Phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước

Bài 2: Khẳng định vai trò tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước

  • 07:22 | Thứ Năm, 26/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực tế cho thấy ở những doanh nghiệp (DN) có tổ chức đảng, nhận thức chính trị của người lao động thường cao hơn và việc định hướng tư tưởng cho người lao động cũng thuận lợi hơn. Việc thành lập tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) trong DN ngoài khu vực Nhà nước không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt chính trị-xã hội của một bộ phận người lao động mà còn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
 
 
Phát huy vai trò tổ chức đảng trong DN
 
Đảng bộ Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình hiện có 47 đảng viên, sinh hoạt tại 3 chi bộ. Từng là DN Nhà nước làm ăn thua lỗ, năm 2006, sau khi cổ phần hóa, bằng sự đoàn kết, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên và người lao động, công ty từng bước khẳng định vị thế của mình với số nộp ngân sách nhà nước ngày càng cao; thu nhập bình quân của người lao động là 13 triệu đồng/người/tháng.
 
Ông Đặng Thái Sơn, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết: Đội ngũ cán bộ cốt cán của công ty đều là đảng viên. Những năm qua, Đảng bộ Công ty luôn hoạt động nền nếp với tỷ lệ đảng viên khá cao. Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
 
“Từng là cán bộ công tác lâu năm trong quân đội, khi sinh hoạt Đảng tại công ty, tôi thấy việc phát triển tổ chức đảng trong DN ngoài khu vực Nhà nước là rất cần thiết và quan trọng. Trong công ty có những đảng viên tốt thì chắc chắc đó là những nhân viên tốt, biết phấn đấu và có tính kỷ luật cao”, ông Đặng Thái Sơn cho biết.
 
Sau 2 năm công tác tại Phòng Kinh doanh, Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình, năm 2015, chị Nguyễn Phương Dung chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của người phụ nữ gần 40 tuổi này. Trước đó, chị Dung từng công tác tại một DN nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh. Cũng giống như nhiều người khác, chị Dung chỉ mong có công việc, thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống.
 
“Trở thành đảng viên là điều rất thiết thực bởi giúp cá nhân tôi nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tuân thủ nghiêm giờ giấc làm việc, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời thường xuyên phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình. Từ khi vào Đảng, tôi nhận được sự chia sẻ, định hướng, động viên của đội ngũ cán bộ, đảng viên và lãnh đạo công ty, từ đó, giúp bản thân vơi bớt mọi áp lực để nâng cao hiệu quả làm việc”, chị Nguyễn Phương Dung tâm sự.
Phát triển đảng viên là nhiệm vụ luôn được Chi bộ Công ty TNHH S&D Quảng Bình hết sức quan tâm.
Phát triển đảng viên là nhiệm vụ luôn được Chi bộ Công ty TNHH S&D Quảng Bình hết sức quan tâm.
Dưới sự hỗ trợ của Tổng công ty May 10, Chi ủy, Ban Giám đốc Công ty TNHH S&D Quảng Bình đã biết vận dụng thời cơ, khai thác lợi thế so sánh, đưa DN ngày càng phát triển lớn mạnh, trở thành điểm sáng trong ngành may của tỉnh.
 
Bà Võ Thị Thanh Thương, Bí thư Chi bộ công ty cho biết: Để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của công ty, chi ủy, lãnh đạo công ty đã đề ra chương trình hành động cụ thể, mang tính thực tiễn, gắn công tác Đảng với hoạt động sản xuất, kinh doanh, gắn vai trò lãnh đạo của chi ủy với công tác điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý DN. Nhờ đó, bên cạnh việc nỗ lực vượt khó trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua, chi ủy công ty cũng đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, đảng viên; từng bước ổn định sản xuất, kinh doanh và bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Riêng trong các năm 2020 và 2021, chi bộ đã kết nạp thêm 12 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên của đơn vị lên 33.
 
Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng Công ty TNHH S&D Quảng Bình vẫn hoàn thành sản xuất gần 4 triệu sản phẩm, doanh thu hơn 5,3 triệu USD, thu nhập bình quân đạt xấp xỉ 6 triệu đồng/người/tháng. Kết quả này phản ánh rõ nét vai trò lãnh đạo của chi ủy, tinh thần trách nhiệm của đảng viên và tập thể lãnh đạo công ty.
 
Bí thư Đảng ủy Khối DN tỉnh Phạm Quang Ánh cho biết: “Mặc dù số lượng chưa nhiều nhưng vai trò của TCCSĐ trong DN ngoài khu vực Nhà nước đang từng bước được phát huy, qua đó, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các DN. Trong các DN có TCCSĐ không nảy sinh tranh chấp lao động, không xảy ra đình công... Đặc biệt, các DN này rất tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh”.
 
Triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả
 
Theo Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Văn Ninh, thì khi người đứng đầu DN không phải là đảng viên, việc thành lập tổ chức đảng và phát triển đảng viên ở trong DN là thực sự khó. Vì vậy phải định hướng, bồi dưỡng, đào tạo để kết nạp các chủ DN vào Đảng. Khi chủ DN được kết nạp vào Đảng thì việc thành lập, phát triển TCCSĐ sẽ được quan tâm hơn.
 
“Do những đặc thù riêng nên phát triển Đảng trong các DN ngoài khu vực Nhà nước có nhiều khó khăn. Tuyên truyền, vận động, thuyết phục là biện pháp then chốt nhưng đòi hỏi sự sáng tạo, trách nhiệm và tận tụy của mỗi thành viên cấp ủy đảng. Phát triển Đảng là để tăng cường sức mạnh của tổ chức đảng, cả về chất lẫn về lượng. Từ thực tiễn đó, việc xây dựng, phát triển tổ chức Đảng trong các DN ngoài khu vực Nhà nước cần phải được thực hiện nhất quán, lâu dài bằng các giải pháp quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả”, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Văn Ninh nhấn mạnh.
 
Thời gian tới, để thực hiện hiệu quả hơn công tác phát triển Đảng trong DN ngoài khu vực Nhà nước, trước tiên cần sự vào cuộc quyết liệt và có trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; phải tạo được sự thống nhất trong nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, người đứng đầu DN và công nhân lao động đối với công tác xây dựng và phát triển tổ chức đảng trong DN.
 
Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18/3/2019 của Ban Bí thư về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, Thông báo số 22-TB/TW, ngày 11/4/2017 của Ban Bí thư về công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW ngày 30-01-2013 của Ban Tổ chức Trung ương về việc thực hiện thí điểm việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng, Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 13-6-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác phát triển đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo, các địa bàn vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và trong doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
 
Phải đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động, trong đó coi trọng việc gặp gỡ, trao đổi và đối thoại trực tiếp giữa cấp ủy đảng với cán bộ, đảng viên, người lao động và chủ DN. Từng cấp ủy đảng cần tập trung củng cố nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; chăm lo xây dựng các đoàn thể quần chúng trong DN vững mạnh, để thông qua các hoạt động của đoàn thể, kịp thời phát hiện và bồi dưỡng “hạt giống mới” cho Đảng…
 
Có thể nói, xu hướng phát triển và chuyển dịch nguồn lao động từ khu vực Nhà nước sang khu vực ngoài Nhà nước, cộng với việc thành lập nhiều DN mới đã nâng số lượng người lao động trong các DN ngoài khu vực Nhà nước lên con số ngày càng cao hơn. Vì thế, phát triển TCCSĐ tại các DN ngoài khu vực Nhà nước vừa thuận lợi nhưng cũng là yêu cầu cấp thiết nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng ở khu vực kinh tế này.
 
Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Văn Ninh: “Tập trung củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng trong DN ngoài khu vực Nhà nước; đổi mới nội dung sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt đảng bộ, chi bộ theo hướng gọn, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của DN; tăng cường gặp gỡ, động viên, biểu dương những DN làm tốt công tác xây dựng và phát triển TCCSĐ; có chính sách khuyến khích đối với DN có tổ chức đảng, đoàn thể hoạt động hiệu quả… là những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chủ trương của Đảng về phát triển tổ chức đảng trong DN ngoài khu vực Nhà nước”.

Nguyễn Hoàng

tin liên quan

Gặp mặt đại biểu Quốc hội khóa XV là người dân tộc thiểu số

Chiều tối 25/5, tại Nhà Quốc hội, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước gặp mặt đại biểu Quốc hội khóa XV là người dân tộc thiểu số.
 

Quy định của Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên

(QBĐT) - Ngày 20/5/2022, Tỉnh ủy Quảng Bình ban hành Quy định số 663-QĐ/TU quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là của các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Những con đường rộng mở

(QBĐT) - Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (CTMTQG XDNTM), xã Tây Trạch (Bố Trạch) có nhiều đổi thay bất ngờ. Đến Tây Trạch, ngỡ ngàng như lạc giữa những tuyến phố khang trang, rộng thoáng. Chủ tịch UBND xã Dương Thanh Luyện chia sẻ: "Được như ngày hôm nay là nhờ địa phương làm tốt công tác quy hoạch, huy động sức dân và tận dụng triệt để các nguồn vốn."