"ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG"-HÀNH TRÌNH CHIẾN THẮNG

Bài 3: Bản anh hùng ca "Điện Biên phủ trên không"

  • 06:51 | Thứ Ba, 20/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Không để Tổ quốc bị bất ngờ”, Trung tướng Lê Văn Tri viết trong cuốn hồi ký “Mặt đất và bầu trời”. Và cuộc đối đầu lịch sử 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” là một minh chứng hùng hồn, đúng như lời dự báo của Bác Hồ từ cuối năm 1967: Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội...
 
 
Ngày 11/12/1972, Bộ Tổng tham mưu chỉ thị cho tất cả các đơn vị: Đi đôi với sử dụng không quân, hải quân, địch sẽ tăng cường B52 tấn công rộng rãi khắp miền Bắc. Thủ đoạn đánh phá là bất ngờ, ồ ạt, đánh vào một số vùng trọng yếu như Hà Nội, Hải Phòng, khu công nghiệp, một số vùng đông dân, giao thông, chân hàng, sân bay, trận địa tên lửa, đánh mục tiêu có tính chất hủy diệt, gây sức ép đối với ta. Ta phải thực sự sẵn sàng về mọi mặt nhằm đánh thắng cuộc tập kích chiến lực này của địch.
 
16 giờ ngày 18/12/1972, tại Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), tất cả Bộ Tư lệnh đều có mặt, trừ Phó Tư lệnh Hoàng Văn Khánh còn ở Quân khu 4 chưa kịp về. Trực ban chỉ huy là Phó Tư lệnh Nguyễn Quang Bích, người dày dạn kinh nghiệm chỉ huy các lực lượng phòng không từ thời chiến dịch Điện Biên Phủ.
 
“19 giờ 40 phút ngày 18/12/1972, cuộc đấu trí, đấu lực giữa ta và địch trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng bắt đầu”, theo hồi ký của Tư lệnh Quân chủng PK-KQ Lê Văn Tri. Cuộc đối đầu lịch sử 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” được chia làm hai đợt: Đợt 1 từ đêm 18/12 đến 24 giờ ngày 24/12. Đợt 2 từ 13 giờ ngày 26/12 đến 7 giờ ngày 30/12.
 
Đêm đầu tiên, không quân Mỹ huy động 235 máy bay, trong đó có 90 chiếc B52 đánh phá một loạt mục tiêu khu vực Hà Nội, Hải Phòng. 20 giờ 13 phút, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 261 ở trận địa Cổ Loa bắn rơi tại chỗ chiếc B52 đầu tiên. Chiếc máy bay B52 này mang số hiệu 52122001 rơi ở cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh. Trong đêm, thêm 2 chiếc B52 khác bị bộ đội tên lửa bắn hạ.
Bìa cuốn hồi ký “Mặt đất và bầu trời” của Trung tướng Lê Văn Tri.
Bìa cuốn hồi ký “Mặt đất và bầu trời” của Trung tướng Lê Văn Tri.
Tư lệnh Quân chủng PK-KQ Lê Văn Tri viết: “6 giờ sáng hôm sau, trời còn mù sương và rét căm căm, tôi cùng đồng chí Phó Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài đáp trực thăng đến chỗ B52 rơi. Chúng tôi đứng lặng ngắm chiếc pháo đài bay B52 to lớn bị vỡ tan tành, gãy cánh, động cơ cháy rụi mà lòng đầy tự hào và xiết bao cảm phục”. Sơ kết cuộc chiến đấu giai đoạn một, quân và dân miền Bắc bắn rơi 53 máy bay, trong đó có 18 B52, 5 chiếc F111.
 
Sau 36 giờ ngừng ném bom miền Bắc nhân dịp lễ Noel, 13 giờ ngày 26/12/1972, không quân Mỹ tiếp tục quay trở lại đánh phá miền Bắc với tần suất, mức độ càng ác liệt hơn. Chỉ trong vòng hơn một giờ đồng hồ (từ 21 giờ 49 phút đến 23 giờ đêm 26/12) có tới 105 chiếc B52 dưới sự yểm trợ của 90 máy bay chiến thuật đánh vào ba khu vực Nam Hà Nội và phố Khâm Thiên, cùng lúc đó 15 chiếc B52 khác đánh phá Hải Phòng, 25 chiếc B52 oanh tạc Thái Nguyên. Do chuẩn bị kỹ, trong đêm chúng ta đã tiêu diệt 18 máy bay địch, trong đó có 8 B52 (4 chiếc rơi tại chỗ).
 
Cùng với các quân, binh chủng hợp thành đan lưới lửa tìm diệt máy bay Mỹ, lực lượng không quân cũng bắt đầu phát huy sức mạnh truy tìm B52. Ngày 27/12, Sở Chỉ huy Không quân chỉ thị cho phi công Phạm Tuân bí mật cơ động lên Yên Bái phục kích B52 ngay từ vòng ngoài.
 
Anh hùng Phạm Tuân sau này kể lại: 22 giờ 15 phút hôm đó, tôi được lệnh cất cánh. Khi cách địch 60km, tôi vứt thùng dầu phụ và bật tăng lực. Trên bầu trời Mộc Châu ở độ cao 7.000m, tốc độ gần 1.000km/giờ, thấy hai dãy đèn liền báo cáo về đã phát hiện mục tiêu B52. Sở Chỉ huy nhắc tôi bật công tắc tên lửa, đặt vị trí phóng loạt hai quả cùng lúc... Đến cự ly 3km, Sở Chỉ huy ra lệnh: “361 phóng tên lửa, thoát ly ngay bên trái”. Tôi trả lời: “Chờ một tý”. Khẩu lệnh được nhắc lại lần thứ ba, tôi trả lời “Nghe tốt” và chỉnh điểm ngắm, ấn nút phóng hai quả tên lửa. Tên lửa phát ra sáng lòa phủ cả mục tiêu, tôi chỉ kịp kéo lên, lật ngửa máy bay, đã thấy điểm nổ phía dưới".
 
Tiếp nối chiến công của phi công Phạm Tuân, đêm 28/12, phi công Vũ Xuân Thiều được Sở Chỉ huy sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) hướng dẫn cất cánh theo hướng Tây chặn đánh B52. Sau khi bay vào khu vực Nà Sản, anh phát hiện mục tiêu. Do cự ly quá gần, Vũ Xuân Thiều điều khiển máy bay áp sát sau đuôi B52 và phóng hai quả tên lửa. Tuy nhiên, máy bay của Vũ Xuân Thiều không kịp thoát ly, anh đã anh dũng hy sinh.
 
Đêm 29 rạng sáng ngày 30/12, Mỹ tiếp tục cho 60 lần B52 đánh vào các khu vực Trại Cau, Đồng Mỏ, Xuân Hòa. Bộ đội tên lửa ở Hà Nội bắn rơi một chiếc B52. Đây là chiếc B52 cuối cùng bị bắn rơi trong 12 ngày đêm trận tập kích chiến lược đường không của Mỹ và là điểm ghi dấu thất bại ê chề chiến dịch Linebacker II do Tổng thống Nixon phát động.
Chiếc máy bay B52 bị rơi tại hồ Hữu Tiệp, làng hoa Ngọc Hà (Hà Nội) trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”.
Chiếc máy bay B52 bị rơi tại hồ Hữu Tiệp, làng hoa Ngọc Hà (Hà Nội) trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”.
Nhớ lại thời điểm bước vào trận quyết chiến chiến lược, khi Tư lệnh Lê Văn Tri lên báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng nhận định: Một, nếu số lượng B52 bị rơi từ một đến hai phần trăm thì Mỹ vẫn chịu được. Hai, số lượng B52 rơi từ sáu đến bảy phần trăm thì Nhà trắng rung chuyển. Ba, tỷ lệ B52 rơi trên mười phần trăm thì Mỹ sẽ phải chịu thua. Tư lệnh Lê Văn Tri hứa với Đại tướng: Sẽ loại trừ tỷ lệ đầu, phấn đấu đạt tỷ lệ sáu, bảy phần trăm và cố gắng hết sức vươn lên đạt mười phần trăm hay hơn thế nữa.
 
Khi cuộc đối đầu giữa ta và địch trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng bước vào thời điểm khốc liệt nhất, ngày và suốt đêm 28/12, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp xuống ở lại theo dõi và chỉ huy cuộc chiến đấu tại Sở Chỉ huy Quân chủng PK-KQ. Đại tướng phấn khởi: Đến thời điểm này, tỷ lệ B52 bị bắn rơi không còn là sáu hay bảy phần trăm mà đã vượt đến mười bảy phẩy sáu phần trăm. Nhà trắng đang đau đầu và sẽ chấm dứt bắn phá miền Bắc vô điều kiện.
 
Không ngoài dự kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 30/12/1972, Chính phủ Mỹ buộc phải ra tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra.
 
Trong cuốn sách “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” (NXB. Hà Nội, năm 2019) đã thống kê: Kết thúc 12 ngày đêm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, quân và dân miền Bắc bắn rơi 81 máy bay các loại (34 chiếc B52). Riêng bộ đội tên lửa bắn cháy 29 chiếc B52, trong đó có 16 chiếc rơi tại chỗ.
 
Chúng tôi xin kết thúc bài viết “Điện Biên Phủ trên không”-Hành trình chiến thắng” bằng lời Tổng Bí thư Lê Duẩn được trích dẫn trong cuốn hồi ký “Mặt đất và bầu trời” của Trung tướng Tư lệnh Quân chủng PK-KQ Lê Văn Tri như một niềm tin tất thắng và sự tri ân mãi mãi: Thắng lợi 12 ngày đêm nói lên quyết tâm rất cao và chính xác của Bộ Chính trị cùng Quân ủy Trung ương. Quyết tâm đó đã được quán triệt sâu sắc xuống từng cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên toàn Quân chủng với sự nỗ lực phi thường nhằm hoàn thành nhiệm vụ đánh bại cuộc tập kích bằng B52 của Mỹ. Cùng với những chiến thắng quan trọng ta đạt được trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường miền Nam, thắng lợi vừa qua đã góp phần quyết định làm thay đổi tình hình cục diện chiến tranh. Cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới “Mỹ cút và ngụy nhào”. Đây là một chiến công mang tầm vóc thời đại, là đỉnh cao chiến công trong cuộc đụng đầu lịch sử giữa nhân dân Việt Nam anh hùng với đế quốc Mỹ.
 
                                                                                                                   Ngô Thanh Long

tin liên quan

Bài 2: Những trận "thử lửa" với pháo đài bay B52 trên bầu trời Khu 4

(QBĐT) - Ngày 18/6/1965, đế quốc Mỹ dùng máy bay B52 đánh phá khu vực Bến Cát (Tây Bắc Sài Gòn). Ngày 12/4/1966, B52 đánh phá đèo Mụ Giạ và đường 12 ở Quảng Bình.

Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không: Nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự

Từ ngày 18 đến 29/12/1972, quân dân miền Bắc Việt Nam anh dũng chiến đấu đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của không quân Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, lập nên một kỳ tích vang dội.
 

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri

(QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII, các sở, ban, ngành đã trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh. Báo Quảng Bình lược ghi một số nội dung trả lời của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) mà cử tri quan tâm.