Vượt qua thách thức, từng bước đưa Quảng Bình phát triển

  • 07:38 | Chủ Nhật, 30/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2021, trong bối cảnh thế giới và trong nước vẫn phải chống chọi với đại dịch Covid-19, tại Quảng Bình, bên cạnh ảnh hưởng của dịch Covid, tỉnh còn phải khắc phục hậu quả nặng nề của lũ lụt lịch sử năm 2020... Do đó, việc triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) diễn ra trong bối cảnh vô cùng đặc biệt.
 
Trước những khó khăn, thách thức đặt ra, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo những giải pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong toàn tỉnh nên KT-XH của tỉnh năm 2021 vẫn đạt được kết quả đáng ghi nhận: Có 13/21 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế mặc dù không đạt kế hoạch đề ra nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng dương (tăng 4,83%).
 
Nông nghiệp cơ bản được mùa, sản lượng lương thực cả năm 2021 đạt gần 322.000 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ. Công nghiệp là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề bởi dịch Covid-19, nên các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo và có những giải pháp kịp thời nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Các cơ sở trong cụm công nghiệp sản xuất trở lại bình thường. Một số sản phẩm sản xuất chủ yếu ngành công nghiệp năm 2021 tăng so với cùng kỳ.
 
Đặc biệt, trong năm có một số dự án mới đi vào hoạt động, như: Nhà máy điện mặt trời 49,5MWp thuộc tổ hợp dự án năng lượng tái tạo Dohwa-Lệ Thủy, Cụm trang trại điện gió B&T..., đã đóng góp vào mức tăng chung của ngành Công nghiệp trên địa bàn tỉnh. 
Đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
Đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
Đại dịch cũng đã gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành Du lịch, các hoạt động tham quan du lịch phải tạm dừng trong thời gian dài, doanh thu hoạt động lưu trú và du lịch lữ hành giảm mạnh nhất trong các ngành kinh tế. Tuy nhiên, ngành Du lịch đã luôn sẵn sàng các điều kiện để mở cửa trở lại ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.
 
Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được TripAdvisor đánh giá là 1 trong 15 vườn quốc gia được yêu thích hàng đầu thế giới; được tạp chí Lonely Planet bình chọn là 1 trong 2 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128 về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, tỉnh Quảng Bình là một trong những địa phương đầu tiên tổ chức trở lại các hoạt động đón khách du lịch an toàn và hiệu quả.
 
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng các ngành, địa phương đã thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm thu ngân sách nhà nước. Đây là biện pháp then chốt nhằm bảo đảm nguồn lực chống dịch của địa phương. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 ước đạt 6.494 tỷ đồng, bằng 147,8% so với dự toán Trung ương giao; bằng 119,6% dự toán địa phương giao; tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước.
 
Việc quản lý, điều hành chi ngân sách bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các ngành, địa phương, đơn vị và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, trong năm, tỉnh đã cắt giảm các nguồn chi không cần thiết, tiết kiệm chi thường xuyên… để bổ sung kịp thời kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 với tổng số gần 260 tỷ đồng.
 
Đầu năm 2021, Quảng Bình đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Tiềm năng, an toàn và khác biệt”. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 37 dự án với tổng số vốn trên 140.000 tỷ đồng; đồng thời bấm nút khởi động hai dự án động lực của tỉnh là dự án đường ven biển-cầu Nhật Lệ 3 và dự án mở rộng sân đỗ máy bay Cảng hàng không Đồng Hới.
 
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị, y tế của tỉnh đã tập trung bám sát tình hình, kịch bản, tình huống để chủ động ứng phó với dịch bệnh Covid-19. UBND tỉnh đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19; đồng thời lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, chỉ đạo các sở, ngành tổ chức triển khai quyết liệt, kịp thời.
 
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, ý thức chấp hành của người dân, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; đến đầu tháng 10, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, toàn tỉnh dần ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ.
 
Lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ tiếp tục được quan tâm, hầu hết các chỉ tiêu đạt kế hoạch; đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Ngành Văn hóa đã tập trung chỉ đạo các đơn vị tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn và các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911 - 25-8-2021).
 
Đặc biệt, Quảng Bình đã tập trung triển khai kịp thời hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ cho 68.217 người với tổng số kinh phí thực hiện 76.895,55 triệu đồng; thực hiện hỗ trợ theo các nội dung của Nghị quyết số 116/NQ-CP cho 86.404 người với tiền hỗ trợ 138,154 tỷ đồng; hỗ trợ tiền mặt cho 21.942 người, tổng kinh phí 21,942 tỷ đồng cho người dân Quảng Bình đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
 
Tỉnh cũng đã tổ chức 2 đợt đón gần 3.000 con em là công dân Quảng Bình trở về quê do ảnh hưởng của dịch bệnh (đối tượng ưu tiên gồm phụ nữ đang mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em, học sinh và người già đi thăm thân).
 
Bên cạnh đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền có nhiều tiến bộ. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh. Quốc phòng-an ninh được củng cố, tăng cường. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai toàn diện, chuyển biến tiến bộ trên các mặt, tạo khí thế phấn khởi, sức mạnh, niềm tin của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.
 
Tuy nhiên, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế đạt thấp; có 8 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra; nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, nhất là trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, xuất nhập khẩu; một bộ phận người lao động thất nghiệp; nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội, thể thao bị hoãn, hủy, lùi thời gian tổ chức; học sinh, sinh viên phải nghỉ học dài ngày… Đây là những vấn đề đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tỉnh phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết liệt để phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022 đề ra.
TP. Đồng Hới. Ảnh: Đức Thành
TP. Đồng Hới. Ảnh: Đức Thành
Năm 2022, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm quan điểm phòng, chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt Nghị quyết số 128/NQ-CP, các văn bản của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tập trung cao độ trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, ngăn chặn kiểm soát dịch bệnh, không để lây lan, phát sinh các ổ dịch mới trong cộng đồng.
 
Tập trung tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá giai đoạn 2021-2025. Thực hiện quyết liệt các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực, nhất là các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, nguồn lực từ khu vực tư nhân và các thành phần kinh tế khác để xây dựng hệ thống hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
 
Thực hiện thực chất, hiệu quả hơn cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp. Tích cực thực hiện chuyển đổi số. Tập trung huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ và hỗ trợ tối đa việc triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, tạo động lực phát triển KT-XH của tỉnh, như: Dự án nâng cấp Cảng hàng không Đồng Hới, dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La, dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, dự án tuyến đường cao tốc Bắc-Nam đoạn qua tỉnh, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch, các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
 
Khẩn trương khôi phục thị trường du lịch, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả; phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, liên kết đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với từng phân đoạn thị trường. Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư và phát triển doanh nghiệp, các thành phần kinh tế.
 
Bên cạnh đó, cần gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế; quan tâm chăm lo sự nghiệp giáo dục-đào tạo, triển khai các giải pháp dạy học phù hợp với tình hình diễn biến của dịch Covid-19, nâng cao chất lượng dạy và học; nâng cao đời sống văn hóa cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bảo tồn các di tích lịch sử; giải quyết kịp thời các kiến nghị của nhân dân, đặc biệt là đời sống của gia đình chính sách, người có công, người làm công ăn lương, bà con nông dân, người nghèo; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm giai đoạn 2021-2025.
 
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới, sáng tạo. Đồng thời, tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp nhằm bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo môi trường yên bình và điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH của tỉnh. 
 
Với việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trên cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tin tưởng rằng chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH tỉnh nhà trong giai đoạn mới.
 
Nhân dịp bước sang năm mới 2022 và đón Tết cổ truyền Nhâm Dần, tôi xin chúc toàn thể Nhân dân trong tỉnh cùng bà con quê hương Quảng Bình đang sinh sống, học tập và làm việc ở ngoài tỉnh lời chúc mừng năm mới sức khỏe, an khang và thịnh vượng!
 
Trần Thắng
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

 

tin liên quan

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc Tết lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Trong không khí đón chào Xuân mới và chào mừng 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, gửi đến các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng toàn thể đồng chí, đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài lời chào trân trọng, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất, chúc sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đạt nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa...
 

Phát huy vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức đảng trong doanh nghiệp

(QBĐT) - Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng đặc biệt đề cao vai trò của chi bộ. Người khẳng định: "Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt". Phát huy vai trò hạt nhân của tổ chức đảng là một trong những nội dung cơ bản của công tác xây dựng Đảng, là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của Đảng. 

Tòa Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh chúc Tết huyện Quảng Trạch

(QBĐT) - Nhân dịp đón xuân mới Nhâm Dần 2022, ngày 27/1, các vị linh mục đại diện Tòa Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh và Hạt Bình Chính, Dòng Mến Thánh giá Hướng Phương đã đến thăm, chúc Tết huyện Quảng Trạch.