Tiến sĩ của... rừng
(QBĐT) - Không phải ngẫu nhiên mà tôi muốn một cuộc hẹn với anh Ngô Văn Hồng (SN 1977), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao (CEGORN) ngay tại bản Kè, một bản làng người Mã Liềng, xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa), chứ không phải ở một nơi nào khác. Trên đường cùng anh vào bản, chúng tôi gặp già làng Cao Dụng mới đi nương về. Họ gặp nhau, tay bắt mặt mừng, cứ như thể người thân lâu ngày gặp lại. Anh Hồng bảo, chính duyên nợ với những người con của núi rừng miền Tây tỉnh Quảng Bình khiến anh trở thành người thân của họ tự lúc nào không hay.
Người con của bản làng
Anh Hồng chuyện trò sành sỏi bằng tiếng Mã Liềng với già Cao Dụng (70 tuổi). Đi bên cạnh, nhiều lúc chính tôi trở thành người lạc lõng, dù với vị già làng này, tôi chẳng phải người xa lạ. Thì ra, mối thâm tình của họ đã qua những gần 20 năm. Đó là năm 2003, một ngày, già Cao Dụng-lúc bấy giờ là Trưởng bản Kè thấy mấy người lạ khoác ba lô lội suối đi vào bản. Hỏi thì họ nói, vào đây để giúp đỡ dân bản. Già nghi ngờ. Dân bản cũng nghi ngờ không kém. Thôi thì cứ để xem họ giúp được những gì.
“Thời điểm đó, người Mã Liềng mới về định cư ở bản Kè. Nhà thì đã có, nhưng cũng chỉ tạm bợ bằng tranh, tre, nứa, lá, lụp xụp như những cái chòi di cư thuở trước và cái ăn vẫn chưa tự chủ được. Với bà con, nếu không tự sản xuất chăn nuôi, trồng trọt được cũng khó giữ được “cái chân” của họ. Nhưng, anh Hồng đã suy nghĩ hộ cho bà con điều này”, già Cao Dụng nhớ lại.
Anh Hồng kể, lần đó không phải là lần đầu anh tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nơi núi rừng miền Tây này. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý tài nguyên rừng (Đại học Lâm nghiệp), anh từ chối ở lại làm việc tại trường để khoác ba lô đi thực địa với ước mơ mang những kiến thức đã học để làm điều có ích cho cộng đồng.
Anh đầu quân cho Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD), thuộc Liên hiệp các hội Khoa học-Kỹ thuật Việt Nam, và được phân công lên nghiên cứu kiến thức bản địa, giúp đỡ người Ma Coong ở bản Cu Tồn, xã Thượng Trạch (Bố Trạch)-mở đầu cho quãng đường hơn 20 năm ròng rã vượt núi, băng rừng, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với người DTTS Quảng Bình.
Năm 2003, CIRD điều anh Hồng về giúp đỡ người Mã Liềng ở bản Kè định canh, định cư ổn định cuộc sống. Đây là một trong ba tộc người ở Quảng Bình đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
“Cùng sinh sống, làm việc với bà con mới thấy hết những vất vả, khó khăn của họ. Họ sống định canh, định cư nhưng cuộc sống vẫn theo kiểu bán tự nhiên, dựa vào tự nhiên để săn bắt, hái lượm. Nhiệm vụ chính của mình là nghiên cứu kiến thức bản địa của bà con, nhưng thực tế đời sống của người dân ở đây đang phải đối mặt với khó khăn hàng ngày luôn khiến mình trăn trở, làm gì để đồng bào bớt khổ. Nhưng làm gì và làm như thế nào không phải dễ? Muốn làm được và để họ làm theo, mình phải nói và làm cho bà con tin tưởng. Và để họ làm theo, mình phải hiểu được tiếng nói của họ, hiểu được những gì họ đang nghĩ”, anh Hồng kể.
Từ đó anh vừa học tiếng Mã Liềng, vừa xây dựng kế hoạch, kêu gọi dự án hỗ trợ vốn để làm nhà ở cho bà con. Sau khi kêu gọi được vốn và thành lập hội đồng già làng, gồm những người có uy tín của các dòng họ ở bản Kè, anh tổ chức các thành viên trong cộng đồng Mã Liềng thành các tổ làm nhà và triển khai làm từng cái một, không giống như chương trình, dự án làm nhà ở hàng loạt trước đó.
Ngôi nhà đầu tiên được anh lựa chọn để làm là nhà của Trưởng bản Cao Dụng. Cứ như vậy, người xẻ gỗ, người vận chuyển ngói, người dựng cột, dựng nhà. Ai cũng có vai trò, công việc riêng để góp sức cùng cộng đồng. Cứ như vậy, từ năm 2004-2007, gần 30 ngôi nhà sàn kiên cố được hoàn thành. Khi “nút thắt” về nhà ở cho người Mã Liềng an cư được giải quyết, anh Hồng lại bám bản, trực tiếp “bắt tay chỉ việc”, hướng dẫn người Mã Liềng làm chuồng trại chăn nuôi, làm ruộng, làm vườn.
“Phải để bà con tự làm nhà cho mình, bà con mới quý mảnh đất, nơi ở, công sức của mình làm ra. Trong trồng trọt, chăn nuôi cũng vậy, thói quen sản xuất sẽ dần tạo nên ý thức lao động”, anh Hồng nói.
Người của... rừng
Hơn 20 năm gắn bó với rừng núi miền Tây Quảng Bình, anh Ngô Văn Hồng đã đặt dấu chân lên nhiều mảnh đất xa xôi, heo hút nhất. Anh tâm sự, những năm tháng cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với bà con, anh đã trang bị thêm cho mình vốn kiến thức, văn hóa bản địa của nhiều tộc người.
“Họ mới chính là những chủ nhân, những người con thực sự của núi rừng. Hàng trăm năm nay, họ đã tìm thấy sự sống nơi “mẹ rừng” và cũng chính “người mẹ thiên nhiên vĩ đại” này đã cung cấp cho họ sự sống, nên hơn ai hết, họ là người hiểu rừng hơn cả. Vốn văn hóa, kiến thức bản địa của họ chính là kho báu. Nếu chúng ta không giúp đỡ họ, thì khó lòng giữ được rừng”, anh Hồng chia sẻ.
Tôi hỏi, vậy có sự liên quan, liên hệ nào giữa tri thức bản địa, sự phát triển của cộng đồng DTTS nơi đây và quản lý, bảo tồn, phục hồi rừng? Anh Hồng khẳng định, đó là mối quan hệ tương hỗ và là sợi dây kết nối vô hình trong quá trình quản lý rừng bền vững hiện nay. Người dân sống ở rừng cần được mưu sinh và rừng cũng cần được phục hồi, bảo vệ. Hai vấn đề nêu trên, nghe thì có vẻ mâu thuẫn, nhưng nó lại bổ sung, bổ trợ cho nhau.
Nhưng rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, liệu rằng những tri thức bản địa của họ có thể mang lại hiệu quả trong thực tế? Vì khi rừng tự nhiên mất đi, đồng nghĩa với không gian sinh tồn của họ không còn, những tri thức bản địa của đồng bào DTTS chắc chắn khó có thể thực nghiệm?
Thấy tôi băn khoăn, anh Hồng trả lời, chính vì vậy, từ năm 2021, trung tâm của anh đã phối hợp với Công ty TNHH Xã hội trồng và phục hồi rừng Việt Nam (VARS) triển khai Dự án “Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh” bằng các giống cây bản địa. Đến nay, diện tích rừng được phục hồi trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã lên đến gần 180ha. Đây là sự chuyển hướng phù hợp để phục hồi một cách bền vững các giá trị đa dạng sinh học của rừng và là chìa khóa để sống chung với biến đổi khí hậu.
Tôi biết rất nhiều lần anh Ngô Văn Hồng chối từ cơ hội tốt, hoặc ít nhất là những công việc không vất vả so với công việc “ăn rừng, ngủ núi”. Nhưng nói như anh, duyên nợ với rừng, những trăn trở với rừng đã neo cuộc đời anh với miền Tây Quảng Bình, mặc dù quê anh ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).
Đầu năm 2022, anh Hồng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, với đề tài: “Vai trò của vốn xã hội và thể chế địa phương trong quản lý rừng cộng đồng ở khu vực Bắc Trung bộ”. Luận án được đánh giá là công trình khoa học nghiên cứu chuyên sâu đầu tiên về vốn xã hội và thể chế trong quản lý rừng cộng đồng ở Việt Nam, 2 yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến việc tổ chức quản lý và hiệu quả quản lý rừng cộng đồng. Và, giờ đây, anh là tiến sĩ?, tôi hỏi. Anh Hồng cười và bảo rằng: “Mình chỉ là người yêu rừng, có duyên nợ với rừng, còn tiến sĩ cũng là người của... rừng mà thôi”.
Năm 2013, sau khi người Mã Liềng ở xã Lâm Hóa được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng, anh Hồng cùng các cộng sự của mình đã góp phần không nhỏ trong việc lập dự án, hỗ trợ kinh phí và thúc đẩy việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho người dân Mã Liềng ở bản Kè và bản Cáo. Năm 2019, anh Hồng cũng đã kêu gọi, hỗ trợ người dân hệ thống nhà sấy chạy bằng điện và năng lượng mặt trời; xây dựng nhà xưởng sơ chế măng tươi; đồng thời, tập huấn cho tổ hợp tác vận hành sấy măng để tạo ra sản phẩm măng khô. Năm 2021, “Măng khô Mã Liềng” đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận và UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. |
Dương Công Hợp
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.