Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Một ngày với sông Loan

  • 08:02 | Thứ Bảy, 15/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi lớn lên bên bờ sông Gianh, với nhiều dấu ấn lịch sử nổi tiếng. Người dân quê tôi khi nói đến sông núi quê mình, thường chỉ biết đến Hoành Sơn-Linh Thủy. Chẳng ai biết giữa hai địa danh kỳ vĩ đó còn có sông Loan-núi Phượng.
 
Một dòng sông be bé
 
Đó là cách nói của lương y Trần Lý Minh, người hứa dẫn tôi đi dọc sông Loan. Mà nó bé thật, bé đến mức thời còn đi học, không ai nói cho tôi biết có một dòng sông như thế. Tôi còn nhớ, có lần được cha dẫn đi chạp ở họ ngoại, ông đọc cho tôi nghe cặp câu đối chữ Hán ở tiền sảnh nhà thờ: “Hoành Sơn Nguyễn đức thiên thu tại/Linh Thủy Trần ân vạn cổ lưu”. Cha tôi giải thích, người dân bắc Quảng Bình lấy Hoành Sơn-Linh Thủy làm biểu tượng để tự hào, nên ví đức của Tổ họ sừng sững như Hoành Sơn, ân của Tổ bà như nước sông Gianh chảy mãi. Trong những câu chuyện của mình, cha tôi vẫn thường nói về đèo Ngang, về vùng Roòn, nhưng chưa bao giờ ông nói về sông Loan cả.
 
Bây giờ thì sông Loan nằm trong các thư tịch đối với tôi không còn xa lạ. Nhưng ước ao có được một lần đi dọc con sông chừng 30 km này, với tôi vẫn khó thực hiện. Rất may trong một lần ngồi uống rượu Quảng Châu với bạn văn, lương y Trần Lý Minh-một người “chính hiệu” Roòn buột miệng: “Ưng thì ta chở đi, thổ mà”. Nói vậy nhưng anh cứ lần lữa mãi, buộc tôi phải lên nhà “nằm vạ”.
 
Xuất phát từ thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương (Quảng Trạch), sau khi thắp hương lên bàn thờ tổ, Trần Lý Minh nói với tôi và nhiếp ảnh gia Trần An: “Người xứ Roòn thường nhắc đến cụm từ sông Loan, núi Phượng để tự hào. Núi Phượng nằm trên dãy Hoành Sơn hùng vĩ đâm ra tận biển, án ngữ trên hành trình thiên lý bắc nam”. Nói là vậy, nhưng anh lại cho chúng tôi lên núi Chóp Chài-Trung Thuần. Anh giải thích, người dân địa phương sống ở đầu nguồn tin rằng, sông Loan bắt nguồn từ đỉnh núi Phượng (ngọn núi cao nhất trên dãy Hoành Sơn), dòng chính chạy theo hướng đông nam qua các xã Quảng Hợp, Quảng Kim đến Quảng Châu thì gấp khúc chuyển hướng qua các xã Quảng Tùng, Quảng Phú rồi theo cửa Roòn đổ ra biển. 
Cầu Roòn trên Quốc lộ 1A bắc qua sông Loan. Ảnh: Trần An
Cầu Roòn trên Quốc lộ 1A bắc qua sông Loan. Ảnh: Trần An
Tuy nhiên, tôi muốn cậu hiểu rõ thêm rằng, sông vẫn bắt nguồn trục tây-đông. Đôi bờ tả hữu của sông có hai hệ núi chạy dọc đối lập nhau kỳ lạ. Bên cao phía Bắc sông là dãy Hoành Sơn hùng vĩ. Bên thấp là sơn hệ Chóp Chài phía Nam sông, chỉ có mấy đỉnh núi cao không quá bốn trăm mét. Hai sơn hệ nằm hai phía sông, tuy có nhiều thứ chung nhưng cũng lắm điều khác biệt về hệ thực vật, muông thú, mật độ phận bố, địa hình thổ nhưỡng, thời tiết khí hậu. Có thứ bên này có nhiều, bên kia có ít. Có thứ bên này có bên kia không, mặc dù bên này bên kia sông cách nhau ở phía thượng nguồn có chỗ chưa đầy năm mươi mét. Điều kỳ lạ này dân bản địa ai cũng biết, nhưng không ai hiểu được tại sao nó như vậy.
 
Thân sinh Trần Lý Minh là cụ Trần Đình Hiếu, người sở hữu nhiều kiến thức văn hoá, đông tây, kim cổ đã để lại cho anh nhiều pho sách và tài liệu quý. Anh mở cuốn "Ô châu cận lục" của Dương Văn An rồi đọc cho tôi nghe: “Núi Hoành Sơn ở châu Bố Chính gần xã Sơn Tiêu, tiếp giáp với Nghệ An. Núi này chạy dài từ núi tổ, thế như rồng cuốn hổ ngồi, trùng trùng điệp điệp kéo mãi ra đến tận biển. Vách đứng cao vạn nhận, nom giống như bức tường thành, án ngữ cả một vùng phương Nam”. Ngước nhìn lên đỉnh Hoành Sơn, anh cảm thán: “Sông Loan nhìn từ núi Phượng tựa như một con rồng uốn lượn khắp dải phù sa, cảnh sắc sông núi đẹp như một bức tranh thủy mặc”. Theo nhà nghiên cứu văn hóa và văn nghệ dân gian Nguyễn Tú, sông Loan phát nguyên từ sơn hệ Hoành Sơn, có hai nguồn chính. Một nguồn bắt đầu từ khe Đen (Quảng Hợp) và một nguồn từ khe Thai (Quảng Kim).
 
Trên hành trình của mình, chúng tôi dừng lại chiêm ngưỡng hồ thuỷ lợi Vực Tròn. Một công trình mà chính tôi cũng đã có những tháng ngày lăn lộn đào hố trụ tại thôn Hoà Lạc, xã Quảng Châu. Một công trình, được coi là vĩ đại thời đó. Sau 3 năm xây dựng, công trình hoàn thành với  dung tích hơn 50 triệu m3 và được coi là bể chứa nước của sông Loan, phục vụ tưới tiêu nông nghiệp cho các khu vực hạ nguồn Bắc Quảng Trạch và một số phường thuộc thị xã Ba Đồn. Nay còn là nguồn cung cấp nước cho dự án nhiệt điện Quảng Trạch tại xã Quảng Đông. Một điều lạ là hồ Vực Tròn chưa bao giờ cạn nước. Một người dân địa phương tự hào nói, sông Loan như một con rồng uốn lượn, ôm ấp, chở che những làng quê khắp xứ Roòn, mà đã là rồng sao thiếu nước được.
 
Sông tuy bé nhưng “đặc sản” lớn
 
“Đặc sản” mà Trần Lý Minh nói đến gồm ba thứ: Đất hiếu học khoa bảng, sản vật ngon nổi tiếng và nền văn hoá dân gian.Nói về hiếu học khoa bảng của vùng đất này thì nhiều, nhưng tự hào nhất vẫn là người Cảnh Dương. Trước khi đổ ra biển, sông Loan chạy qua Cảnh Dương, một vùng quê địa linh nhân kiệt, đã góp phần làm nên một trong "Bát danh hương" của Quảng Bình. Theo đó thì, trước thế kỷ XX, Cảnh Dương có đến 8 vị đỗ tiến sĩ. Riêng dưới triều Nguyễn, có 2 tiến sĩ là Phạm Chân (khoa Mậu Tuất 1838) và Nguyễn Phùng Dực (khoa Kỷ Dậu 1849), 1 phó bảng, 14 vị cử nhân và 120 tú tài.
 
Chúng tôi đi thăm mộ cụ Nguyễn Phạm Tuân ở xã Quảng Tùng. Trước khi trở thành Đại tướng quân trong phong trào Cần Vương, cụ cũng là người đỗ đạt khoa bảng, dù cụ là người nơi khác về đây. Đúng như câu ca dao: Sông Loan, núi Phượng hữu tình/Bảng vàng ấn ngọc anh linh chầu về.
 
Nói đến sản vật sông Loan, núi Phượng thì nhiều, nhưng chỉ xin điểm qua về ba sản vật rất nổi tiếng: Sâm Bố Chính tự nhiên, rượu Quảng Châu và sò huyết. Sâm Bố Chính mọc từ đỉnh Chóp Chài đến rừng núi xã Quảng Châu. Theo nhiều tài liệu mà lương y Trần Lý Minh có được, Hải Thượng Lãn Ông đã coi thứ sâm này là một phương thuốc quý. Cụ tổ của anh khi cắt thuốc đã dùng thay cho sâm Cao Ly đắt đỏ.
 
Anh Nguyễn Phương, người đang thực hiện dự án bảo tồn loại sâm quý này khoe với chúng tôi: “Cụ Nguyễn Hàm Ninh từng mang những củ sâm từ đỉnh Chóp Chài vào cung đình Huế để dâng vua. Sâm Bố Chính nhờ thế mà có cơ hội trở thành vị thuốc chính trong Minh Mạng thang "Nhất dạ ngũ giao sinh tứ tử" và trong món ăn hàng ngày của các vua Nguyễn”. Anh còn lôi ra một tập sách báo để chứng minh điều này.
 
Thêm một “sản vật tiến vua” của sông Loan nữa đó là sò huyết. Trong "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn, có đoạn: “Cửa biển châu Bắc Bố chính xưa không có sò. Từ thời Hiền quận công Nguyễn Khắc Liệt trấn thủ, sai ba chiếc thuyền ra Quảng Yên, giáp với Khâm Châu lấy về bỏ ở cửa biển Di Luân (cửa Roòn), đến nay xứ ấy mới có sò”
 
Theo ông Trần Đình Ngự một chủ quán chuyên sò huyết nổi tiếng, loại sò huyết tự nhiên này chỉ có vào mùa hè, giữa tháng 4-5 và không phải năm nào cũng có. Cách chế biến loại sò này cũng cực kỳ công phu, không phải ai cũng làm ngon được. Sò huyết được chần qua nước sôi, sau đó lấy phần thịt và huyết sò còn đỏ tươi bỏ vào bát rồi thêm gia vị vào để thưởng thức. Ăn miếng thịt sò huyết ngọt lịm, béo bùi như “ngậm” cả sự ngọt ngào của nước sông Loan lẫn vị đậm đà của nước biển.
 
Nhà biên kịch phim chính sự nổi tiếng Phạm Ngọc Tiến khi đến đây thưởng thức món sò huyết còn viết cả một bài tản văn dài ca ngợi.Tích xưa kể lại rằng, vào những năm được mùa sò huyết, các thuyền buôn thường ghé cửa Roòn thu mua để tiến cống vua chúa. Dân vùng Roòn vì thế vẫn thường gọi đây là loại "sò huyết tiến vua"...
Cửa biển sông Loan. Ảnh: Trần An
Cửa biển sông Loan. Ảnh: Trần An
Ăn món sò huyết này mà nhắm với rượu trắng Quảng Châu thì thật tuyệt vời. Ông Nguyễn Văn Quế ở thôn Hoà Lạc, xã Quảng Châu, mời chúng tôi nhấp môi chén rượu mới nấu, giọng bỗ bã nhưng đầy tự hào: “Rượu Quảng Châu ngon là nhờ mạch nước sông Loang (Loan) đấy. Uống không say đâu, mà lỡ có say thì khi tỉnh dậy, cái mồm không đắng như say các loại rượu khác nhé”.
 
Sông Loan, núi Phượng còn là một vùng dân cư có nền văn hóa lâu đời, là nguồn cảm hứng của bao thi nhân mặc khách. Từ trong lao động, người dân nơi đây đã sáng tác và truyền cho nhau những câu hò, điệu hát phản ánh tâm tư, tình cảm của người dân với phong cách mộc mạc, chân tình. Đặc biệt, thể loại hò hụi và điệu ru Cảnh Dương độc đáo không nơi nào có.
 
Chúng tôi đã được Nghệ nhân ưu tú Lê Thành Lộc và Câu lạc bộ Dân ca Cảnh Dương chiêu đãi một “bữa tiệc” các làn điệu dân ca. Trong buổi chiều lộng gió, hoà cùng sóng biển, ta nghe như nuốt từng lời hát ru ngọt ngào: “Hò hè, hò he, hò hè, hò hè/Bống bống, bồng bồng/Ai ơi, ai ởi, ai ời/Ai lên bóng liễu, ai ngồi ghế mây/Hò he, hò hè/Bống bông, bồng bồng…”.
 
Một ngày với sông Loan là chưa đủ để nếm trải những gì tuyệt vời nhất của nơi đây. Nhưng cũng để ta nhận thấy rằng, trải qua bao biến thiên thời cuộc, Sông Loan vẫn một màu xanh biếc, nhẹ nhàng lượn mình qua các làng quê yên bình, ôm ấp và che chở cho bao thế hệ cư dân ven sông, hun đúc nên những làng quê văn vật, trù phú. Xuôi theo dòng Loan, hòa mình vào thế sông thế núi, chúng tôi như tận hưởng được những dư vị ngọt ngào, nồng ấm từ con nước, bình dị mà không kém phần thi vị như chính con người xứ Roòn vậy.
 
                                                                                               Bút ký của Đỗ Thành Đồng

tin liên quan

"Giữ lửa" nghề truyền thống

(QBĐT) - Cơ chế thị trường hiện đang đặt ra cho các làng nghề truyền thống không ít khó khăn, thách thức nhưng nhiều làng nghề ở Quảng Bình vẫn được lưu giữ, kế thừa và phát triển. Góp phần quan trọng trong nỗ lực này chắc chắn không thể thiếu bàn tay khéo léo của những người thợ cần mẫn, tâm huyết, ngày ngày "giữ lửa" truyền nghề cho thế hệ mai sau.
 

Xứng danh "làng quê đáng sống"

(QBĐT) - Đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương giàu mạnh, giữ vững danh hiệu khu dân cư (KDC) tiêu biểu đã trở thành mục tiêu của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Thanh Hải, xã Thanh Trạch (Bố Trạch).
 

Biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam-Cuba

(QBĐT) - Trong những ngày khói lửa của cuộc chiến vệ quốc ở Việt Nam, tuy còn khá nghèo, nhưng Đảng, Nhà nước, nhân dân Cuba đã viện trợ không hoàn lại cho nhân dân Việt Nam nhiều hạng mục công trình có giá trị kinh tế trước mắt và dài lâu. Một trong những công trình đó là Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (HNVN-CBĐH), trực thuộc Bộ Y tế, đứng chân trên mảnh đất Quảng Bình.