Những tội ác cuối cùng của đế quốc Mỹ trên đất lửa Quảng Bình

Bài 1: Ngày giỗ chung cho những người nằm xuống

  • 06:02 | Thứ Sáu, 30/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau thất bại cuộc tập kích chiến lược bằng B52 trên bầu trời miền Bắc mà đỉnh cao là chiến thắng 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân ta, ngày 30/12/1972, Tổng thống Hoa Kỳ Nixon đơn phương tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Thế nhưng, lợi dụng Hội nghị Paris đang ở thế giằng co, đế quốc Mỹ tiếp tục huy động B52 đánh phá từ Nam vĩ tuyến 20 trở vào. Quảng Bình, vùng đất địa đầu miền Bắc XHCN, B52 liên tiếp gây ra hai trận thảm sát tang thương ở xã Quảng Sơn (TX. Ba Đồn) và Thanh Trạch (Bố Trạch). 50 năm trôi qua (1973-2023), dù nỗi đau dịu lại theo thời gian, nhưng người dân Quảng Bình vẫn “tạc dạ, ghi lòng” tội ác không thể nào dung.
 
Không biết run rủi thế nào, ngày tôi về Quảng Sơn lại đúng dịp người dân trong xã tổ chức lễ giỗ chung thường niên (ngày 28/11 âm lịch) cho những nạn nhân trong trận thảm sát B52 cách đây tròn 50 năm. “Đã 50 năm trôi qua, nhưng nhân dân Quảng Sơn vẫn không bao giờ quên những mất mát, đau thương do đế quốc Mỹ gây nên”, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn Trần Văn Huyển ngậm ngùi...
 
Buổi chiều định mệnh
 
Bà Đinh Thị Diễn, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn giai đoạn 1964-1974 nhớ lại: Mùa đông năm 1972-1973 rất lạnh, mới hơn 17 giờ đã thấy chập choạng tối. Theo nếp sinh hoạt thời chiến, bà con tranh thủ ăn cơm chiều, người thì xuống hầm trú ẩn, bộ đội, dân quân du kích kịp thay ca, đi trực chiến... Trước đó, trong hai ngày 31/12/1972 và 1/1/1973, các bên thỏa thuận ngừng bắn nhân dịp Tết Dương lịch. Nhân dân Quảng Sơn cùng với đồng bào miền Bắc hân hoan mừng Tết Dương lịch tạm yên tiếng bom đạn, vui trọn niềm vui chiến thắng 12 ngày đêm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”... Ai ngờ!
 
17 giờ 15 phút ngày 2/1/1973 (nhằm ngày 28/11 năm Nhâm Tý) một tốp 3 chiếc B52 từ phía Tây Trường Sơn gầm rú xuất hiện trên bầu trời Quảng Sơn. Sau đó là hàng loạt bom nối tiếp nhau trút xuống các khu dân cư, bắt đầu từ xóm Đình Sơn, tới xóm Chùa và cuối cùng phủ trùm xóm Bắc Sơn. Chỉ trong chớp mắt 3 khu dân cư xã Quảng Sơn bị san phẳng, hố bom chồng lên hố bom, nhà cửa tan hoang, xác người trộn lẫn bùn đất.
Bia di tích lịch sử vụ thảm sát B52 xã Quảng Sơn vừa xây dựng mới năm 2021.
Bia di tích lịch sử vụ thảm sát B52 xã Quảng Sơn vừa xây dựng mới năm 2021.
Trong bản lý lịch Di tích lịch sử vụ thảm sát B52 xã Quảng Sơn ghi lại những hình ảnh tang thương tột cùng: Mùi hôi khét của thịt xương bị cháy, mùi tanh của máu bay khắp cả vùng. Người chết đủ mọi tư thế, thịt người văng khắp cả làng, có mảnh vắt trên cây, nhiều mảnh văng lên mái nhà... Gia đình ông Lức ở xóm Đình Sơn có 8 người hứng trọn một trái bom, tất cả đều chết, trong đó có một thai nhi còn trong bụng mẹ, mãi mãi không cất tiếng chào đời. Sau trận bom, người dân trong làng chỉ tìm thấy 3 trong tổng số 8 người chết còn nguyên vẹn. 5 người còn lại thân thể hòa trộn cùng nhau tung tóe khắp nơi, sau nhiều giờ nhặt nhạnh cũng chỉ gom lại một ít và an táng cùng một cỗ quan tài.
 
Gia đình ông Phan Tường gồm 6 người thì 5 người bị thảm sát bởi bom B52. Bữa cơm chiều dọn ra chưa kịp ăn, bom nổ trùm mâm cơm, hạt cơm trộn lẫn xác người.
 
Nhiều nạn nhân lấp sâu dưới đống đổ nát: Đến ngày hôm sau, lực lượng cứu hộ mới tìm thấy một bé trai khoảng tám tháng tuổi. Thi thể cô giáo Trần Thị Viễn qua 7 ngày mới phát hiện ra...
 
Trận thảm sát B52 chiều ngày 2/1/1973, đế quốc Mỹ đã cướp đi 102 nạn nhân vô tội (trong đó có 14 người già, 23 phụ nữ, 41 trẻ em...); làm bị thương 109 người (trong đó có 19 người già, 26 phụ nữ, 47 trẻ em...); thiêu hủy 105 ngôi nhà, 20 tấn lương thực, 50 con trâu, bò...
 
Bà Đinh Thị Diễn hoài niệm: Đau thương là thế nhưng nhân dân Quảng Sơn quyết tâm không lùi bước, biến đau thương thành hành động. Sau trận thảm sát chừng 5 phút, những người còn sống nhanh chóng tập hợp đưa người bị thương đi cấp cứu, tìm kiếm người vùi lấp, quy tập người mất, tổ chức mai táng, giúp nhau dựng lại nhà cửa... sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
 
Nén tâm nhang cho người đã khuất
 
Về xã Quảng Sơn, chị Nguyễn Thị Minh Tuệ, công chức văn hóa-xã hội xã Quảng Sơn đưa tôi đến địa điểm nơi xảy ra trận thảm sát B52 năm xưa. Len lỏi dọc các trục đường bê tông trong làng, thấy đầu làng, cuối xóm nhà nhà đang làm “lễ chạp” cho người thân của mình. Chị Tuệ chia sẻ: “Sau lễ giỗ chung cho 102 nạn nhân tại Di tích lịch sử vụ thảm sát B52 xã Quảng Sơn, các gia đình có người mất đều tổ chức “lễ chạp”. Dịp này con cháu, người thân dù ở đâu, làm gì cũng cố gắng trở về để thắp nén nhang tưởng nhớ và tri ân”.
 
Di tích lịch sử vụ thảm sát B52 xã Quảng Sơn nằm trở mặt ra sông Rào Nan ngày cuối năm hanh hao trong nắng. Trước bia di tích khói hương nghi ngút, tôi cùng chị Nguyễn Thị Minh Tuệ thắp nén nhang cúi mình tưởng niệm. Trong danh sách 102 nạn nhân vụ thảm sát, có một cái tên thân thương đối với những người làm báo chúng tôi hiện về: Liệt sỹ, nhà báo Nguyễn Thị Thanh Xuân, phóng viên Báo Quảng Bình.
Nhà báo, liệt sỹ Nguyễn Thị Thanh Xuân. Ảnh: Tư liệu
Nhà báo, liệt sỹ Nguyễn Thị Thanh Xuân. Ảnh: Tư liệu

Theo lời kể của nhà báo Nguyễn Viết Kỉm (Báo Quảng Bình) hiện nghỉ hưu tại TP. Đồng Hới: Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân sinh năm 1949 tại TP. Đồng Hới. Đầu năm 1969, khi vừa tròn 20 tuổi, Nguyễn Thị Thanh Xuân trở thành phóng viên Báo Quảng Bình.

“Đẹp người, đẹp nết, tôi ấn tượng nhất hình ảnh Xuân với bộ quần áo đen, khăn rằn Nam Bộ quấn quanh cổ, xông xáo dưới hòn tên, mũi đạn, luôn có mặt tại các tọa độ lửa thời bấy giờ như phà Long Đại, phà Quán Hàu, đường Ba Trại, phà Gianh... Những tác phẩm báo chí Xuân viết luôn mang khí thế hừng hực của quê hương Quảng Bình “Hai giỏi”. Đế quốc Mỹ mở rộng bắn phá miền Bắc lần thứ hai, cơ quan Báo Quảng Bình sơ tán lên xã Quảng Sơn. Về nơi đóng quân mới, Nguyễn Thị Thanh Xuân nhanh chóng bước vào công việc mới với khí thế mới. Đặc biệt, chiến thắng 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” làm nức lòng quân dân cả nước thôi thúc cây viết Nguyễn Thị Thanh Xuân sớm có thêm nhiều tin bài mới... Anh em trong cơ quan, mỗi người mỗi việc. Trước buổi chiều định mệnh ấy, gặp nhau, Xuân chỉ kịp chào. Tôi ở nhà in báo tại làng Tiên Lệ, xã Quảng Tiên về, cứ đứng nhìn theo dáng Xuân vẫn khăn rằn quấn quanh cổ, rướn người mạnh mẽ trên chiếc xe đạp xa dần cuối con đường làng. Ai ngờ đây là lần cuối cùng anh em chúng tôi hội ngộ”, nhà báo Nguyễn Viết Kỉm kể lại.
 
“Hầm trú ẩn của tôi và Xuân khá gần nhau. Dứt tiếng bom, tôi cùng mọi người chạy đi tìm Xuân nhưng... cả 4 người trong căn hầm ấy không ai còn sống sót. Chúng tôi đưa 4 người lên khỏi hầm lấy rơm trải cho các em nằm. Dáng Xuân vẫn thế, thanh tú, hiền hậu, khăn rằn quấn cổ. Chỉ nơi vùng bụng loang ướt máu. Một mảnh bom xém qua cướp mất Xuân, đồng nghiệp của tôi. Lúc đó Nguyễn Thị Thanh Xuân vừa mới 24 tuổi tròn”, nhà báo Nguyễn Viết Kỉm ngậm ngùi.
 
“Trong 8 năm leo thang đánh phá miền Bắc, đế quốc Mỹ gây ra cho Quảng Sơn nhiều tổn thất không gì bù lấp nổi. Bom đạn giết hại, làm bị thương hàng trăm người dân vô tội, hàng chục người lính trở về bị di chứng chất độc da cam, nhiều trẻ thành mồ côi, nhà cửa, cơ sở hạ tầng bị san phẳng, phải xây dựng lại từ đầu. Xóm Đình Sơn sau trận thảm sát, bom đạn, xác người trộn lẫn với đất nên người dân phải di dời qua nơi ở mới. 50 năm trôi qua, nỗi đau theo thời gian vơi dần, vết thương chiến tranh cũng đã kín miệng. Người dân Quảng Sơn cố gắng giữ gìn, tôn tạo khu Di tích lịch sử vụ thảm sát B52 ngày một khang trang, xứng tầm, để thế hệ mai sau biết rằng hòa bình, ấm no, hạnh phúc ngày hôm nay được xây đắp từ biết bao xương máu của cha anh”, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn Trần Văn Huyển chia sẻ.
 
Ngô Thanh Long
 
Bài 2: Tên người đã khuất... hóa thành tên Quyết Thắng

tin liên quan

Bế giảng lớp trung cấp lý luận chính trị hệ tập trung, khóa 43

(QBĐT) - Chiều nay, 29/12, Trường Chính trị tỉnh tổ chức bế giảng lớp trung cấp lý luận chính trị hệ tập trung, khóa 43. 
 

Đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua

(QBĐT) - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đinh Hữu Thành, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy tại hội nghị bình xét thi đua, khen thưởng năm 2022 tổ chức vào ngày 29/12.

Vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

QBĐT) - Thỏa ước lao động tập thể là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên trong quan hệ lao động.