Phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước

Bài 1: Gỡ "nút thắt" từ người đứng đầu doanh nghiệp

  • 07:15 | Thứ Tư, 25/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cùng với những kết quả đạt được rất khả quan trong lĩnh vực kinh tế, những năm gần đây, Quảng Bình có sự phát triển mạnh về số lượng doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực Nhà nước. Tuy nhiên, số lượng tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) hiện có ở khu vực kinh tế này còn hạn chế. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi giới hạn phản ánh những khó khăn khách quan, chủ quan và các giải pháp nhằm gỡ “nút thắt” phát triển Đảng trong các DN ngoài khu vực Nhà nước.
 
Thời gian qua, các cấp ủy đảng trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, chú trọng công tác phát triển TCCSĐ trong DN ngoài khu vực Nhà nước. Tuy nhiên, số lượng DN có tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh hiện nay còn rất khiêm tốn. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
 
Số liệu thống kê cho thấy, Quảng Bình hiện có 57 TCCSĐ trong các DN ngoài khu vực Nhà nước với hơn 1.750 đảng viên. Con số này quá khiêm tốn so với hơn 7.000 DN hiện đang hoạt động. Theo Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Phạm Quang Ánh, một trong những khó khăn trong công tác phát triển TCCSĐ, đảng viên ở các DN ngoài khu vực Nhà nước là do người đứng đầu DN chưa nhận thức đúng vai trò, vị trí của tổ chức đảng trong DN nên chưa mặn mà với việc thành lập tổ chức đảng tại đơn vị.
 
Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Văn Ninh cho rằng, đa số các DN trong khu vực kinh tế này có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, số lượng đảng viên ít hoặc không có nên chưa đủ điều kiện để thành lập TCCSĐ. Cơ chế, chính sách khuyến khích việc phát triển TCCSĐ trong DN ngoài khu vực Nhà nước còn thiếu.
 
Một số cấp ủy cấp trên cơ sở chưa quan tâm việc phát triển tổ chức đảng trong DN ngoài khu vực Nhà nước, thiếu những biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, hiệu quả; chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, người lao động và người quản lý DN về vị trí, vai trò và việc thành lập tổ chức đảng trong DN ngoài khu vực Nhà nước.
 Nâng cao nhận thức của chủ DN về vai trò của tổ chức Đảng sẽ góp phần tháo gỡ “nút thắt” phát triển đảng trong DN ngoài khu vực Nhà nước.
Nâng cao nhận thức của chủ DN về vai trò của tổ chức Đảng sẽ góp phần tháo gỡ “nút thắt” phát triển đảng trong DN ngoài khu vực Nhà nước.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, Đảng ủy Khối DN tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các DN ngoài khu vực Nhà nước. Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Phạm Quang Ánh cho biết: Đảng ủy Khối đã phân công cụ thể và gắn trách nhiệm của các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy phụ trách từng cụm và tiếp cận, tuyên truyền, vận động các chủ DN vào Đảng; giao Ban Tổ chức Đảng ủy Khối phối hợp với Chi bộ Hội Doanh nghiệp tỉnh, Đoàn khối Doanh nghiệp, Hội Cựu chiến binh Khối tăng cường công tác khảo sát, nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động đang làm việc tại các DN để vận động, tạo sự đồng thuận của chủ DN về phát triển đảng viên, thành lập TCCSĐ khi đủ điều kiện...

Tuy nhiên, việc tiếp cận các chủ DN rất khó khăn. Một số chủ DN và người lao động chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của việc vào Đảng và tâm lý ngại tham gia các tổ chức đoàn thể; vai trò, vị trí của tổ chức đảng trong DN chưa được phát huy nên chưa thu hút chủ DN, quần chúng tham gia; việc phát triển đảng viên là chủ DN còn ít.
 
Theo tìm hiểu của phóng viên tại một số DN chưa có TCCSĐ trên địa bàn tỉnh, lý do mà các chủ DN này đưa ra là những khó khăn về trình độ lao động, người lao động ít gắn bó (chủ yếu là lao động thời vụ), cơ sở sản xuất phân tán ở nhiều địa phương, quá trình sản xuất chiếm phần lớn thời gian nên việc thành lập, phát triển TCCSĐ và các tổ chức đoàn thể gặp khó khăn. Mặt khác, trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh (SXKD) khó khăn, cạnh tranh khốc liệt, thị trường biến động do ảnh hưởng dịch Covid-19, lo lắng lớn nhất của các DN là duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm công việc thường xuyên để người lao động có thu nhập.
 
“Nhiều chủ DN chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của TCCSĐ nên chưa quan tâm việc thành lập TCCSĐ và các đoàn thể trong DN, chưa khuyến khích người lao động phấn đấu vào Đảng. Tuổi đời người lao động đa phần còn trẻ, họ phải chịu nhiều áp lực về thu nhập, thời gian làm việc căng thẳng và còn tâm lý ngại tham gia sinh hoạt Đảng. Điều này tất yếu dẫn đến việc thành lập TCCSĐ trong DN ngoài khu vực Nhà nước gặp khó khăn”, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Văn Ninh cho biết.
Trên thực tế, nhiều DN ngoài khu vực Nhà nước mới chỉ quan tâm đến hiệu quả SXKD, chưa chú trọng nhiệm vụ xây dựng, phát triển TCCSĐ. Vì vậy, để vận động họ phát triển đảng viên hay thành lập TCCSĐ là một việc làm khó. Chỉ một số ít DN có tiền thân là DN Nhà nước sau đó cổ phần hóa, hoặc chủ DN là người từng công tác trong cơ quan Nhà nước, đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác Đảng thì việc thành lập TCCSĐ và phát triển đảng viên mới được chú trọng hơn.
 
“Hoạt động SXKD của hầu hết DN ngoài khu vực Nhà nước gặp nhiều khó khăn; nhiều DN phải ngừng hoạt động... Do đó, công tác xây dựng TCCSĐ chưa được các chủ DN quan tâm. Không ít chủ DN, người lao động ngại sinh hoạt chi bộ, học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị. Vai trò của các tổ chức đoàn thể ở trong DN còn hạn chế, chưa làm tốt việc phát hiện, bồi dưỡng và giới thiệu quần chúng ưu tú cho Đảng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động chủ DN thực hiện chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước về thành lập tổ chức chính trị trong các loại hình DN còn nhiều bất cập, nhất là việc thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18/3/2019 của Ban Bí thư về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân và Nghị định số 98/2014/NĐ-CP, ngày 24/10/2014 của Chính phủ”, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Phạm Quang Ánh cho biết thêm.
 
Giống như nhiều địa phương khác trong cả nước, những năm qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho việc SXKD của các DN nói chung và DN ngoài khu vực Nhà nước nói riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình gặp nhiều khó khăn. Do đó, nhiều chủ DN chưa thực sự quan tâm đến công tác xây dựng tổ chức đảng.
 
Thống kê từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh chỉ có 6 TCCSĐ trong các DN ngoài khu vực Nhà nước được thành lập với khoảng 80 đảng viên tham gia sinh hoạt. Cũng trong thời gian này, toàn tỉnh có 8 TCCSĐ trong DN ngoài khu vực Nhà nước buộc phải giải thể (do không đủ số lượng đảng viên để duy trì tổ chức đảng). Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phát triển Đảng theo chủ trương chung.
 
Thực tế cho thấy, ở những DN mà người đứng đầu có trách nhiệm và tâm huyết với công tác Đảng thì việc thành lập, phát triển TCCSĐ, đảng viên sẽ thuận lợi hơn. Bởi vậy, gỡ "nút thắt" từ chính người đứng đầu DN đang được xác định là biện pháp then chốt mà các cấp ủy đảng của Quảng Bình cần triển khai.
Nguyễn Hoàng
 
Bài 2: Khẳng định vai trò tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước

tin liên quan

Chủ tịch nước làm việc với Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền

Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" cần phân định rõ hơn các mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng; khẳng định sự lãnh đạo của Đảng, định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo dòng thời sự: Không thể xuyên tạc sự thật!

Lâu nay, mỗi khi Đảng ta quyết định xử lý những cán bộ cấp cao do vi phạm pháp luật, điều lệ Đảng, lập tức xuất hiện những suy luận hàm hồ, vô căn cứ của các phần tử phản động, thù địch nhằm chống phá, cố tình gây hiểu sai về công tác cán bộ của Đảng.
 

Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh

(QBĐT) - Sáng nay, 24/5, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.