"Luật thi đua khen thưởng (sửa đổi) sẽ khích lệ, động viên phong trào thi đua, khát vọng cống hiến"

  • 14:31 | Thứ Sáu, 27/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Sáng nay, 27/5, đại biểu Nguyễn Minh Tâm và đại biểu Trần Quang Minh đã thảo luận tại hội trường về Luật Thi đua khen thưởng (TĐKT) (sửa đổi). Báo Quảng Bình lược ghi nội dung các ý kiến.

. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm:

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm thảo luận tại hội trường về Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi)
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm thảo luận tại hội trường về Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi)

Cơ bản tán thành với các nội dung tại báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), đại biểu Nguyễn Minh Tâm có một số ý kiến, gồm: về nội dung phân cấp, Dự thảo Luật lần này đẩy mạnh việc phân cấp cho các bộ, ngành và địa phương trong hướng dẫn một số tiêu chuẩn về xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, như vậy là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, bao gồm cả TĐKT. Tuy nhiên, để việc triển khai thực hiện bảo đảm thống nhất, Luật cần quy định rõ hoặc giao Chính phủ quy định khung tiêu chuẩn chung để làm cơ sở cho các bộ, ngành và địa phương căn cứ thực hiện, tránh tình trạng mỗi địa phương thực hiện một kiểu.

Liên quan đến danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), đại biểu Nguyễn Minh Tâm đã có nhiều ý kiến, đồng thời bày tỏ sự trăn trở bởi lẽ một số các quy định liên quan đã hạn chế trường hợp và chưa đáp ứng tình hình thực tế hiện tại. Điển hình là quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ VNAH và khoản 1 Điều 2 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP quy định: “Những bà mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ VNAH”: 1. Có 2 con trở lên là liệt sĩ; 2. Chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sĩ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; 3. Có 1 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ ;…”

Theo đại biểu, những quy định này khó đáp ứng bởi với chính sách dân số của thời kỳ đổi mới, những bà mẹ thời bình, thường chỉ có 1-2 con và việc một người con hi sinh trong thời bình là một đau đớn, mất mát rất lớn đối với gia đình mà đặc biệt là người mẹ. Vì vậy, họ xứng đáng được tôn vinh, truy tặng.

Cùng với những ý kiến nêu trên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đã kiến nghị Quốc hội có Nghị quyết để điều chỉnh, rà soát, sửa đổi Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ VNAH” theo hướng điều chỉnh, bổ sung các tiêu chuẩn để mở rộng đối tượng được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ VNAH”. Trước mắt, ngoài các quy định tại điều 2 Pháp lệnh, đề nghị xem xét bổ sung thêm quy định: “Bản thân là con của Liệt sỹ và có ít nhất 01 người con là Liệt sỹ” vào đối tượng được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ VNAH”.

Lý giải về đề nghị này, đại biểu nhấn mạnh, xuất phát từ thực tiễn thời gian qua, đặc biệt là trong đợt mưa lũ lịch sử năm 2020 và trong đợt phòng, chống đại dịch Covid-19 đã có không ít cán bộ, chiến sĩ và y bác sĩ tuyến đầu đã hy sinh vì sự nghiệp để bảo vệ sức khỏe người dân. Chính vì vậy, đại biểu mong Quốc hội cân nhắc, xem xét để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng và kịp thời động viên, xoa dịu nỗi đau của thân nhân liệt sỹ.

Đại biểu cũng đề nghị, để tránh tình trạng Luật có hiệu lực nhưng chờ nghị định, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát cân nhắc những nội dung quy định rõ vào luật thì nên quy định để khi luật có hiệu lực có căn cứ triển khai thực hiện.

“Luật TĐKT (sửa đổi) được thông qua sẽ phản ánh, khích lệ, động viên được phong trào thi đua mạnh mẽ, khát vọng cống hiến của mỗi con người Việt Nam, không phân biệt công chức hay người dân, lãnh đạo hay nhân viên, lao động. Có như thế, khen thưởng mới thực sự thể hiện đúng vai trò “đòn bẩy” cho khát vọng cống hiến vì lòng yêu nước như Bác Hồ hằng mong muốn”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh.

. Đại biểu Trần Quang Minh:

Cơ bản đồng tình với Dự thảo Luật TĐKT (sửa đổi), đại biểu Trần Quang Minh có ý kiến đối với các nội dung danh hiệu gia đình văn hóa, gia đình tiêu biểu, xã tiêu biểu và huy chương thanh niên xung phong (TNXP) vẻ vang.

Đại biểu Trần Quang Minh thảo luận tại hội trường về Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi)
Đại biểu Trần Quang Minh thảo luận tại hội trường về Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi)

Theo đại biểu, những năm qua, tỷ lệ gia đình văn hóa thường có trên 80%, có nơi còn trên 95%. Việc chỉ dừng lại ở danh hiệu gia đình văn hóa và thực hiện bình xét theo các tiêu chuẩn của Nghị định 122 của Chính phủ về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “”Thôn văn hóa”; “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, thì ý nghĩa của danh hiệu gia đình văn hóa bớt đi sự trân trọng bởi hầu như gia đình nào cũng đạt. Do đó, theo đại biểu Trần Quang Minh cần thiết có danh hiệu gia đình tiêu biểu để tìm ra những hạt nhân điển hình, góp phần tạo phong trào thi đua sôi nổi.

Đối với danh hiệu xã tiêu biểu, đại biểu đề nghị phải có tiêu chuẩn cứng, đó là xã phải đạt nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, NTM nâng cao; xã ở vùng khó khăn phải đạt NTM nhằm góp phần động viên thực hiện hiệu quả phong trào cả nước chung sức xây dựng NTM do Thủ tướng Chính phủ phát động và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Đại biểu đề nghị bổ sung Huy chương TNXP vẻ vang vào mục 1 và mục 2 của Điều 54, đồng thời quy định việc tổng kết thành tích trong kháng chiến giữ nguyên như Điều 96. Đại biểu cũng bày tỏ sự băn khoăn đối với các đối tượng cựu TNXP đã qua đời do bệnh tật và đề nghị Quốc hội có sự xem xét thấu đáo để truy tặng Huy chương TNXP vẻ vang nhằm an ủi gia đình, người thân, đây cũng là một cách giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu về tinh thần yêu nước của các thế hệ cha anh nói chung, lực lượng TNXP nói riêng.


 Ngọc Mai (lược ghi)

tin liên quan

Duy trì thịnh vượng, phát huy vai trò của châu Á

Ngày 26/5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị quốc tế về tương lai châu Á lần thứ 27 ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản).
 

Biểu quyết thông qua 16 nghị quyết quan trọng

(QBĐT) - Hôm nay, 27/5, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026.

Ban Bí thư thi hành kỷ luật cán bộ

Ngày 26/5/2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật: đồng chí Lê Minh Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng và đồng chí Đinh Quý Nhân, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình.