"Quả ngọt" trên vùng đất cằn

  • 07:27 | Thứ Hai, 14/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi" trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã trở thành động lực quan trọng giúp các hội viên mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương CCB gương mẫu làm kinh tế giỏi và ông Trương Đức Duy, CCB xã Sơn Hóa là một điển hình. 
 
Qua giới thiệu của Hội CCB huyện Tuyên Hóa, chúng tôi có dịp thăm mô hình kinh tế và cảm phục nghị lực, ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu của gia đình CCB Trương Đức Duy.
Vườn bưởi sai quả của CCB Trương Đức Duy.
Vườn bưởi sai quả của CCB Trương Đức Duy.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất cằn, sỏi đá, sau khi xuất ngũ về địa phương, ông Duy gặp không ít trắc trở trong cuộc sống. Gia đình ông thuộc diện khó khăn, thiếu đất, thiếu vốn sản xuất. Năm 1997, không chịu khuất phục trước đói nghèo, ông Trương Đức Duy đã cùng vợ vào khai hoang vùng đất cằn, sỏi đá cách nhà 1,5km để trồng sắn, trồng ngô, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Đặc biệt, năm 2001, khi có chủ trương chuyển đổi cây trồng của UBND xã Sơn Hóa, ông Duy đã mạnh dạn vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuyên Hóa để trồng hơn 1,5ha cây cao su.
 
Tuy nhiên, sau nhiều năm cao su mất giá, đặc biệt, năm 2017, cây cao su của gia đình ông bị thiệt hại gần như hoàn toàn do bão, trong khi nhiều gia đình chuyển sang trồng keo, tràm thì ông Duy đã "đánh liều" đưa ra quyết định quy hoạch và chuyển đổi mảnh đất này sang trồng cam, bưởi và chăn nuôi tổng hợp.
 
Sau khi thu dọn xong 1,5ha cây cao su gãy đổ, được sự khuyến khích của chính quyền xã Sơn Hóa, cùng với việc tìm hiểu sách báo, ông chọn 2 giống bưởi đang được thị trường ưa chuộng là bưởi da xanh và bưởi Diễn để trồng thử nghiệm.
 
Ông Duy cho biết: "Nhiều người khuyên tôi nên trồng bưởi Phúc Trạch vì thích hợp với đất đai, thổ nhưỡng. Tuy nhiên, giống bưởi này khi nở hoa, con người phải thụ phấn giúp, nếu như trồng cả vườn lớn thì sẽ rất vất vả, sau này cây cao lớn việc thụ phấn sẽ rất khó khăn, nguy hiểm. Mặt khác, bưởi Phúc Trạch đã được nhân rộng nhiều nơi, nếu mình cũng trồng số lượng lớn thì trong tương lai rất khó tìm đầu ra nên tôi quyết định trồng thử bưởi da xanh và bưởi Diễn.
 
Ban đầu, trồng hai loại bưởi này, tôi cũng sợ cây không thích hợp đất đai, khí hậu thì chất lượng quả sẽ không đạt, nhưng may mắn là cây trồng thích hợp, chất lượng quả ngon ngọt không kém gì sản phẩm bán trên thị trường. Đặc biệt, bưởi da xanh thu hoạch vào tháng 7, tháng 8 thì tránh được bão, bưởi Diễn thu hoạch đúng dịp Tết nên đầu ra dễ dàng hơn, giá cao hơn nên hiệu quả kinh tế cũng cao hơn.
Gia đình ông Duy còn nuôi thêm lợn, bò, ong mật để vừa tăng thu nhập.
Gia đình ông Duy còn nuôi thêm lợn, bò, ong mật để vừa tăng thu nhập.

Để chủ động nguồn nước tưới, ông Duy đã đào một ao lớn trữ nước tưới tiêu, đồng thời, đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm lượng nước tưới, bảo đảm cho cây trồng sinh trưởng tốt. Trong quá trình thực hiện mô hình trồng bưởi, ông Duy còn song song đầu tư chăn nuôi thêm trâu, bò, lợn để vừa có nguồn phân hữu cơ bón cho cây vừa tăng thu nhập.

Qua quá trình đầu tư chuyển đổi, đến nay, mô hình của ông đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, chứng minh được hướng đi của ông là đúng đắn. Ông Duy cho biết, nếu không mạnh dạn thì đến nay, 1,5ha đất của ông cũng chỉ là keo, tràm 6-7 năm mới được khai thác và thu nhập cả chu kỳ cũng chỉ được vài chục triệu đồng. Hiện, trang trại của ông với gần 1.500 gốc bưởi da xanh, bưởi Diễn, cam chanh, hơn 200 con lợn và 20 đàn ong lấy mật, 6 con bò, mỗi năm trừ chi phí cũng thu về cho gia đình hơn 400 triệu đồng. Hiện, mô hình đang trình hồ sơ để cấp chứng nhận trang trại tổng hợp.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Xuân Tuyên, Chủ tịch UBND xã Sơn Hóa cho biết: "Hiện, địa phương đã có nhiều mô hình kinh tế chuyển đổi cây trồng phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi và tạo nguồn nước tưới trên vùng đất gò đồi như trang trại của ông Trương Đức Duy chưa nhiều.
 
Xã Sơn Hóa diện tích đất gò đồi còn rất lớn, chủ yếu trồng keo, tràm và sắn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá mô hình để tuyên truyền, khuyến khích nhân rộng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề nảy sinh, như: Nguồn vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ, liên kết với các doanh nghiệp… cũng cần được các cơ quan, ban, ngành liên quan nghiên cứu, hỗ trợ để người dân yên tâm và mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh...".
 

 Ông Trần Văn Đương, Chủ tịch Hội CCB huyện Tuyên Hóa nhận xét: Mô hình kinh tế của CCB Trương Đức Duy là mô hình kinh tế bền vững, không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình mà ông Duy còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, cần được nhân rộng.

Ghi nhận những kết quả đạt được, vừa qua, ông được Hội CCB huyện Tuyên Hóa tặng giấy khen vì đã đạt thành tích trong phong trào "CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi giai đoạn 2016-2021".

Thanh Hoa

 
 
 
 
 

tin liên quan

Chào xuân mới, vững niềm tin!

(QBĐT) - Năm 2021 đã đi qua với nhiều khó khăn, thử thách. Nhưng từ những kết quả đạt được, có thể khẳng định rằng Quảng Bình đã thành công. Sự thành công không chỉ thể hiện bằng những con số, sự kiện, mà quan trọng hơn là ý chí quyết tâm và sức mạnh được nhân lên từ trong gian khó. Trong trạng thái "bình thường mới", mùa xuân 2022 đang đến với những dự cảm tốt lành!

Vượt qua thách thức, từng bước đưa Quảng Bình phát triển

(QBĐT) - Năm 2021, trong bối cảnh thế giới và trong nước vẫn phải chống chọi với đại dịch Covid-19, tại Quảng Bình, bên cạnh ảnh hưởng của dịch Covid, tỉnh còn phải khắc phục hậu quả nặng nề của lũ lụt lịch sử năm 2020... Do đó, việc triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội diễn ra trong bối cảnh vô cùng đặc biệt.

Dấu ấn từ chủ đề "Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở"

(QBĐT) - Dẫu gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng với sự nỗ lực, linh hoạt, sáng tạo triển khai các giải pháp thích ứng an toàn, Công đoàn (CĐ) các cấp trên địa bàn tỉnh đã để lại nhiều dấu ấn từ chủ đề hoạt động "Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở (CĐCS)".