Đồng bào Bru-Vân Kiều vinh dự mang họ của Bác

  • 07:43 | Thứ Ba, 31/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở huyện Lệ Thủy sinh sống tập trung ở 3 xã miền núi Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy với hơn 6.200 nhân khẩu/1.588 hộ, chiếm 4,3% dân số của toàn huyện. Qua hơn nửa thế kỷ, hầu hết đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều đều lấy họ Hồ của Hồ Chủ tịch làm họ của mình. Điều này thể hiện tình cảm thủy chung, son sắt mà đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều đã dành cho Đảng, cho Bác Hồ kính yêu.
 
Tổng hợp các nguồn tư liệu như Lịch sử Đảng bộ huyện Lệ Thủy tập I, giai đoạn 1930-1954, Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Ninh tập I, giai đoạn 1930-1954, Lịch sử cách mạng huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) và trong hồi ký của một số đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa…, phần lớn đều ghi lại mốc thời gian đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở huyện Lệ Thủy lấy họ của Bác Hồ làm họ của mình vào năm 1946.
 
Theo đó, thời gian trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vì chỉ có tên mà không có họ nên đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều đã tự nguyện lấy họ Hồ của Hồ Chủ tịch làm họ của mình để ghi vào thẻ cử tri. Những người đầu tiên mang họ Hồ là Hồ Man, Hồ Y Van, Hồ Đuồng, Hồ Tuồng, Hồ Rpố…
 
Đây cũng chính là những đảng viên được kết nạp Đảng từ năm 1946. Xét trên bình diện lịch sử, đồng bào Bru-Vân Kiều ở huyện Lệ Thủy đã tự nguyện mang họ Bác Hồ rất sớm, chỉ một năm sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 16/6/1957, Bác Hồ vào thăm Quảng Bình, các đại biểu dân tộc Bru-Vân Kiều đã gặp, xin phép và được Người đồng ý cho mang họ Hồ. Từ đó, đồng bào Bru-Vân Kiều hết thế hệ này đến thế hệ khác luôn động viên nhau, cùng nỗ lực để xứng đáng là người mang họ Hồ của Bác.  
 
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cũng như đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Bru-Vân Kiều bị chính quyền thực dân phong kiến bỏ rơi. Có những thời điểm, các hủ tục lạc hậu, đói nghèo, dịch bệnh bủa vây cùng với thú dữ, thiên tai, địch họa luôn rình rập đã đẩy cộng đồng dân tộc này đối mặt với nguy cơ của sự diệt vong. Cách mạng Tháng Tám thành công đã đưa đồng bào Bru-Vân Kiều thực sự trở thành những người chủ của bản làng. Nếu như trong kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất, rừng núi miền Tây huyện Lệ Thủy là căn cứ địa phong trào Cần Vương của nghĩa quân Lèn Bạc, của Đề Én, Đề Chít thì trong kháng chiến chống Pháp lần thứ hai, nơi đây trở thành căn cứ địa kháng chiến với chiến khu Bang Rợn rộng lớn.
 
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều đã hăng hái cùng bộ đội phát tuyến tìm hướng đường, đùm bọc cưu mang hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong tập kết trước lúc vào chiến trường; vận động hàng trăm con em lên đường làm nghĩa vụ quân sự... Những kỷ niệm máu thịt, ân tình giữa bộ đội, chiến sĩ với đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở Làng Ho hay với những bản làng khác ở vùng rừng núi miền Tây huyện Lệ Thủy còn mãi đến tận hôm nay.
 
Hòa bình lập lại, theo lời Đảng gọi, đồng bào Bru-Vân Kiều khai hoang phục hóa, tích cực gia tăng sản xuất để thoát khỏi đói nghèo, dần định canh, định cư, từng bước ổn định sản xuất và đời sống. Trên mặt trận đấu tranh giữ vững an ninh chính trị tuyến biên giới, đồng bào đã cùng với lực lượng biên phòng chủ động ngăn ngừa và đập tan âm mưu chống phá của bọn phản động, biệt kích.
 
Sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng, kinh tế-xã hội vùng các xã miền núi đã có những bước tiến quan trọng. Bộ mặt nông thôn mới dần được hình thành. Sản xuất nông, lâm nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều thôn, bản đã tổ chức tốt công tác định canh, định cư, phát triển sản xuất, đời sống của đồng bào từng bước được nâng lên.
 
Hiện nay, 3 xã Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy có gần 180ha sản xuất hai vụ lúa nước/năm. Nhiều hộ đồng bào Bru-Vân Kiều cải tạo vườn đồi, trồng rừng kinh tế kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm tạo thành các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp. Số hộ đồng bào Bru-Vân Kiều làm ăn khá, giỏi ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6% năm.
 
Ba xã hiện có trên 273 hộ làm ăn khá giỏi; trong đó có gần 230 hộ có thu nhập từ 30-50 triệu đồng/năm,144 hộ có thu nhập từ 70-100 triệu đồng/năm. Tiêu biểu, như các ông, bà: Hồ A Lai, Hồ Văn Sơn, Hồ Văn Bạch, Hồ Viết Tình, Hồ Văn Thảo, Hồ Thị Mó (xã Kim Thủy); Hồ Văn Thương, Hồ Văn Nham, Hồ Minh Vừa, Hồ Ngọc Thọ (xã Ngân Thủy); Hồ Thanh Tình, Hồ Thanh Tuyết, Hồ Văn Thủy, Hồ Thị Lan (xã Lâm Thủy) và nhiều cá nhân tiêu biểu khác.
 
Kết cấu hạ tầng nông thôn vùng 3 xã miền núi có bước phát triển, 100% xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã; có trường phổ thông dân tộc bán trú và trường mầm non. Hệ thống trạm y tế được xây dựng kiên cố, phục vụ tốt cho việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đồng bào. Nhiều điểm sáng trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số đã xuất hiện trong những năm gần đây mà tiêu biểu, như: Bản Cây Bông, Khe Khế, Cồn Cùng, An Bai, Trung Đoàn (xã Kim Thủy); Tân Ly, Xà Khía, Bạch Đàn (xã Lâm Thủy); Khe Giữa, Đá Còi, Km14 (xã Ngân Thủy)…
 
Trong lao động, sản xuất, nhiều cán bộ là người dân tộc Bru-Vân Kiều đã vươn lên tự khẳng định mình, được nhân dân lựa chọn làm đại biểu HĐND các cấp; nhiều cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể cấp xã được cử đi học lý luận chính trị và nghiệp vụ quản lý nhà nước. Hiện nay, vùng đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở huyện Lệ Thủy có 22 người có uy tín được công nhận, trở thành lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, có nhiều đóng góp tích cực trong phong trào thi đua yêu nước, vận động bà con chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
 
Chặng đường hơn nửa thế kỷ đi qua từ khi người Bru-Vân Kiều lấy họ của Hồ Chủ tịch làm họ của mình so với lịch sử phát triển của cộng đồng dân tộc Bru-Vân Kiều tuy chưa phải là dài, song đó là chặng đường phát triển đầy thử thách mà đồng bào đã vươn lên hòa nhập cùng cộng đồng các dân tộc khác dưới sự lãnh đạo của Đảng. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều huyện Lệ Thủy vẫn trọn vẹn một lòng tin sắt son vào Đảng, Bác Hồ.
 
                                                                      Hoa Khai
                                                  (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lệ Thủy)

tin liên quan

Đại biểu Quốc hội và lãnh đạo HĐND tỉnh, các sở, ngành tham gia phiên thảo luận

(QBĐT) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, hôm nay, 30/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội dành toàn thời gian nghe báo cáo và thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Quốc hội bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba, ngày 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
 

Làm theo Bác bằng những việc thiết thực

(QBĐT) - Đảng bộ xã Quảng Thủy (TX. Ba Đồn) đã phát động và xây dựng thành phong trào thi đua sâu rộng việc học và làm theo Bác trong toàn đảng bộ, tạo sự chuyển biến trong suy nghĩ và hành động của cán bộ, đảng viên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.