Dấu ấn Fidel Castro với Quảng Bình
(QBĐT) - Đúng nửa thế kỷ trước, sau khi Hiệp định Pari được ký kết, Chủ tịch Fidel Castro trở thành vị lãnh tụ đầu tiên trên thế giới đến thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Những ngày thăm và làm việc ở vùng đất đôi bờ dòng sông Bến Hải, Cơ quan Giao tế-Chuyên gia (nay là Khu Giao tế) Quảng Bình vinh dự là nơi phục vụ Chủ tịch Fidel Castro…, và đến bây giờ, vẫn còn đó những câu chuyện chưa kể.
Những kỷ vật “biết nói”
Một ngày đầu năm mới 2023, nhân kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Pari về chiến tranh Việt Nam (27/1/1973-27/1/2023), chúng tôi trở lại thăm Di tích lịch sử quốc gia Khu Giao tế Quảng Bình tại xã Đức Ninh, TP. Đồng Hới.
Khu Giao tế Quảng Bình thành lập ngày 21/8/1954 và chính thức kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình vào tháng 7/1988. Trong 34 năm hoạt động, Khu Giao tế Quảng Bình đã tiếp đón trên 450 đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm, làm việc tại Quảng Bình.
Đặc biệt, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào thời kỳ mang tính chất bước ngoặt, Khu Giao tế Quảng Bình đón rất nhiều vị nguyên thủ quốc gia, chính khách, các đoàn khách trong và ngoài nước: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Tố Hữu, đồng chí Nguyễn Lương Bằng; các đồng chí lãnh đạo từ miền Nam ra: Nguyễn Thị Bình, Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Hữu Thọ...; Chủ tịch Cuba Fidel Castro; vợ chồng Quốc trưởng Campuchia Nôrôđôm Xihanuc; Chủ tịch nước CHDCND Lào Xuphanuvông; khách các nước: Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Ba Lan, Cuba, Tiệp Khắc...
Có hai sự kiện lớn gắn liền với Khu Giao tế Quảng Bình là trực tiếp phục vụ Bác Hồ nhân dịp Người vào thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh (ngày 16/6/1957) và đón tiếp Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh và tỉnh Quảng Trị vừa được giải phóng (tháng 9/1973).
Trong hàng loạt hiện vật, tranh ảnh hiện đang trưng bày tại Di tích lịch sử quốc gia Khu Giao tế Quảng Bình, chúng tôi bắt gặp nhiều kỷ vật gắn liền với Chủ tịch Fidel Castro và hành trình nửa vòng trái đất Fidel Castro thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Trị.
Là những bức ảnh Chủ tịch Fidel Castro cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng sát cánh cùng nhau, ảnh chụp Fidel Castro trên chiếc xe tăng Mỹ, Fidel Castro bắt tay bộ đội giải phóng ở vùng đất Quảng Trị còn ngổn ngang, đổ nát; Fidel Castro phất cao ngọn cờ giải phóng...
Đặc biệt, tại Khu Giao tế Quảng Bình hiện vẫn còn một căn phòng, nơi cách đây 50 năm Chủ tịch Fidel Castro dùng làm nơi nghỉ ngơi, làm việc. Căn phòng đơn sơ với bộ bàn ghế, chiếc tủ đựng áo quần bằng gỗ và chiếc giường “ngoại cỡ”...
Dấu ấn Fidel Castro với Quảng Bình
Sáng 15/9/1973, chuyên cơ chở Chủ tịch Fidel Castro và đoàn đại biểu nước Cộng hòa Cuba hạ cánh tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội). Sau lễ đón tiếp, Chủ tịch Cuba cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đoàn công tác lên máy bay hành trình hướng vào Nam. Đúng 10 giờ 55 phút, chuyên cơ AN-24 đỗ xuống sân bay Đồng Hới. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Bình ra đón tại sân bay, sau đó tiếp tục di chuyển bằng xe ô tô vào Vĩnh Linh, Quảng Trị.
Sáng 16/9/1973, đoàn vượt vĩ tuyết 17 đến Đông Hà, lên đường 9, ghé lại Đồi 241 ở Tân Lâm, thăm Sư đoàn Vinh Quang; thăm trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đặt tại Cam Lộ.
Chiều 16/9/1973, đoàn xe chở Chủ tịch Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng rời Quảng Trị. Trên đường trở ra Quảng Bình, Fidel Castro ghé thăm Dốc Miếu-nơi trước đây Mỹ xây dựng hàng rào điện tử Mắc Namara “bất khả xâm phạm” và Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy, Quảng Bình-đơn vị Anh hùng đã hai lần bắn cháy tàu chiến Mỹ.
Ở Quảng Bình, Chủ tịch Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi bộ trong lòng thị xã Đồng Hới đổ nát vì bom đạn Mỹ. Fidel Castro đứng lặng bên bờ sông Nhật Lệ, nơi bến đò mẹ Suốt, đôi mắt vị lãnh tụ Cuba rơm rớm lệ.
Chiều tối, đoàn xe của Chủ tịch Cuba Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng về đến nhà khách Giao tế. Tại đây, đoàn nhận được sự tiếp đón nồng hậu của cán bộ, nhân dân và các em học sinh cấp ba Đồng Hới. Tất cả hô vang “Viva Cuba!”, “Viva Fidel!”.
Sáng 17/9/1973, tại hội trường Tỉnh ủy, Chủ tịch Fidel Castro có cuộc nói chuyện suốt 3 giờ liền trước hàng nghìn cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Bình. Ông hết lời ca ngợi Quảng Bình anh hùng và hứa sẽ giúp nơi tuyến đầu miền Bắc XHCN xây dựng một bệnh viện hiện đại, quy mô 450 giường bệnh…
Ký ức một thời...
Ngày chúng tôi gặp ông tại Di tích lịch sử quốc gia Khu Giao tế, dù đã bước qua tuổi 83 nhưng những câu chuyện kể và kỷ niệm về những tháng ngày thực hiện nhiệm vụ đối ngoại với ông như vừa mới diễn ra hôm qua, chưa hề phai nhạt.
“Năm 1962, tôi tham gia lực lượng Công an vũ trang vào chiến đấu ở giới tuyến Vĩnh Linh, biên chế tại Trạm kiểm soát phía đầu cầu Hiền Lương, bảo vệ cho Đoàn Ủy ban quốc tế 4 bên về giám sát và kiểm soát thi hành Hiệp định Giơnevơ. Năm 1964, tôi được điều động lên công tác tại Đồn Biên phòng Cha Lo cho đến năm 1968 thì về giữ chức Phó cơ quan Giao tế. Trưởng cơ quan Giao tế lúc đó là anh Nguyễn Thanh Đàm”- ký ức ông Lê Vĩnh Quán bắt đầu như một thước phim quay chậm.
“Kỷ niệm với Chủ tịch Cuba Fidel Castro khi ông sang thăm Việt Nam, vào thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Trị thì sâu sắc lắm. Để có một chuyến đi an toàn vào vùng đất Nam giới tuyến vừa mới giải phóng xong, lực lượng bảo vệ cho đoàn công tác lên đến gần 600 người. Vì từng tham gia chiến đấu tại vĩ tuyến 17 nên các đồng chí lãnh đạo tỉnh tin tưởng cử tôi tham gia đoàn tiền trạm trước. Khi mọi công việc khảo sát, lên phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối, chúng tôi mới bàn giao lại cho lực lượng cảnh vệ phía Trung ương”.
Về chiếc giường “ngoại cỡ” Chủ tịch Fidel Castro từng nằm, ông Lê Vĩnh Quán khắc ghi từng chi tiết một: “Chủ tịch Fidel vốn cao lớn, giường cho người bình thường ông không nằm vừa được. Ban đầu chúng tôi đã chuẩn bị một chiếc giường dài 1,8m nhưng vẫn không vừa. Thời gian gấp rút quá, tôi bàn với anh Nguyễn Thanh Đàm huy động đội ngũ thợ mộc bậc cao của Hợp tác xã mộc Hồng Hải nổi tiếng vào thời đó đến thay 2 thanh giường hai bên, kéo dài ra hơn 2m, rộng 1,8m. Nhìn chiếc giường ngoại cỡ dành cho mình, Chủ tịch Fidel cười, ưng ý lắm!”
Câu chuyện về đất nước Cuba, về Chủ tịch Fidel Castro và chuyến thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Trị được ông Lê Vĩnh Quán kết lại khi ông đưa cho chúng tôi xem bức tranh về đất nước Cuba làm bằng vỏ ốc do nữ Anh hùng Moncada-bà Melba Hernandez-người chiến sĩ kiên trung của cách mạng Cuba, Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Đoàn kết với miền Nam Việt Nam tặng ông nhân chuyến đi này. Lời ông Quán như nhắn nhủ thông điệp: “50 năm trôi qua... với tôi, với Quảng Bình, với nhân dân Việt Nam, Fidel Castro, đất nước Cuba mãi mãi thủy chung, thắm nghĩa vẹn tình”.
Hương Trà
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.