50 năm.