Cần làm rõ nội hàm, phạm vi, tính chất, cấp độ của "tiêu biểu"
(QBĐT) - Tại phiên thảo luận trực tuyến về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) sáng 28-10, đại biểu Trần Quang Minh đã tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến về các danh hiệu tiêu biểu.
Đồng tình với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội của Quốc hội về sự cần thiết và các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng (TĐKT), đại biểu Trần Quang Minh đã góp ý về nội dung “Bổ sung quy định về xã tiêu biểu, phường, thị trấn tiêu biểu; thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu; gia đình tiêu biểu”. Cụ thể:
Đại biểu Trần Quang Minh thống nhất với đề nghị của báo cáo thẩm tra là cần làm rõ nội hàm, phạm vi, tính chất, cấp độ của “tiêu biểu” là hết sức đúng đắn và rất quan trọng, làm cơ sở chính xác để ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành đảm bảo sát thực tế, hiệu quả, nhất là định lượng được trong việc bình xét và đảm bảo tỷ lệ một cách thực chất, tránh khen thưởng tràn lan, mất ý nghĩa của danh hiệu. Đại biểu cho rằng, đã là “tiêu biểu” thì phải là tấm gương sáng điển hình; đạt tiêu biểu là cấp độ điển hình nên tiêu chuẩn phải được quy định cao hơn rất nhiều so với danh hiệu văn hoá.
Về tiêu chuẩn của khu dân cư tiêu biểu được đưa ra ở các điểm a, b, c, d; mục 1, Điều 27 về việc quy định phải là khu dân cư dẫn đầu trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, trật tự là chưa sát với thực tế đang diễn ra. Đại biểu Trần Quang Minh lý giải, có thể có khu dân cư của một đơn vị cấp xã dẫn đầu một hoặc một vài lĩnh vực nào đó chứ rất khó để chọn khu dân cư dẫn đầu toàn diện. Vì vậy theo đại biểu, việc công nhận danh hiệu tiêu biểu cho khu dân cư chỉ cần dẫn đầu một số lĩnh vực, còn lại phải là xuất sắc, và tính toàn diện được xem là nổi trội hơn so với các khu dân cư khác thì mới đảm bảo tính hợp lý.
Việc quy định danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” tại Điều 25 có các tiêu chuẩn đi kèm trong đó quy định tại điểm c, mục 1 có quy định có tính chất định lượng rất rõ, đó là: Có trên 50% cá nhân trong tập thể đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” và không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên. Do đó, đại biểu đề nghị đưa các tiêu chuẩn mang tính chất định lượng cho danh hiệu “Xã tiêu biểu”; “Phường, thị trấn tiêu biểu”; “Thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố tiêu biểu” như: quy định đối với khu dân cư tiêu biểu phải có ít nhất bao nhiêu % hộ gia đình tiêu biểu và muốn đạt danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu thì phải đạt ít nhất bao nhiêu % khu dân cư trực thuộc tiêu biểu, đi kèm với đó là những quy định mang tính bắt buộc, chẳng hạn như không có tình trạng khiếu kiện đông người, tập thể…
Hiện tại, việc xét tặng các danh hiệu đang thực hiện theo Nghị định 122/2018 về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hoá” và “Khu dân cư văn hoá”. Tuy nhiên, có một số tỉnh cũng đã thực hiện khen thưởng, tôn vinh đối với gia đình văn hoá (GĐVH) tiêu biểu trong số gia đình đạt danh hiệu GĐVH như tỉnh Quảng Bình. Đại biểu Trần Quang Minh cho rằng, việc khen thưởng này là khá thực chất. Suy tôn danh hiệu gia đình tiêu biểu ở khu dân cư sẽ có tác dụng lớn về động viên, khích lệ, nên cần đề ra tiêu chuẩn hợp lý, công nhận danh hiệu sát thực tế, thực chất, phản ánh đúng chất lượng mọi mặt đời sống gia đình đang diễn ra, tránh việc công nhận danh hiệu và khen thưởng tràn lan làm mất đi giá trị, sự trân trọng của gia đình, xã hội đối với danh hiệu.
Đối với tiêu chuẩn của “Xã tiêu biểu”, “Làng, thôn, bản” tiêu biểu, đại biểu cho rằng có thể sử dụng kết quả của việc thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, nên “Phường, thị trấn tiêu biểu”, “Tổ dân phố tiêu biểu” và tương đương cũng cần lấy căn cứ cụ thể. Vậy nên, khi thay thế Nghị định 122 cần phải có sự điều chỉnh, tính toán chi tiết, có căn cứ xác đáng, đảm bảo thuận lợi khi thi hành.
Theo đại biểu Trần Quang Minh, danh hiệu “Xã tiêu biểu” cơ bản phải là xã đạt NTM nâng cao hoặc kiểu mẫu vì hiện nay tỷ lệ đạt NTM đang rất cao trong khi danh hiệu là vinh dự và phải nằm trong số ít được suy tôn chứ không phải là phổ biến. Tương tự, các tiêu chí đối với làng, thôn, bản cũng như vậy. Bên cạnh đó, cần phải có tiêu chuẩn cụ thể đối với xã tiêu biểu, khu dân cư tiêu biểu đối với các xã miền núi khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang để bảo đảm tính tương thích với điều kiện đặc thù,
Về mối quan hệ giữa danh hiệu thi đua “gia đình tiêu biểu” và “gia đình gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, có đóng góp lớn về công sức, đất đai và tài sản cho địa phương và xã hội”, đại biểu Trần Quang Minh cho rằng, đây là hai mối quan hệ rõ ràng với một bên là tiêu biểu có tính chất toàn diện, một bên là khen đối với hành động cụ thể. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ thì nên để lại tiêu chuẩn “gia đình gương mẫu có đóng góp lớn về công sức, đất đai” vì trong thực tế có hộ gia đình có đóng góp, tuy nhiên, có người vi phạm pháp luật nên không đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”…
Ngọc Mai (lược ghi)