Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nghi thức cát

  • 07:11 | Thứ Sáu, 20/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sang tháng Chạp “ … đã thấy xuân về với gió đông…” nghĩa là Tết gần lắm rồi. Buổi giao mùa, tiết trời thường đỏng đảnh. Sau những ngày heo may hanh khô, mưa bụi lất phất dăng dăng, lúc lúc lại hửng nắng. Cứ bâng khuâng như thế, dùng dằng như thế suốt tháng.
Bao la miền cát trắng. Ảnh: Bùi Cường
                                                Bao la miền cát trắng.                    Ảnh: Bùi Cường
Kể từ đây, câu chuyện chuẩn bị đón Tết, mua sắm gì… soạn sửa ra sao… dần len vào bữa cơm của mỗi gia đình. Không phân công nhưng ai cũng tự nhận lấy cho mình một nhiệm vụ, nếu đàn bà con gái chợ búa sắm sanh, tất bật với đồ ăn thức uống thì đàn ông lo việc “trên đầu trên cổ”, ấy là dọn dẹp sửa soạn bàn thờ để kính thỉnh tổ tiên ông bà về ăn Tết cùng con cháu.
 
Thường thì công việc này bắt đầu từ sau lễ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp. Ở Quảng Bình, trong tất cả mọi nhà đều diễn ra một nghi thức thiêng liêng không thể thiếu và luôn luôn được thực hiện đầu tiên khi người ta bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa, đó là nghi thức thay cát cho các lư hương trên bàn thờ gia đình. 
 
Năm nào cũng vậy, cứ bước sang tháng Chạp là ông Hoàng Liệu ở phường Hải Thành (TP. Đồng Hới) lại lặng lẽ lấy ra chiếc xẻng và những cái bao xác rắn đã được giặt rửa sạch sẽ cất kỹ từ năm ngoái ra để chuẩn bị cùng mấy ông bạn già trong xóm, ra Quang Phú đào cát trắng thay lư hương.
 
Đó không phải là loại cát thông thường ta vẫn thấy mà phải là cát thạch anh trắng sáng và tinh khiết. Trong công nghiệp, cát thạch anh là nguyên liệu quan trọng để sản xuất thủy tinh chất lượng cao nên rất có giá trị. Trên địa bàn Quảng Bình hiện nay có ba địa phương sở hữu các mỏ cát như thế là Quảng Trạch, Đồng Hới và Lệ Thủy, chủ yếu là các mỏ ở độ sâu tầm 2-4m.
 
Ông Hoàng Liệu nói rằng, không phải ở đâu cũng lấy được cát thạch anh, ông và mọi người phải lội bộ hàng cây số mới đến nơi có thứ cát như mong muốn. Người Hải Thành thường lấy cát chỉ đủ dùng trong gia đình và dư chút ít cho hàng xóm, nhưng nhân dân ở các địa phương có vỉa cát này, như: Quang Phú (TP. Đồng Hới), Quảng Phương (Quảng Trạch) hay Ngư Thủy (Lệ Thủy) thì đó còn là nguồn thu nhập trong dịp Tết.
 
Bà con chịu khó đào cát về, dần sạch, phơi khô rồi mang ra các chợ bán. Có lẽ cát là thứ hàng hóa rẻ nhất tại chợ Tết, đâu chừng 1-2 nghìn đồng 1 lon, mỗi Tết kiếm dăm trăm đến triệu bạc là nhiều nhưng bà con chịu khó cũng có thêm chút đỉnh để sắm sanh vài thứ cho ngày Tết trong nhà tăng phần sắc màu rôm rả.  
 
Giữa ngày cuối năm, hàng hóa muôn màu muôn loại, hoa lá rực rỡ đua chen, trái cây tràn ngập phố phường…, rộn ràng kẻ bán người mua, có những người bán cát trắng chìm khuất bên những sắc màu, lặng lẽ bên những ồn ào náo nhiệt ấy. Có vẻ họ hiểu công việc của họ không thể xô bồ được.
 
Vậy nhưng không ai bỏ qua họ cả vì tất cả mọi gia đình đều cần đến cát. Cát bình đẳng. Người nghèo mua cát ấy. Người giàu cũng mua cát ấy. Không có sự lựa chọn thứ hai. Không phân biệt thứ hạng cấp bậc giai tầng. Không trả giá ì xèo mặc cả. Cát sẽ được để ở nơi linh thiêng, trang trọng nhất trong mỗi ngôi nhà, dù nhà to hay nhà nhỏ, dù ở thành thị hay nông thôn, dù bất cứ nơi nào hay bất cứ của ai. Cuộc đời có rất nhiều thứ khác nhau nhưng tình cảm gia đình, niềm tôn kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ từ những điều đơn giản nhất đều như nhau.
ctv hien1.jpg
ctv hien1.jpg
Cứ sau Rằm tháng Chạp là mẹ tôi bắt đầu rục rịch đi sắm Tết. Từ lâu nay, bao giờ cát cũng là thứ được mẹ tôi mua đầu tiên và luôn luôn đặt lên trên cùng trong chiếc làn rất nhiều đồ của bà. Mẹ nói, tất cả những gì được đặt lên bàn thờ tổ tiên ông bà đều phải được cất đặt cẩn thận vì đó là đạo nghĩa làm người.
 
Tôi không biết nghi thức thay cát lư hương trên bàn thờ tổ tiên của người Quảng Bình bắt đầu từ bao giờ, chắc là từ rất lâu rồi vì quê tôi là xứ sở của cát, chỉ biết mỗi Tết đến, xuân về các thế hệ người Quảng Bình đều cẩn trọng thành tâm làm công việc ấy. Dọn nhà, sắm Tết không chỉ để dành cho người đang sống mà còn hướng về người đã khuất. Tựa như Tết là thời gian người hai cõi được gặp nhau sau một năm trời xa cách. 
 
Những ngày nắng hiếm hoi giữa tháng Chạp, mẹ tôi mang cát ra đãi sạch rồi rải đều trên những chiếc nẻn (chiếc nong nhỏ) để phơi. Chỉ khi cát thật khô, hốt vào lòng tay cát chảy thành dòng, vun đều thành những núi cát trắng tinh nho nhỏ mẹ mới thực sự vừa lòng để tiếp tục một công đoạn nữa là xông cát.
 
Chợ Tết, người ta bán vai trầm rất nhiều. Trong không gian có phần ầm ĩ, xô bồ của phiên chợ cuối năm, mùi hương trầm tỏa ra từ những cái tréc (niêu đất) nhỏ gần như là một đối trọng để kéo tâm trạng mọi người điềm tĩnh lại. Mẹ tôi thường mua vai trầm ấy về xông cát.
 
Nẻn cát khô được kê cao, phía dưới là tréc trầm tỏa khói, cứ để vậy cho đến khi trầm ngún hết thì xong. Lại tiếp tục xông những chiếc lư hương đã được rửa sạch bằng thứ vai trầm nồng thơm tinh khí ấy rồi mới cho cát vào và kính thỉnh trở lại bàn thờ. Chỉ đến khi nghi thức thay cát cho lư hương hoàn thành, bàn thờ tổ tiên được sửa soạn tươm tất, mẹ tôi mới yên tâm với công việc bếp núc, mua mua bán bán của mình. 
 
Tết không chỉ có ba ngày Tết. Tôi thích những ngày tháng Chạp rộn ràng, thích ngắm nhìn mọi người vui vẻ trong tất bật lo toan, thích khung cảnh gia đình ấm áp hạnh phúc. Tết quê tôi được bắt đầu bằng “nghi thức cát”. Cát ở trong trái tim mỗi gia đình.
Trương Thu Hiền

tin liên quan

Đầy đặn vốn liếng nhưng chưa thể… sinh lời

(QBĐT) - Quảng Bình mang trong mình những giá trị về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa của bà con dân tộc thiểu số nhưng những tiềm năng, lợi thế ấy chưa thực sự được phát huy.

Bài 2: Tên người đã khuất... hóa thành tên Quyết Thắng

(QBĐT) - Rời xã Quảng Sơn, nơi xảy ra trận thảm sát B52 tang thương khi chỉ còn đúng 25 ngày nữa thôi, Hiệp định Paris về chiến tranh Việt Nam chính thức được ký kết (27/1/1973), tôi lại đến với xã Thanh Trạch (Bố Trạch). 

Bài 1: Ngày giỗ chung cho những người nằm xuống

(QBĐT) - Không biết run rủi thế nào, ngày tôi về Quảng Sơn lại đúng dịp người dân trong xã tổ chức lễ giỗ chung thường niên (ngày 28/11 âm lịch) cho những nạn nhân trong trận thảm sát B52 cách đây tròn 50 năm.