Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Cảo thơm lần giở:

Người thầy đáng kính của vua Thiệu Trị

  • 07:41 | Thứ Bảy, 14/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sử sách triều Nguyễn ghi lại rất nhiều câu chuyện giữa các vị hoàng đế và người thầy. Một trong những câu chuyện cảm động chính là tình cảm giữa vua Thiệu Trị và Nguyễn Đăng Tuân, quê ở Phù Chánh, nay là xã Hưng Thủy (Lệ Thủy).
 
Nguyễn Đăng Tuân sinh năm 1772 trong một gia đình nho học, cha là Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hoành, tên tự là Tín Phu, hiệu là Thận Trai, tính tình thuần chất, lối học chủ nghĩa duy lý. Dưới triều Tây Sơn, ông ở ẩn để nuôi chí. Buổi đầu đời vua Gia Long, chú trọng người tài, ông được chọn vào làm việc ở Viện Hàn lâm, từng làm quan Tri huyện Ngọc Sơn, rồi được triệu về kinh sung chức Tư giảng ở Công phủ, sau đổi làm Thị giảng ở cung Chấn Hanh.
 
Năm Minh Mạng thứ nhất (1820) bổ làm Thiêm sự bộ Lễ. Năm Minh Mạng thứ 8 (1827), ông được thăng chức, bổ nhiệm làm Hộ tào Bắc thành, sau chuyển sang Binh tào, vào làm Hữu Tham tri bộ Lễ. Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), vua sai quan sửa chữa luật lệ, sung ông chức Phó Tổng tài. Năm sau thăng hàm Tả Tham tri bộ Lễ rồi về hưu. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), ông được sung chức Sư bảo của hoàng tử. Vua rất trông mong, đặt nhiều kỳ vọng vào ông.
 
Trong số các hoàng tử mà ông dạy dỗ, có Nguyễn Phúc Miên Tông, sau này là vua Thiệu Trị. Nguyễn Đăng Tuân là người lễ giáo, dạy bảo các hoàng tử cẩn trọng và rất nghiêm nên được vua Minh Mạng hết sức yêu quý. Ông từng nói “Các hoàng tử ở nhà Tập Thiện, lúc tiến, lúc dừng, phần nhiều chưa hợp lễ, nếu chỉ giảng tập lễ phép thường thôi, sợ khó nên người có đức. Xin tham chước khuôn phép giảng học về Minh Mạng năm thứ 4, nghĩ định điều lệ, để cho cách dạy từ lúc bé được đứng đắn, và liệt ra tiết mục rõ ràng dâng lên”[1]. Chính nhờ sự tận tụy, hết lòng với nhiệm vụ cao cả, ông được gia hàm Thượng thư.
 
Ít lâu sau, ông xin cáo quan về làng. Tháng giêng (1941), khi vua Thiệu Trị lên ngôi năm thứ nhất đã ban dụ: “Tham tri bộ Lễ Nguyễn Đăng Tuân là người dạy dỗ trẫm học hành, trải qua nhiều năm nên già yếu, bệnh tật, đã mấy lần dâng sớ xin về nghỉ hưu nhưng Hoàng khảo còn thương tiếc cựu thần không nỡ cho về, sau sức khỏe ngày càng yếu nên đành thuận theo ý nguyện, ban cho giữ nguyên hàm về nghỉ hưu. Đến nay, các hoàng đệ của ta đã trưởng thành đều nhờ công lao dạy dỗ của viên ấy. Vậy, nay lại gọi ra cho làm ấu bảo của Hoàng tử và gia thưởng hàm Thượng thư, làm việc thêm 4-5 năm nữa vẫn giúp ích được nhiều”[2].
 
Năm đó, ông lại được khôi phục chức Sư bảo của hoàng tử, hoàng đệ. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), khi vua có chuyến Bắc tuần, ông được sung chức Đại thần ở lại kinh thành, thăng thụ chức Hiệp biện đại học sĩ, sung chức Sư bảo như cũ. Có thể thấy, vua Thiệu Trị hết sức nể trọng học vấn uyên bác của Nguyễn Đăng Tuân nên rất thành kính, đối đãi trọng thị với người thầy dạy. Dù trước đó, được cho phép về quê dưỡng già nhưng vì quý trọng trí tuệ, tấm gương đạo đức sáng ngời của ông mà vua vẫn khẩn thiết mời vào làm thầy cho các hoàng tử.
Tấm bia đá “Phù Chính hương hiền từ bia ký” ở phần mộ cũ của Hiệp biện đại học sĩ Nguyễn Đăng Tuân.
Tấm bia đá “Phù Chính hương hiền từ bia ký” ở phần mộ cũ của Hiệp biện đại học sĩ Nguyễn Đăng Tuân.

Tháng 9 cùng năm, ông dâng sớ tâu bị bệnh đau đầu, khó thở, xin được về quê dưỡng bệnh. Vua không nỡ trái ý mãi, bèn y cho về nghỉ, ban thưởng cho 10 củ sâm Cao Ly, 10 tấm quế Thanh, 100 lạng bạc để chi cho việc thuốc thang. Lại truyền cho bộ Công phái một chiếc thuyền có mui cho binh lính đi theo, bộ Lễ phái một thuộc viên, Viện Thái y phái một thuộc viên hộ tống trên đường đi. Ngày lên đường, vua truyền hoàng tử Hồng Bảo đích thân tiễn thầy dạy lên thuyền và truyền cho quan tỉnh Quảng Bình điều phái phu trạm đợi sẵn tại bến thuyền Hồ Xá (Quảng Trị) hộ tống về quê.

Nguyễn Đăng Tuân là người thận trọng, ít nói, sung làm chức Bảo phó lâu năm, sau khi về quê, vua mến nhớ khôn nguôi. Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), vua sai Nội các mang sắc thư đến nhà hỏi thăm sức khỏe, phong hàm Vĩnh Lộc đại phu Hiệp biện đại học sĩ. Hàng năm, chia một nửa lương bổng, lại cho người con thứ tập ấm là Nguyễn Đăng Đạc làm Tư vụ cùng cháu là cử nhân Nguyễn Đăng Hành ở nhà phụng dưỡng.
 
Ông đã dâng sớ khẩn thiết từ chối: “Quan tước là để khuyến khích hiền tài, bổng lộc là để nuôi dưỡng liêm khiết. Thần là kẻ thư sinh, lập nên nghiệp nhà, làm quan đến thự Tòng nhất phẩm, vinh quý biết nhường nào. Đã không thể làm được việc gì, chống gậy ở chỗ quê hương, vui mừng trông thấy cảnh thái bình, tự biết đã được may mắn quá phận! Thần trải thờ ba triều, bấy lâu nhờ về lương làm quan, cộng với hơn 10 mẫu ruộng của tiền nhân để lại, không đến nỗi thiếu ăn; lại được ơn cho nhiều bạc lụa, cũng đủ ăn gầy lúc tuổi già… Nếu được rủ lòng thương đến, thì số lương cho một năm một nửa, thần tôi xin lĩnh một kỳ để tỏ vẻ vang được ơn vua cho. Còn như thưởng cho quan hàm và lương cho từ sang năm trở đi, xin được theo như chí của thần chuẩn cho định miễn…”. Vua Thiệu Trị phê vào bản sớ rằng:“Tiên sinh thân tuy ở nơi điền dã, lòng vẫn để ở nơi cửa vua, há chẳng thấy chế độ nhà Hán “Không có quân công, không được phong hầu”, thế mà Hoành Vinh, Khổng Bá đều được tước Quan nội hầu, đời cổ nói không âm đức nào không báo, không lời nói nào là không đều”. Lễ phải là vậy, hà tất phải từ chối”[3].
 
Cảm kích trước tấm lòng của người thầy, vua làm bài thơ đề tặng. Khi Nguyễn Đăng Tuân đến cáo từ, cảm động đến chảy nước mắt, khuyên vua giữ gìn long thể để lo việc công, yêu đức nghĩa. Vua cũng vì thế mà cảm động, quý tặng ông nhân sâm bồi bổ sức khỏe, một bộ tập đầu thơ Ngự chế, một bộ Bắc tuần thi tập, một bộ áo chầu, sai quan ở bộ chuẩn bị binh thuyền hộ tống về quê. Lại sai hoàng tử thứ hai là Phúc Tuy đưa tiễn lên thuyền, an ủi, hỏi han, rồi về tâu lại.
 
Tháng 12 Thiệu Trị năm thứ 4 (1844), Hiệp biện đại học sĩ hưu trí Nguyễn Đăng Tuân mất tại quê nhà, thọ 73 tuổi. Vua thương xót, cho truy tặng hàm Thiếu sư, lại ban cho tên thụy là Văn Chính, gia cấp cho 3 cây gấm hoa, 5 cây sa hoa, vải lụa mỗi thứ 50 tấm, 1.000 quan tiền. Chuẩn cho con trưởng là Tổng đốc Sơn-Hưng-Tuyên Nguyễn Đăng Giai về quê lo liệu vệc tang, sai Bố chính Quảng Bình là Nguyễn Văn Đạt đến tế một tuần.
 
Ngày an táng, vua sai Từ tế sứ Tôn Thất Trật khâm lệnh đến tế một tuần rượu, làm một bài thơ để viếng và một đạo sắc làm lễ phần hoàng, khi tuần rượu tế thì tuyên đọc, còn một đạo giấy rồng giao cho con cháu nhận giữ để làm gia bảo. Lại cho soạn công trạng khắc vào bia đá, dựng bia ở làng Phù Chánh quê hương ông.
 
Năm Tự Đức thứ nhất (1848), vua nhớ ơn công lao của Nguyễn Đăng Tuân đã làm 2 bài thơ và ban dụ “Thận Trai tiên sinh, trước sung tây tịch, giúp ích rất nhiều vẫn canh cánh trong lòng, không thể thôi được”[4]. Sai đem thơ mang đến đọc để tế điện. Khi quần thần báo lại cảnh nhà thanh bạch, vua liền ban sắc giao cho ty quan Quảng Bình có trách nhiệm dựng nhà thờ.
 
Ban đầu ông được an táng tại Phù Chánh, nay là thôn Nội Mai, xã Hưng Thủy. Về sau con cháu cất bốc lên ở Động Êm, dưới chân dốc Sỏi, thuộc xã Hưng Thủy. Do hoàn cảnh chiến tranh, nhà thờ, sắc phong, trước tác, hiện vật con cháu không lưu giữ được gì, chỉ sót lại bức bình phong. Tại phần mộ cũ còn tấm bia đá có tựa đề “Phù Chính hương hiền từ bia ký”, nghĩa là bia đề hương hiền Phù Chính.
 
Ông Võ Danh Thuần, Chủ tịch UBND xã Hưng Thủy cho biết, với trí tuệ, tài năng và những cống hiến to lớn của Hiệp biện đại học sĩ Nguyễn Đăng Tuân trong lịch sử, chính quyền xã và dòng họ Nguyễn Đăng mong muốn các cơ quan chức năng của tỉnh sớm xem xét, xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa đối với khu mộ, nhà thờ để có kế hoạch phục hồi, tôn tạo di tích làm nơi giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ.
 
Mặc dù lên ngôi vương nhưng vua Thiệu Trị vẫn giữ trọn đạo làm trò, hết sức yêu mến, kính trọng ân đức với người thầy. Tình cảm sâu nặng giữa vua Thiệu Trị và Hiệp biện đại học sĩ Nguyễn Đăng Tuân càng làm ngời sáng thêm truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam.
                                                                                    Kỳ Sơn
 
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện, NXB Thuận Hóa, 2013, Huế, tập 3-4, tr.186.
[2] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Thiệu Trị tập 7, tờ số 4.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, NXB Hà Nội, 2022, Hà Nội, tập 6, tr.613.
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện, NXB Thuận Hóa, 2013, Huế, tập 3-4, tr.188.

tin liên quan

Đầy đặn vốn liếng nhưng chưa thể… sinh lời

(QBĐT) - Quảng Bình mang trong mình những giá trị về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa của bà con dân tộc thiểu số nhưng những tiềm năng, lợi thế ấy chưa thực sự được phát huy.

Bài 2: Tên người đã khuất... hóa thành tên Quyết Thắng

(QBĐT) - Rời xã Quảng Sơn, nơi xảy ra trận thảm sát B52 tang thương khi chỉ còn đúng 25 ngày nữa thôi, Hiệp định Paris về chiến tranh Việt Nam chính thức được ký kết (27/1/1973), tôi lại đến với xã Thanh Trạch (Bố Trạch). 

Bài 1: Ngày giỗ chung cho những người nằm xuống

(QBĐT) - Không biết run rủi thế nào, ngày tôi về Quảng Sơn lại đúng dịp người dân trong xã tổ chức lễ giỗ chung thường niên (ngày 28/11 âm lịch) cho những nạn nhân trong trận thảm sát B52 cách đây tròn 50 năm.