Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thể hiện rõ ý chí của toàn dân

  • 19:56 | Thứ Bảy, 30/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Chiều 30-10, tại thủ đô Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đã tham gia thảo luận trực tuyến về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga thảo luận tại điểm cầu Hà Nội
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga thảo luận tại điểm cầu Hà Nội

Nội dung phát biểu của đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga nhấn mạnh 2 điểm về Quy hoạch sử dụng đất, gồm: Quy hoạch cần có tính ổn định và khả thi cao, chú trọng bảo đảm quỹ đất cho giáo dục, văn hóa; vai trò chủ sở hữu đất đai là nhân dân trong giám sát, xây dựng và thực hiện quy hoạch đất đai. Đại biểu có các ý kiến cụ thể, gồm:   

Để bảo đảm tính khả thi của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia thì cần có tổng kết sâu sắc, đánh giá chính xác tổng thể thực trạng và lý giải nguyên nhân hạn chế của việc xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Đại biểu đã nhấn mạnh một số hạn chế của Quy hoạch sử dụng đất. Đó là tính liên thông, liên kết trong quy hoạch chưa cao; dự báo nhu cầu sử dụng đất chưa sát. Việc quản lý quy hoạch chưa nghiêm, chưa kịp thời; tình trạng sử dụng đất không theo quy hoạch còn nhiều. Việc điều chỉnh quy hoạch còn khá dễ, nhiều khi phụ thuộc vào ý chí của các nhà quản lý trực tiếp. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia chưa thực hiện tốt việc lấy ý kiến nhân dân. Việc lấy ý kiến qua cổng thông tin điện tử; mang nặng tính tham khảo và vẫn còn hình thức. Việc bảo đảm quyền giám sát của dân chưa thực sự hiệu quả.

Khẳng định đất đai chính là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất quan trọng nhất, thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý với tư cách đại diện chủ sở hữu, đại biểu nhấn mạnh: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thể hiện rõ ý chí của toàn dân.

Với quan điểm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải tạo động lực để phát triển, không chỉ là phát triển kinh tế và quốc phòng an ninh thuần túy mà là văn hóa, không gian sinh tồn và an sinh xã hội, của từng vùng và của cả nước, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong việc sử dụng quỹ đất cho việc xây dựng các khu vui chơi giải trí cho trẻ em, quỹ đất dành cho cơ sở giáo dục còn hạn chế.

Nhiều địa phương không còn quỹ đất cho thiết chế văn hóa do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Ngược lại, có nơi chưa quan tâm đúng mức, chuyển đổi đất đã được quy hoạch cho thiết chế văn hóa, thể thao vào mục đích kinh tế hoặc quy hoạch quỹ đất cho thiết chế văn hóa, thể thao ở xa khu dân cư, không thuận lợi cho việc sử dụng, gây lãng phí.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần đảm bảo tính tổng thể, thống nhất trong quy hoạch các ngành lĩnh vực, địa phương; điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch đất quốc gia phù hợp, bảo đảm không gian văn hóa, đặc biệt là khu vui chơi giải trí cho trẻ em, nhu cầu hưởng thụ tinh thần cho trẻ em và nhân dân.  

Riêng về giáo dục, đại biểu đề nghị Quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần bảo đảm phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trên cả nước, hài hoà giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng miền, thực hiện chủ trương phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất để có lộ trình di dời các trường đại học, cao đẳng ra khỏi nội đô các TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, phù hợp với ngành nghề đào tạo và nhu cầu phát triển trong giai đoạn tới.

Đại biểu cũng chỉ rõ việc quản lý đất đai sử dụng cho một số dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa tín ngưỡng tâm linh thời gian qua còn thiếu chặt chẽ. Có một số địa phương giao diện tích đất lớn để xây dựng công trình tín ngưỡng tôn giáo (TNTG). Điều này gây quan ngại trong dư luận xã hội về vấn đề sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, hợp lý nguồn tài nguyên đất.

Bên cạnh đó còn có tình trạng trong cùng dự án du lịch, dịch vụ, việc xác định ranh giới giữa các loại đất TNTG, dịch vụ, thương mại chưa được phân định rõ ràng theo quy định của pháp luật. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà nước (thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, căn cứ để xác định giá đất) và gây dư luận xã hội về tính đúng đắn của quy hoạch các khu du lịch có liên quan đến cơ sở TNTG (theo quy định của pháp luật về đất đai, các công trình TNTG được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất; đối với các công trình du lịch, dịch vụ, thương mại thì được Nhà nước cho thuê đất). Vì vậy, đại biểu đề nghị đánh giá rõ hơn việc thực hiện thời gian qua và định hướng cho giai đoạn tới đảm bảo đúng quy định pháp luật. 

Thống nhất với nhiều ý kiến của Chính phủ về các giải pháp, đại biểu nhấn mạnh: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải mang tính ổn định cao bởi bất cứ sự điều chỉnh nào cùng có thể dẫn đến nguy cơ phá vỡ hệ thống. Phương án tốt nhất là đã công bố quy hoạch thì không thể có sự điều chỉnh hoặc nếu có thì bị ràng buộc bởi hệ thống các điều kiện và trách nhiệm pháp lý chặt chẽ, minh bạch.

Đại biểu cũng đề nghị kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng, bảo đảm xác định được chủ sử dụng đất đối với từng diện tích cụ thể để có thể truy cứu trách nhiệm khi chủ sử dụng đất sử dụng trái pháp luật; xây dựng hệ thống chế tài xử lý mạnh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai để tránh lãng phí và nâng cao trách nhiệm của chủ sử dụng đất. Bên cạnh đó cần có cơ chế cụ thể, rõ ràng, thuận lợi để nhân dân thực hiện hiệu quả quyền giám sát với tư cách là chủ sở hữu về đất đai; đồng thời có cơ chế giải trình việc sử dụng đất của chủ sử dụng đất (nếu có).

Đại biểu cũng đề nghị cần xây dựng chính sách giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp lý, phù hợp thực tiễn, tránh mâu thuẫn về giá quyền sử dụng đất như hiện nay, gây xung đột lợi ích giữa nhà nước và công dân, thất thu cho ngân sách, đặc biệt là chống tham nhũng, tiêu cực trong quy hoạch và sử dụng đất.

Ngọc Mai (lược ghi)

tin liên quan

Sở Tài nguyên và Môi trường tích cực sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy

(QBĐT) - Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại tổ chức bộ máy của cơ quan hành chính nhà nước theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP của Chính phủ, thời gian qua, đơn vị đã tích cực kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nâng cao chất lượng hoạt động các phong trào thanh niên

(QBĐT) - Qua nhiều năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước" (Nghị quyết số 25), công tác thanh niên trên địa bàn huyện Quảng Ninh có nhiều chuyển biến mạnh mẽ; chất lượng hoạt động các phong trào thanh niên ngày càng nâng cao.
 

Quán triệt, triển khai Quy định số 22/QĐ-TW về công tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật Đảng

(QBĐT) - Chiều ngày 29-10, Thị ủy Ba Đồn tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.