Những con đường rộng mở
(QBĐT) - Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (CTMTQG XDNTM), xã Tây Trạch (Bố Trạch) có nhiều đổi thay bất ngờ. Đến Tây Trạch, ngỡ ngàng như lạc giữa những tuyến phố khang trang, rộng thoáng. Chủ tịch UBND xã Dương Thanh Luyện chia sẻ: “Được như ngày hôm nay là nhờ địa phương làm tốt công tác quy hoạch, huy động sức dân và tận dụng triệt để các nguồn vốn.”
Quy hoạch là số một
Theo thứ tự, quy hoạch là tiêu chí đầu tiên trong 19 tiêu chí của CTMTQG XDNTM.
Xã Tây Trạch vốn thuần nông, tổng diện tích 2.731ha, trong đó đất canh tác hơn 1.500ha; dân số khoảng 1.400 hộ, 5.500 khẩu, cư trú tại 9 thôn: Làng, Sỏi, Chùa, Mít, Cồn, Rẫy và Võ Thuận 1, 2, 3. Địa hình gò đồi, các khu dân cư (KDC) phân bố không đồng nhất ít nhiều ảnh hưởng đến công tác quy hoạch cơ sở hạ tầng điện- đường-trường-trạm-chợ của xã.
Một buổi sáng đẹp trời, Nguyễn Tuấn Minh thuộc thế hệ 9X ở thôn Võ Thuận 1, sau khi dùng Flycam “bay” trên các KDC rồi khoe với tôi những tấm “không ảnh” và hỏi đố: “Anh xem kỹ, coi quê hương em có điều chi khác lạ so với những vùng quê khác mà anh từng qua”. Tôi nói thật nhận xét của mình: “Các KDC ở Tây Trạch phân bố, sắp xếp bài bản, vuông vắn, ô thửa tựa bàn cờ, bám dọc các trục đường giao thông rộng thoáng, thẳng tắp”. Nguyễn Tuấn Minh gật đầu tán thành.
Chủ tịch UBND xã Tây Trạch ông Dương Thanh Luyện cho biết: “Nhờ vào công tác quy hoạch hết đó anh. May mắn nhất là được nhân dân đồng thuận”.
Với phương châm người dân là chủ thể quy hoạch và XDNTM, năm 2012, UBND xã Tây Trạch cùng Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Vĩnh Hưng có sự tham gia góp ý của nhân dân tại 9 KDC trên địa bàn đã tiến hành khảo sát, lập, hình thành đồ án, bản vẽ quy hoạch XDNTM đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Trong quy hoạch bao gồm quy hoạch tổng thể và chi tiết, ưu tiên quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; quy hoạch khu trung tâm xã; quy hoạch lại, quy hoạch mới các KDC và hệ thống đường giao thông nội thôn, liên thôn, liên xã, nội đồng gắn với các công trình phúc lợi, văn hóa, xã hội...
“Cho đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện CTMTQG XDNTM và tiếp tục triển khai XDNTM nâng cao, tiêu chí Quy hoạch vẫn phát huy tốt vai trò của mình, sớm hình thành nên những KDC kiểu mẫu”, ông Dương Thanh Luyện khẳng định.
Chủ trương hợp lòng dân
Quá trình ban đầu khi bắt tay vào XDNTM, hầu hết người dân xã Tây Trạch đều mong muốn hạ tầng giao thông chỉ cần bảo đảm các yêu cầu: Đường liên xã, đường từ trung tâm xã đến huyện lỵ được nhựa hóa, bê tông hóa, bảo đảm ô tô lưu thông; đường liên thôn ít nhất được cứng hóa; đường ngõ, xóm sạch sẽ, không lầy lội vào mùa mưa...
Sau khi đề án xây dựng đường giao thông NTM được phê duyệt, tại 9 KDC thành lập các Ban phát triển thôn vận động nhân dân cùng “góp công, góp sức, hiến đất, hiến vườn, nắn đường, mở rộng lối”. Cộng đồng dân cư đóng góp tiền mặt, ngày công lao động theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” tổ chức thi công các trục đường thôn, xóm bằng bê tông hóa.
Để có thêm những tuyến đường giao thông rộng mở trên địa bàn xã Tây Trạch, giai đoạn 2021-2022, tiếp tục có 3 dự án giao thông đã và đang triển khai, trong đó tuyến đường liên xã nối Tây Trạch với Phú Định, tổng mức đầu tư hơn 31 tỷ đồng; đường cầu Song Trước, tổng số vốn hơn 20 tỷ đồng và đường nối từ tỉnh lộ 561 đến Phú Định, mức đầu tư 18 tỷ đồng. |
Phong trào “Mở rộng mặt đường”, “Nắn đường thẳng” khởi đầu từ trong nội bộ từng KDC sau đó lan tỏa khắp địa bàn xã. Mục tiêu được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Tây Trạch thống nhất, ngoài yếu tố “ngay hàng, thẳng lối” thì đối với đường liên xã, các trục đường chính phải rộng 10,5 m; đường liên thôn rộng 7 m trở lên và đường liên xóm rộng 5 m trở lên.
“Bà con không ai bảo ai, vận động nhau hiến đất, hiến tài sản mở rộng đường giao thông. Các phong trào “Mở rộng mặt đường”, “Nắn đường thẳng” trước còn có sự vận động của Ban phát triển thôn, Ban công tác mặt trận, về sau, chúng tôi chỉ cần căn đúng tim đường, đóng cọc đánh dấu bề rộng mặt đường là người dân tự giác thực hiện giải tỏa ngay. Vì thế mới có những con đường rộng, lối đi thẳng như hiện tại”, ông Dương Đình Tốn, Trưởng thôn Võ Thuận 2 chia sẻ.
Và điều kỳ diệu thực sự hiện diện trên hệ thống đường giao thông tại xã Tây Trạch. Từ chỗ chỉ có 1,8km đường nhựa từ thị trấn Hoàn Lão đến trung tâm xã; gần 100% đường liên thôn, liên xóm là đường cấp phối. Bây giờ, Tây Trạch đã “sở hữu” 8,4km đường liên xã rộng 10,5m; 13km đường liên thôn rộng 7,5m; 27km đường xóm, liên xóm rộng từ 5-6m...
Huy động tổng lực mọi nguồn vốn
Trở lại với câu chuyện cùng Chủ tịch UBND xã Tây Trạch Dương Thanh Luyện, ông cho biết: “Để có những con đường rộng mở, hợp lòng dân, phù hợp với quy hoạch NTM như ban đầu, chúng tôi đã huy động tổng lực mọi nguồn vốn theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó tranh thủ được sự đồng thuận, đóng góp từ nhân dân”.
Riêng đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông, giai đoạn 2013-2017, tổng mức vốn huy động 35 tỷ đồng; giai đoạn 2018-2020 đạt 26 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2021-2022, nguồn vốn xây dựng đường giao thông huy động lên đến hơn 73 tỷ đồng, một con số khá ấn tượng đối với một xã thuần nông như Tây Trạch.
Về nguồn vốn đầu tư cho giao thông tại xã Tây Trạch giai đoạn 2021-2022, ngân sách nhà nước hỗ trợ 71,7 tỷ đồng; ngân sách xã và nhân dân đóng góp trên 1,4 tỷ đồng. Diện tích đất vườn, đất ở được hiến trong quá trình triển khai XDNTM trên 20.460 m2, trị giá hơn 675 triệu đồng.
Thanh Long
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.