Mô hình chi bộ quân sự cấp xã và những vấn đề đặt ra

  • 07:25 | Thứ Ba, 18/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, việc triển khai thực hiện thí điểm mô hình hoạt động chi bộ quân sự (CBQS) cấp xã trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, khẳng định được vai trò, vị trí trong quá trình thực hiện chức năng tham mưu cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS-QP) tại cơ sở.
 
Thực trạng hoạt động của chi bộ quân sự xã
 
Trước khi thực hiện Kết luận số 41-KL/TW của Ban Bí thư, tỉnh chưa có chủ trương và trong các loại hình tổ chức cơ sở đảng của tỉnh chưa có CBQS xã, phường, thị trấn; chỉ có 2 xã Phúc Trạch và Hưng Trạch (Bố Trạch) thành lập 2 chi bộ trung đội dân quân cơ động (bí thư chi bộ là chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự (CHQS) xã, các đảng viên là chiến sỹ dân quân cơ động), hoạt động từ năm 2001 đến nay và duy trì tương đối hiệu quả.
 
Trên cơ sở hướng dẫn của trên, Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy đã xây dựng đề án và thành lập 5 CBQS cấp xã, gồm: CBQS xã Lâm Thủy (Lệ Thủy), Đức Ninh, Bắc Lý (Đồng Hới), Nhân Trạch (Bố Trạch), Quảng Châu (Quảng Trạch), với 44 đảng viên (có 2 chi bộ có cấp ủy). Cơ cấu ban chấp hành chi bộ có 3 đồng chí; bí thư đảng ủy xã giữ chức bí thư chi bộ; chỉ huy trưởng Ban CHQS xã giữ chức phó bí thư và chính trị viên phó giữ chức chi ủy viên (đối với chi bộ không có cấp ủy thì bí thư đảng ủy xã giữ chức bí thư chi bộ; chỉ huy trưởng Ban CHQS xã giữ chức phó bí thư); đảng viên tham gia sinh hoạt là trung đội dân quân, dân quân thường trực. Từ khi thành lập CBQS cấp xã đến nay đã kết nạp được 7 đảng viên mới.
 
Sau khi được thành lập, các chi bộ đã xây dựng quy chế hoạt động; chú trọng, làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chăm lo bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng dân quân cơ động, dự bị động viên; nâng cao ý thức bảo vệ nền quốc phòng toàn dân; tập trung xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh; đổi mới nội dung sinh hoạt, qua đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ và sức chiến đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
 
Qua thực tiễn hoạt động, việc thành lập CBQS cấp xã là chủ trương đúng, cơ bản phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ QS-QP địa phương và xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn các xã, phường, nhất là các xã biên giới.
 
Trong quá trình hoạt động, CBQS xã đã tập trung lãnh đạo Ban CHQS xã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về nhiệm vụ quốc phòng và công tác quân sự ở địa phương; tham mưu cho đảng ủy ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác huấn luyện và triển khai công tác huấn luyện quân sự; phối hợp với các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể làm tốt công tác tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ và tiếp nhận quân nhân hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng, phát triển lực lượng dân quân cơ động; tham mưu cho đảng ủy, UBND xã kiện toàn cán bộ Ban CHQS xã, trung đội trưởng dân quân cơ động và thôn đội trưởng bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn, đủ số lượng nhằm đáp ứng việc lãnh đạo thực hiện công tác QS-QP của địa phương; tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ theo quy định...
 
Các chi bộ đã cụ thể hóa quy chế làm việc và tổ chức thực hiện đúng quy định của Đảng; thực hiện cơ bản thắng lợi các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh mà nghị quyết của đảng ủy xã đã đề ra; phối hợp tuyên truyền về tầm quan trọng của nhiệm vụ QS-QP trong tình hình mới; làm tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh hàng năm ở cơ sở...
 
Một số khó khăn, bất cập và giải pháp trong thời gian tới
 
Việc thành lập CBQS xã trong đó cơ cấu thành phần của chi bộ như hiện nay gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc, như: Chủ tịch UBND xã là chủ tịch hội đồng nghĩa vụ quân sự xã, chịu trách nhiệm về công tác QS-QP nhưng không tham gia sinh hoạt tại chi bộ nên không nắm bắt kịp thời các chủ trương của chi bộ; đảng viên của chi bộ, thành phần chủ yếu thuộc trung đội cơ động của xã, đa số cư trú không tập trung, phân tán trên nhiều địa bàn, lại là lực lượng lao động chính của gia đình, công việc, ngành nghề đa dạng, có lúc, có thời điểm phải đi làm ăn xa nên việc tập trung sinh hoạt gặp khó khăn. Chi bộ không có các tổ chức đoàn thể, không có lực lượng dân quân thường trực; do đó, nguồn phát triển đảng viên của chi bộ gặp nhiều khó khăn (chủ yếu là dân quân).
 
Việc đánh giá đảng viên hàng năm chưa toàn diện, do đảng viên sinh hoạt tại chi bộ chủ yếu đánh giá về thực hiện nhiệm vụ QS-QP, trong khi phần lớn thời gian đảng viên lại thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất tại địa bàn dân cư hoặc đi làm ăn xa. Đảng viên thuộc chi bộ chủ yếu tuổi đời trẻ, có trình độ văn hóa nhưng không tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, tổ dân phố; trong khi đó, đảng viên ở các thôn, tổ dân phố có số lượng ít, tuổi đời cao, đau ốm, xin miễn sinh hoạt nhiều nên ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động...
 
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình CBQS xã trên địa bàn tỉnh, cần thực hiện tốt một số giải pháp, như: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp đối với hoạt động của CBQS cấp xã, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng QS-QP ở cơ sở vững mạnh.
 
Chi bộ cần quan tâm hơn nữa việc lãnh đạo, chỉ đạo về công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng cho cán bộ, đảng viên góp phần đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; kiên quyết đấu tranh những tư tưởng, quan điểm sai trái, góp phần làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; đồng thời chủ động ngăn ngừa những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
 
Thường xuyên củng cố, kiện toàn cấp ủy, chi bộ đúng cơ cấu, thành phần, bảo đảm đủ số lượng, nâng cao chất lượng. Cần xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu chi ủy trong mối quan hệ với tập thể chi ủy, tập thể đơn vị và tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo. Chi ủy cần tăng cường sự phối hợp với các đoàn thể về việc thực hiện nhiệm vụ phân công.
 
Chi ủy, chi bộ phải thường xuyên quản lý đảng viên, kiểm tra, giám sát hoạt động với thực hiện nhiệm vụ của đảng viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên tự học tập, rèn luyện, tự đào tạo để nâng cao trình độ, nhằm đáp ứng các yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra trong thời kỳ mới. Tăng cường công tác phát triển đảng viên; chủ động phát hiện, bồi dưỡng kịp thời những quần chúng ưu tú để tạo nguồn, phát triển đảng viên.
 
Nâng cao vai trò tham mưu của chi bộ đối với cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ QS-QP, tập trung cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, công tác tuyển quân, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng-an ninh trên địa bàn…
 
Gắn hoạt động lãnh đạo của chi bộ vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xóa nghèo, nâng cao dân trí và phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; tăng cường sự lãnh đạo, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và chủ động ngăn ngừa những vi phạm; giữ gìn kỷ luật, kỷ cương trong chi ủy, chi bộ, quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác sinh hoạt của chi bộ...
 
Có thể khẳng định thực tiễn hoạt động của mô hình CBQS cấp xã trên địa bàn tỉnh cơ bản đã phát huy hiệu quả và có thể nhân rộng ở những nơi có điều kiện phù hợp. Tuy nhiên, để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động, nội dung sinh hoạt của CBQS xã để khắc phục những bất cập, hạn chế, phát huy tốt hơn vai trò tham mưu cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ QS-QP địa phương tại cơ sở.
 
Nguyễn Viết Xuân
(Ban Tổ chức Tỉnh ủy)

tin liên quan

Công bố 4 Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường

Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra; xem xét, thông qua 1 Luật, 4 Nghị quyết với sự thống nhất cao.
 

Minh Hóa: Triển khai nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng năm 2022

(QBĐT) - Ngày 17/1, Ban Thường vụ Huyện ủy Minh Hóa tổ chức hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Ngày 18/1, khai mạc phiên thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV

Trong hai ngày 18 và 19/1/2022, tại Phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội sẽ diễn ra phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.